Bị cáo Nguyễn Hữu Trực sau phiên xử phúc thẩm
Tội ác từ mối tình ngoài luồng
Phòng xử B của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM rộng mênh mông bởi những hàng ghế trống. Ở một góc phòng, mẹ và cô ruột của Trực ngồi lặng lẽ theo dõi phiên tòa trong tiếng thở dài vô vọng.
Hôm nay, Trực không phải gồng mình để nghe những tiếng la ó, phản đối từ đám đông người dự khán hay chứng kiến những giọt nước mắt tức tưởi, đau xé lòng của người thân bị hại như trong phiên tòa lưu động mấy tháng trước. Nhưng sự yên lặng đó dường như cũng không làm cho Trực yên tâm hơn và những người dự khán bất đắc dĩ như chúng tôi bớt cảm giác nặng nề.
Ở trên kia, vị chủ tọa đọc lại bản án sơ thẩm, thỉnh thoảng ông ngừng đọc nhìn Trực không giấu được sự phẫn nộ trước hành vi quá dã man, mất nhân tính của bị cáo.
Năm 2004, Trực quen biết và chung sống với chị N.T.T.M (SN 1979) dù đã có vợ và hai con (SN 2000 và 2004). Không muốn kéo dài cuộc sống “già nhân ngãi non vợ chồng”, chị M. nhiều lần yêu cầu Trực chia tay vợ để về sống với mình nhưng Trực không đành bỏ vợ con cũng không muốn xa chị M.
Đầu năm 2009, Trực dứt khoát về Bình Phước để lo cho hai con đi học. Thời gian này, chị M. vẫn nhiều lần liên lạc, gọi Trực về.
Gần Tết Nguyên đán 2009, chị M. điện thoại gọi Trực lên lấy đồ đạc để chị trả phòng trọ đồng thời chia tay luôn với Trực.
Ngày 10-1-2009, Trực đi xe đò lên TPHCM. Tối đó, Trực và chị M. cãi nhau, Trực tức giận bóp cổ chị M. rồi ngồi đọc báo. Một lúc sau, thấy chị M. im lặng, Trực kiểm tra phát hiện nạn nhân đã chết.
Lo sợ, Trực nghĩ cách phân xác nạn nhân ra làm nhiều đoạn nhỏ đem ném nhiều nơi để phi tang, sau đó lấy xe máy của chị M. đem bán... Ngày 15-5-2009, Trực bị bắt giữ sau nhiều tháng lẩn trốn.
Trả lời lý do kháng cáo xin giảm án, Trực cho biết không có ý định giết chị M. nên khi phát hiện chị đã chết, Trực “rất sợ ở tù, rối trí quá mới suy nghĩ và hành động như vậy. Bây giờ nghĩ lại, bị cáo cũng thấy khủng khiếp. Nhưng bị cáo còn hai con nhỏ dại, xin cho bị cáo được sống...”.
Nhìn ánh mắt van nài của Trực, vị công tố ôn tồn nói: “Một người rối trí không thể bình tĩnh tính toán cách phi tang thuần thục, lớp lang như thế. Nói gì thì nạn nhân cũng từng có thời gian chung sống, sao bị cáo lại đối xử lạnh lùng, tàn ác đến vậy? Gây tội ác xong, đối diện với hai đứa con, bị cáo thấy thế nào? Có nghĩ đến chúng sẽ trưởng thành ra sao khi có một người cha như thế?... Liệu gia đình nạn nhân có phai mờ được nỗi ám ảnh và nguôi giận trước hành động cực kỳ dã man của bị cáo? Hãy tự trả lời những câu hỏi đó xem có xứng đáng để sống nữa không?”.
Bi kịch “bác thằng bần”
Lại một vụ án giết người dã man để rồi không tránh khỏi phải trả giá bằng chính sinh mạng mình. Lưng ướt đẫm mồ hôi, Bùi Văn Sang đã gần như không thể bước đi nổi sau khi phiên tòa kết thúc.
“Nếu biết có ngày hôm nay, bị cáo sẽ không bao giờ dám làm như vậy. Lúc đó không biết nghĩ tầm bậy tầm bạ sao đó mà bị cáo đã giết T., thật tình anh em bị cáo quý mến nhau lắm...” - Sang run giọng tự bào chữa thêm cho mình.
Trót làm “bác thằng bần”, Sang nhiều phen gây khốn đốn cho gia đình, thậm chí khiến họ phải bán đất trả nợ nhưng rồi “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, một thời gian ngắn sau đó, Sang lại vay nợ để cờ bạc.
Trong một lần túng quẫn, Sang năn nỉ P.K.T (là anh em cô cậu ruột với Sang) vay 15 triệu đồng, thỏa thuận lãi suất 10%/tháng, sau đó đem nướng hết vào sòng bạc.
Chờ mấy tháng không thấy Sang trả tiền gốc lẫn lãi, ngày 7-4-2010, T. điện thoại đòi tiền và dọa nếu không trả sẽ nói cho chị dâu biết. Túi trống không lại sợ vợ biết được sẽ bỏ, Sang nảy sinh ý định giết T. để khỏi trả tiền và bịt đầu mối.
Sau khi chuẩn bị cây đòn gánh và dây ni lông, Sang hẹn T. đến rồi lừa lúc T. không để ý, Sang lấy đòn gánh đánh vào đầu làm T. té ngã rồi siết cổ đến chết. Giết người xong, Sang dìm xác xuống mương và hôm sau dùng xuồng chở xác T. ra sông Hậu neo đá vào người thả xuống sông để phi tang.
Sau đó, Sang lấy xe Honda và sợi dây chuyền trên cổ nạn nhân. Ngày 11-4-2010, xác anh T. được một người dân phát hiện. Ngày 12-4-2010, chủ tiệm cầm đồ đến công an trình báo về việc Sang đến cầm chiếc xe của T. Từ nguồn chứng cứ này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã ra lệnh bắt Sang.
Lưới trời lồng lộng, tội ác nào rồi cũng phải trả giá. Họ từng có gia đình và một cuộc sống tốt đẹp nhưng chính sự ích kỷ, độc ác đến mất nhân tính đã khiến họ mất tất cả, kể cả quyền được sống. Sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật cũng là lẽ công bằng và cần thiết để đem lại bình yên, trật tự cho xã hội.