Mất khả năng tập thể dục sau khỏi Covid-19

 18 tháng sau cô vẫn gặp nhiều di chứng như mệt mỏi, khó thở, đau đầu và nhức khớp. Hollabaugh đã đến gặp một bác sĩ tim mạch và một chuyên gia về phổi. Cả hai khuyên cô tập thể dục. Họ cho rằng tình trạng này là kết quả của việc không vận động thường xuyên.

Hollabaugh bắt đầu tập luyện bằng xe đạp, đi bộ nhanh trên máy chạy và dắt chó đi dạo vài km mỗi ngày. Nhưng việc tập thể dục không giúp cải thiện vấn đề sức khỏe hậu Covid-19. Trái lại, nó làm các triệu chứng trầm trọng thêm. "Tôi chưa bao giờ thấy tệ thế này. Tôi quá mệt mỏi và không thể tập trung", Hollabaugh nói.

Thực tế, Hollabaugh không phải là người duy nhất cảm thấy tập thể dục khiến các di chứng trở nên tồi tệ hơn. Natalie Lambert, chuyên gia về dữ liệu y tế và thống kê sinh học tại Trường Y Đại học Indiana, thu thập báo cáo từ hơn một triệu bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Họ thường được bác sĩ khuyên tập thể dục, nhưng nhiều người cho biết sức khỏe giảm sút sau khi làm điều này.

"Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng mất khả năng tập luyện là một trong những di chứng phổ biến mất", tiến sĩ Lambert nói. Theo bà, một số người có biểu hiện suy nhược tái phát, sương mù não hoặc đau cơ nếu tập thể dục. Họ hụt hơi khi hoạt động thể chất rất nhẹ, được gọi là tình trạng "mệt mỏi khi gắng sức", phổ biến ở người mắc Covid-19 kéo dài. Trong cuộc khảo sát trực tuyến với 3.700 bệnh nhân Covid-19 kéo dài, các nhà khoa học phát hiện 89% gặp vấn đề này.

Trong nghiên cứu nhỏ công bố vào tháng 1, tiến sĩ David Systrom, khoa phổi Bệnh viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ ở Boston, so sánh 10 bệnh nhân Covid-19 kéo dài gặp khó khăn khi tập thể dục với 10 người chưa từng nhiễm virus. Kết quả CT lồng ngực của hai nhóm đều bình thường. Họ cũng không gặp tình trạng thiếu máu, vấn đề chức năng tim phổi. Điều này cho thấy tổn hại nội tạng không phải nguyên nhân gây tình trạng trên.

Tuy nhiên, ở người từng mắc Covid-19, tập thể dục trong thời gian dài có thể khiến tĩnh mạch hoạt động không bình thường, ngăn cản oxy đến các phần của cơ thể. Các nhà khoa học chưa kết luận nguyên nhân của hiện tượng này. Song nghiên cứu khác của tiến sĩ Systrom cho thấy bệnh nhân Covid-19 bị tổn thương một loại sợi thần kinh nhất định liên quan đến cơ quan và mạch máu.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiện tượng không thể tập thể dục sau nhiễm nCoV bắt nguồn từ phản ứng tim mạch. Các chuyên gia từ Indiana hồi tháng 11/2021 đã yêu cầu 29 phụ nữ từng dương tính nCoV đi bộ trong 6 phút. Họ nhận ra nhịp tim của những người này tăng hoặc giảm chậm hơn so với nhóm 16 người không mắc Covid-19.

Một bệnh nhân Covid-19 kéo dài tập với máy chạy bộ ở AbilityLab, Mỹ. Ảnh: NY Times

Một bệnh nhân Covid-19 tập chạy bộ ở AbilityLab, Mỹ. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Lambert chỉ ra một số bệnh nhân Covid-19 kéo dài cũng mắc hội chứng "tim đập nhanh ở tư thế đứng" (POTS) - một dạng rối loạn ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Ở người bị POTS, hệ thống thần kinh không thể điều chỉnh những yếu tố tự nhiên như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi và nhiệt độ cơ thể.

Một số bác sĩ cũng chỉ ra điểm tương đồng giữa bệnh nhân Covid kéo dài và người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME hoặc CFS). Họ cùng gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ, nhận thức, thường đau khớp, đau cơ và mệt mỏi.

Nhiều thập kỷ, các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân ME/CFS tập thể dục. Nhưng đối với nhiều người, phương pháp này không cải thiện triệu chứng, thậm chí khiến chúng tồi tệ hơn. Giờ đây, nó không còn được đề xuất trong hướng dẫn trị liệu.

Các chuyên gia cho rằng bệnh nhân vẫn có thể tập thể dục trở lại, song cần kiên nhẫn chờ sức khỏe cải thiện, các di chứng Covid-19 qua đi.

"Bạn không nên tập luyện ngay sau khi khỏi bệnh. Thay vào đó, hãy từ từ vận động nhẹ nhàng cho đến khi cảm thấy khá hơn", tiến sĩ Lambert nói. Bà cho biết Covid-19 có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau ở từng F0, vì vậy bác sĩ cần điều chỉnh các khuyến nghị để phù hợp nhu cầu bệnh nhân.

Thục Linh (Theo NY Times)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
17716
Số người truy cập:
9016281