Mẹ ơi, con sẽ... đi hoang

Em như con thú hoang...

Nhắc đến chuyện sinh nhật, Lan bật khóc: "Ba mẹ em chưa bao giờ quan tâm đến em. Em như một đứa con rơi. Sinh nhật em là những ngày buồn. Tại sao họ lại sinh ra em khi không thể cho em tình thương và lòng bao dung…" Gạt nước mắt rất nhanh, Lan nhoẻn miệng cười: “May mà cuộc đời vẫn còn đầy thứ để vui anh nhỉ?”. Rít từng hơi thuốc lá thật dài, cô bé 16 tuổi chậm rãi tâm sự về gia đình...

Mẹ ơi, con sẽ... đi hoang, An ninh - Hình sự, my soi, di dat, teen di dat, cuu net, te nan xa hoi

Vũ trường, nơi trẻ đi hoang giải buồn

Lan được sinh ra trong một gia đình khá giả trên phố Bà Triệu. Mẹ Lan có hai đời chồng, Lan là con người chồng thứ hai. Khi Lan 8 tuổi, "sóng gió" bắt đầu ập đến căn nhà của em. Vì thua lô đề, từ một công chức ngành điện, bố Lan phải bán căn nhà mặt phố (của mẹ Lan) để lui về sống trong một ngõ hẻm ở làng Tám (Hoàng Mai). Sau khi trả nợ, bố Lan đã dùng số tiền dư ra gần 1 tỷ đồng mua hai chiếc ôtô tải để chở hàng thuê.

Cũng từ đó, hạnh phúc giữa bố mẹ Lan nhạt dần. Họ bắt đầu cãi vã vì những lý do không đâu. Mẹ Lan nói thẳng: “Ông chỉ là thằng nhà quê, trên răng dưới cắt tút. Người ta khen ông hiện đại “trai tân mà lấy vợ hơn đến 6 tuổi, lại có hai mặt con. Xì, tôi biết tỏng ông lấy tôi vì tiền. Giờ ông đã có tiền, ông toàn mang cho gái, bỏ mặc mẹ con tôi. Ông kệ, tôi cũng kệ, xem chúng nó sống thế nào”.

Bố Lan cả tháng mới về nhà một lần, mẹ Lan vùi đầu thâu đêm vào những ván tá lả, chắn cạ. Căn nhà ba tầng, rộng gần 200 m2 trở nên quá trống trải và lạnh lẽo. Lan bắt đầu làm quen với lũ bạn tóc xanh, tóc đỏ hay tụ tập trước cổng trường từ năm 13 tuổi.

"Lúc đó, em vẫn nhận thức được chuyện bỏ học để đàn đúm là hư nhưng không thể dứt ra được vì ở đó em được bọn con trai quan tâm. Tiếng nói của em được chúng lắng nghe và hưởng ứng. Em trượt dài với những đêm chát chít, đánh lộn, đi hoang. Có lần, bố em dùng dây lưng để đánh em đến bật máu. Em không khóc vì em chỉ thấy sự hận thù trong mắt ông ấy. Ngoài tiền đề đóng học phí, bố mẹ em không quan tâm đến chuyện em no, đói thế nào.

Đã có lần, em khóc và nói với mẹ: "Con muốn bố mẹ hạnh phúc. Mẹ hãy ở nhà với con, đừng để con phải đi hoang". Mẹ em lạnh lùng: "Mày giỏi thì cứ đi như thằng bố mày". Họ không có quyền hỏi tại sao em hư, vì chính họ đã là những tấm gương rất tối", Lan. nghẹn ngào nói tiếp.

Mẹ ơi, con sẽ... đi hoang, An ninh - Hình sự, my soi, di dat, teen di dat, cuu net, te nan xa hoi

Hai kẻ đi hoang này đã phạm tội khi còn rất trẻ.

Khi 15 tuổi, Lan yêu lần đầu tiên, một thằng du côn làng, nhà ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lan yêu Hùng (tên thằng du côn đó) vì một lần Lan đói, đúng lúc cồn cào nhất thì thằng Hùng xuất hiện. Khi thấy Lan kêu đói, thằng bé chỉ quen đánh lộn nói: “Em cứ ở đó chờ anh”. Nói rồi nó phóng xe vụt đi. Một lúc sau, Hùng mang về một túi bánh mì, xôi, nước suối, kẹo cao su... nó đi bộ, chiếc xe cuốc đã đặt cho tiệm cầm đồ. Chơi với nhau đã lâu nhưng Lan chưa bao giờ thấy Hùng ga lăng đến vậy. Đêm đó, Lan không về. Lan nói: “lần đầu tiên xe xa nhà, cũng là lần đầu tiên em nằm bên cạnh một thằng con trai. Cái cảm giác vừa sợ vừa thích thú. Quan trọng nhất là cảm thấy mình được che chở. Cái cảm giác em chưa bao giờ có khi ở bên bố mẹ”.

Trong một lần ẩu đả, người yêu Lan phạm tội cố ý gây thương tích và bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù giam. Khi ấy Lan vừa tròn 16 tuổi. Hụt hẫng, chán nản, cô lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở vũ trường, quán bar, làm quen với chất gây nghiện, đắm chìm trong thế giới lắc bay. Thiếu tiền, Lan biến mình thành gái gọi. Lan tâm sự: “Em biết mình sai, nhiều lúc em rất mong ba mẹ em mắng chửi em là đồ hư hỏng, bắt em phải ở nhà. Vậy mà điều bình thường ấy cũng không xảy ra. Mẹ em còn dạy, mày trẻ thế, yêu thằng nào phải biết quay tiền chứ. Tuổi xuân mấy mà qua. Em thất vọng, bỏ hẳn học và lao vào những cuộc đi hoang nhiều hơn... Giờ em như con thú hoang”.

Tôi đã giết con mình

Tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội số 2 (Ba Vì), sau buổi diễn văn nghệ, tôi gặp một cô gái mới bước qua tuổi 17, có khuôn mặt đẹp như thiên thần. Câu chuyện của em làm tôi đi từ sốc đến xúc động. Cô gái đó là Lê Thị K. (nhà ở phố Hàng Gà, Hoàn Kiếm), đang ở tình trạng "3 trong 1 (nghiện hút, bán dâm và nhiễm HIV).

Không một giọt nước mắt, K. kể lại: "Em được sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Căn nhà của em chỉ có sự thù hận giữa những người từng được gọi là vợ chồng. Bố mẹ em ly thân nhưng vẫn sống cùng một căn nhà rộng chưa đầy 30m2, ai cũng có bồ nhí nên sớm già trước tuổi. Em trở thành đàn bà từ năm 13 tuổi. Người đàn ông đầu tiên cặp với em đã có vợ. Một lần, sau khi đi phá thai về, thấy em quá đau đớn anh ấy đưa cho em một gói nhỏ và nói, em hít thứ này sẽ hết đau. Về sau em mới biết thứ bột trắng đáng sợ ấy là heroin...

Từ đó, em lệ thuộc vào ma tuý, sống với anh ấy, không một lần quay lại nhà mình nữa. Năm em 15 tuổi thì anh ấy bị bắt vì tội sử dụng và tàng trữ trái phép ma tuý, em rơi vào tuyệt vọng... Rồi em làm hồ sơ giả, xin vào làm tiếp viên tại khách sạn H. Tiền bo lúc có, lúc không nên em phải chấp nhận "đi khách để lấy tiền thoả mãn ma túy. Trong một lần qua đêm với khách, em bị bắt và bị phát hiện dương tính với HIV. Lúc đó, trời đất sụp đổ dưới chân em... Em khóc rất nhiều, giờ thì không thể khóc được nữa.

Mẹ ơi, con sẽ... đi hoang, An ninh - Hình sự, my soi, di dat, teen di dat, cuu net, te nan xa hoi

Nhóm đi hoang do My sói cầm đầu.

Số phận của Trần Văn T. ở Hào Nam (Đống Đa) cũng không kém phần bi thảm. T. sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nghệ thuật, thường xuyên đi diễn ở trong và ngoài nước, bỏ lửng hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những khoản tiền lớn của bố mẹ T. mang về không khoả lấp được sự thiếu thốn tình cảm của hai anh em T.

Mới chỉ 15 tuổi (cũng đang theo học ở một trường nghệ thuật tại Hà Nội). T. đã thuộc đủ ngón nghề ăn chơi và thường xuyên có mặt trong những đêm bay "mất người" cùng lũ bạn. Một lần, T. bị bệnh zola phải nhập bệnh viện Bạch Mai. "Qua một số dấu hiệu từ căn bệnh của T., tôi đã cho thực hiện một số xét nghiệm và phát hiện, cậu bé đã nhiễm HIV. Khi tôi gọi bố T. vào để thông báo, ông gần như suy sụp, vã mồ hôi đầm đìa, mặt già đi mấy tuổi chỉ trong vài phút, ông ấy nói: "Chính vợ chồng tôi đã giết con. Nếu chúng tôi không mải kiếm tiền, quan tâm đến cháu hơn thì đâu đến nỗi khổ thế này" - bác sĩ T. (bệnh viện Bạch Mai) kể lại.

Chỉ trong vòng 5 ngày, từ ngày 17 đến ngày 22 - 7-2010, nhóm trẻ đi hoang do Đào Thu Hương (tức My sói), SN 1996 đã gây ra 4 vụ dụ dỗ, hiếp dâm, cướp đoạt tài sản của các cô gái. Thủ đoạn của nhóm tội phạm do My sói cầm đầu là dùng mạng Internet và điện thoại di động để kiếm các cô gái hay bỏ nhà đi hoang hoặc những cô gái kẹt nét, thậm chí lợi dụng những mối quan hệ ngoài xã hội để lừa gặp hoặc đi chơi với chúng, rồi hãm hiếp và quay video để khống chế.

Khi bị CA quận Đống Đa bắt giữ, trong suốt thời gian khai báo My sói vẫn điềm tĩnh lạ lùng, thỉnh thoảng còn cười nhếch mép. My khai, bố mẹ li dị từ khi My mới 1 tuổi, ai cũng mải mê với cuộc sống mới của mình nên trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng nó được giao phó cho ông bà nội. Năm My 11 tuổi thì ông bà lần lượt qua đời. Nó trở thành đứa trẻ bơ vơ mặc dù cả bố và mẹ vẫn còn sống. Nó chọn về ở với bố. Nhưng cuộc sống với người mẹ kế không được như ý muốn. Nó đâm ra chán chường. Năm 12 tuổi, nó bỏ nhà đi dạt và trượt dài trong tội lỗi từ đó...

Trách nhiệm chính thuộc về gia đình

Theo số liệu thống kê của VKSND TC, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp bắt nguồn từ việc không được quan tâm chăm sóc chu đáo. Một nghiên cứu mới đây của Bộ CA và Viện Tâm lý học cũng cho thấy, số lượng trẻ vị thành niên phạm pháp do ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình chiếm một tỉ lệ rất lớn. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí phạm tội, các em dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi tới các hành vi phạm pháp. Theo số liệu điều tra trong 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49.81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của cha mẹ.

Nhà tâm lý Bùi Tuệ cho rằng: "Những bố mẹ ít quan tâm đến con cái hầu hết đều vì áp lực cuộc sống, mải làm ăn hơn, ly hôn nhiều hơn... Trong những hoàn cảnh như vậy, trẻ em thường không giữ được thăng bằng trong cuộc sống, rất dễ buồn chán, tiêu cực, dễ bị lôi kéo, tham giap với đám bạn xấu. Với tâm lý thích làm người lớn, thích nổi trội, thích bạn bè thán phục chịu chơi, những đứa trẻ thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ rất dễ sa ngã, bỏ bê chuyện học hành, mải mê chát chít, đua đòi "bay, lắc", thậm chí phạm tội... Trách nhiệm chính thuộc về gia đình.

Trẻ em không chỉ cần cuộc sống đầy đủ về vật chất như nhiều người lầm tưởng, chúng cần quan tâm của bố mẹ nhiều hơn. Sự ảnh hưởng của bố mẹ đối với con cái là rất lớn, muốn con ngoan thì bố mẹ không thể "hư". Những ông bố, bà mẹ cần làm những tấm gương sáng vế đạo đức, nhân cách để làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cái...".


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15124
Số người truy cập:
9238814