Một thanh niên (29 tuổi) bị bắt vì tạt axit vợ do ghen tuông (ảnh chụp ngày 1-12) - Ảnh: Sơn Bình |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an TP.HCM, trong năm 2010 (tính đến cuối tháng 11) xảy ra 49 vụ giết người do mâu thuẫn bột phát trong sinh hoạt gia đình, đi lại, ăn nhậu... Phân tích của Công an TP cho thấy mối quan hệ giữa hung thủ - nạn nhân trong số 49 vụ giết người này có 4 vụ xảy ra trong cùng gia đình, 3 vụ cùng là học sinh, 17 vụ có quen biết nhau từ trước và 25 vụ các bên không quen biết nhau. Về độ tuổi: dưới 18 tuổi chiếm hơn 21%, còn lại hầu hết từ 18-30 tuổi.
Dao, mã tấu... thay lời muốn nói!
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Đoàn Thanh Tuấn (34 tuổi) và Bùi Thành Công (25 tuổi, cùng ngụ Q.Thủ Đức) là hai nghi can liên quan vụ hỗn chiến khiến một người chết, một người bị thương tại P.Hiệp Bình Chánh ngày 22-12. Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ đâm chém lẫn nhau dẫn tới chết người mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn tưởng như không có gì đáng nói.
Theo hồ sơ của Công an Q.Thủ Đức, khoảng 21g ngày 21-12 bà Cúc - tổ trưởng tổ dân phố 1B, khu phố 1, P.Hiệp Bình Chánh - nhận điện thoại báo gia đình bà Thương ngụ trong khu phố hát và mở âm thanh lớn quá, đề nghị bà Cúc tới nhắc nhở. Bà Cúc tới nhà gọi riêng bà Thương để nhắc nhở.
Sau khi bà Cúc về, ông Lâm (chồng bà Thương) gọi điện mắng bà Cúc. Ít phút sau, con rể của ông Lâm và bà Thương là Huỳnh Quang Thiện (39 tuổi) dẫn theo một thanh niên tới nhà bà Cúc “nói chuyện phải quấy”. Thiện và thanh niên đi cùng đã cự cãi với vợ chồng bà Cúc, đuổi đánh chồng con bà Cúc. Con bà Cúc điện thoại cầu cứu Công (con rể bà Cúc).
Lúc này Công đang nhậu chung với Tuấn, nghe tin báo liền rủ Tuấn về và có mang theo dao để phòng thân. Tới nhà, Công nói chuyện qua lại với Thiện, bị Thiện đánh phủ đầu ngã chúi xuống đất. Thấy Công bị đánh, Tuấn vào can thiệp nhưng cũng bị đánh gục. Bị đánh, Công và Tuấn đã dùng dao tấn công đâm trúng Thiện và thanh niên đi cùng. Sau đó Thiện tử vong, thanh niên đi cùng bị thương hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, tại một quán cơm thuộc khu phố 2 (P.Tân Kiểng, Q.7), Nguyễn Tấn Huy (16 tuổi, ngụ Vĩnh Long) đã xông vào quán, leo lên gác lửng khống chế chị Trương Thị Minh Trúc đang nằm ngủ rồi dùng dao đâm nhiều nhát, khiến chị Trúc tắt thở trên đường đi cấp cứu. Theo gia đình nạn nhân, Huy và Trúc yêu nhau hơn một năm và mới chia tay.
Ngày 18-11, một học sinh đang đạp xe trên đường về thì bị nhóm thanh niên đi xe máy chặn lại dùng lưỡi lê đâm chết trên đường Tú Xương (P.7, Q.3). Nạn nhân là em Đặng Hoàng Tiến (15 tuổi, ngụ Q.7), học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm. Sau khi Tiến tử vong, Nguyễn Văn Dư (15 tuổi, ngụ Q.1) được gia đình dẫn tới công an đầu thú. Dư khai do hai bên có mâu thuẫn ghen tuông nên đã mang theo lưỡi lê, rủ thêm anh họ Lê Nguyễn Trọng Quý đi theo và gây ra án mạng.
Xu hướng bạo lực
Theo Công an TP.HCM, so với năm 2009, số vụ án mạng vì mâu thuẫn bột phát có giảm hai vụ nhưng tính chất, mức độ rất nghiêm trọng. Điển hình là vụ án xảy ra trên đường Cống Quỳnh (Q.1): hai nhóm thanh niên suýt quẹt xe vào nhau nên xảy ra cự cãi, dẫn đến án mạng (hai người chết, một người bị thương). Nhiều vụ việc khác chỉ vì lời nói, ánh mắt nhìn nhau không hài lòng đã dẫn tới việc các nhóm thanh thiếu niên đâm chém nhau.
Đại tá Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM - cho biết tính bạo lực trong xử sự hằng ngày của thanh thiếu niên ngày càng nghiêm trọng. Trong nhiều vụ việc, dù gây án do bột phát nhưng khi hành động lại có sự phân công vai trò rất rõ ràng, không thua kém tội phạm có tổ chức. Từ khi dự định gây án tới khi hành động rất nhanh, có khi chỉ kéo dài trong vài chục phút nên lực lượng công an gần như không thể kịp ngăn chặn phòng ngừa.
Phân tích tình hình tội phạm trong năm 2010, một cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP nói: “Tính chất bạo lực, côn đồ trong hành vi của giới trẻ hiện nay trở nên phổ biến. Các thanh thiếu niên hành xử một cách bạo lực mà không cần suy nghĩ tới hậu quả, thậm chí coi đó là một chuẩn mực anh hùng”.
GIA MINH - SƠN BÌNH
Thạc sĩ Lê Nguyên Thanh (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM):
Còn khoảng trống trong giáo dục nhân cách
Tỉ lệ tội phạm do người chưa thành niên (14-18 tuổi) chỉ cần chiếm khoảng 10% trong cơ cấu tội phạm cũng đáng lo ngại rồi, còn tới mức 21% như hiện nay quả thật đáng báo động.
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực của đời sống kinh tế làm gia đình mất dần chức năng giáo dục, quản lý người chưa thành niên. Gia đình đang đẩy chức năng này sang nhà trường. Thế nhưng nhà trường cũng không thể thay thế vai trò gia đình trong việc giáo dục, quản lý người chưa thành niên. Trường học hiện đang quá tải trước yêu cầu về chuyên môn và bệnh thành tích nên không đủ thời gian, điều kiện để giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh.
Thứ hai, môi trường xã hội hiện đầy rẫy tác động tiêu cực đối với giới trẻ như phim ảnh, tụ điểm ăn chơi, giải trí thiếu lành mạnh, nhất là các loại hình trò chơi bạo lực... Những phương tiện giải trí lành mạnh (thể thao, văn nghệ...) không đủ cho giới trẻ thỏa mãn nhu cầu và tạo được sự cân bằng trong đời sống tâm lý. Trong điều kiện đó, tuổi trẻ đang thiếu một định hướng đạo đức, văn hóa, tình cảm tích cực và có sức chi phối nên phạm tội mà không nghĩ rằng mình đã làm điều ác.
Ở góc độ phát triển tâm sinh lý, thanh thiếu niên bây giờ phát triển nhanh hơn so với trước đây nên dễ học hỏi, bắt chước mà thiếu chọn lọc. Phát triển sớm về thể chất nhưng không bồi dưỡng kịp thời, đầy đủ các giá trị tinh thần thì sự phát triển đó là không bền vững và tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp.
CHI MAI ghi