Vụ tranh chấp giữa CTCP Tập đoàn Đầu tư (IPA) và Công ty TNHH Vạn Lợi (Vạn Lợi Hà Nội) khởi nguồn từ việc chuyển một khoản nợ thành vốn góp cổ phần. Trước khi thương vụ diễn ra vào năm 2010, IPA đã cho Công ty TNHH Vạn Lợi Bắc Kạn vay 100 tỷ đồng dưới sự bảo lãnh của Vạn Lợi Hà Nội. Khi đó, Vạn Lợi Hà Nội và Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này sở hữu 70%, IPA sở hữu 30% vốn điều lệ Vạn Lợi Bắc Kạn. Khi thấy Vạn Lợi Hà Nội không thể thực hiện được nghĩa vụ bảo lãnh, các bên đã chuyển khoản nợ đó thành vốn cổ phần để trừ nợ theo một điều khoản đã được thỏa thuận trước đó và IPA được quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của Vạn Lợi Bắc Kạn.
Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm kể từ khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và chuyển giao tài sản khác, cũng như hợp thức hóa việc chuyển vốn vay thành vốn góp cổ phần, tranh chấp đã phát sinh.
Đầu năm 2012, bên bán nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND TP. Hà Nội tuyên bố hợp đồng nói trên vô hiệu, với lý do người ký kết của bên bán không phải là đại diện theo pháp luật, dù rằng người này sở hữu tới 99,9% vốn điều lệ Vạn Lợi Hà Nội. Lý do thứ hai được bên bán viện dẫn là trong số tài sản chuyển giao có một mỏ sắt đã được thế chấp tại ngân hàng và phía ngân hàng không đồng ý chuyển đổi con nợ. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện, tuy nhiên, bên mua cho rằng, việc một mỏ sắt không thể chuyển giao chỉ là một phần của hợp đồng và không thể khiến toàn bộ hợp đồng vô hiệu, nên nộp đơn kháng cáo.
Cho tới nay, vụ tranh chấp vẫn chưa kết thúc. Có thể nói, các bên đã nhận thức tình trạng đã bị thế chấp của mỏ sắt và thỏa thuận các điều khoản để ràng buộc cả hai phía thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, bản hợp đồng với các điều khoản rất chi tiết vẫn không thể đảm bảo tranh chấp không phát sinh.
Dù sao, tranh chấp giữa IPA và Vạn Lợi Hà Nội vẫn chỉ dừng lại ở trách nhiệm dân sự. Có những tranh chấp hậu M&A đã trở thành vụ án hình sự khi một chủ DN đã từng bị tuyên án đến 15 năm tù giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vụ M&A này bắt đầu từ năm 2007, khi một doanh nhân mua lại cổ phần chi phối (99%) của CTCP Kim khí Hưng Yên từ hai cá nhân. Trong quá trình chuyển giao DN, bên mua chấp nhận trả 340 tỷ đồng nợ ngân hàng thay cho bên bán. Riêng khoản nợ 35,76 tỷ đồng, thuộc trách nhiệm bên bán phải trả, các bên có thỏa thuận rằng, bên mua chấp nhận trả nợ giúp bên bán, đổi lại bên bán chuyển nhượng 5.000 cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho bên mua.
Trong quá trình thực hiện việc thanh toán khoản nợ 35,7 tỷ đồng nói trên, tranh chấp đã phát sinh do bên bán không thể chuyển nhượng 5.000 cổ phần SCB, vì thực tế họ chỉ có 5.000 trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này. Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hưng Yên xác định, số trái phiếu này đã được bên bán cầm cố để vay 7 tỷ đồng và sau khi số trái phiếu nói trên được chuyển thành cổ phiếu thì bên bán đã chuyển nhượng cho người khác. Do đó, bên mua không tiếp tục trả nợ thay và yêu cầu đối chiếu lại công nợ.
Trong khi đó, bên chủ nợ đâm đơn ra cơ quan pháp luật, khởi nguồn cho việc khởi tố một vụ án hình sự. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên cho rằng, bên mua phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm, Viện KSND Tối cao cho rằng, từ khi nhận nợ, bị can (bên mua) đã thanh toán phần lớn khoản nợ, phần còn lại bị can xin đối chiếu công nợ; đây là khoản vay có tài sản đảm bảo và tài sản của bị can lớn hơn nhiều lần số nợ. Do đó, không có căn cứ khởi tố và truy tố bị can. Viện KSND Tối cao yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Một vụ việc khác, sau khi cho vay và không đòi được nợ, cực chẳng đã, chủ nợ đành phải nhận một DN xi măng với vốn điều lệ 80 tỷ đồng để gán nợ. Khi nhận bàn giao, các bên đã thỏa thuận, bên mua chỉ phải trả khoản nợ gần 29 tỷ đồng của công ty xi măng, những khoản nợ còn lại thuộc trách nhiệm của bên bán. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án vẫn yêu cầu bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hai bản án dân sự đã có hiệu lực, trong đó DN xi măng là đối tượng thi hành án.
Chưa rõ các bên sẽ tiếp tục phản ứng ra sao, nhưng trong vụ tranh chấp này, có lẽ cần tìm hiểu thực trạng DN trước khi tiến hành M&A và cần có tư vấn pháp luật để hiểu rõ giá trị của thỏa thuận nhận nợ, trách nhiệm thi hành án.
Một điểm chung trong các vụ tranh chấp hậu M&A này là sự thiếu vắng vai trò của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong quá trình đàm phán. Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn luật sư Hà Nội khuyến cáo, khi thực hiện các giao dịch M&A, mua vốn cổ phần/phần vốn góp để thâu tóm DN, các bên, nhất là bên mua cần phải có các nhà tư vấn, luật sư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực tài chính, kiểm toán và luật pháp (đến từ các ngân hàng đầu tư, CTCK, công ty kiểm toán, công ty định giá, công ty luật).
Trong giao dịch này, nhà tư vấn tài chính có vai trò thu thập và đánh giá các chỉ tiêu về tài chính, thẩm định tài sản, giá cả, các rủi ro tài chính… và quan trọng là đưa ra hình thức và phương thức giao dịch, quản lý giao dịch.
Các chuyên gia kế toán, kiểm toán thẩm định các thông tin, số liệu trên các báo cáo tài chính, các vấn đề về thuế để có con số trung thực về vốn chủ, vốn nợ, về tài sản, thuế, nợ thuế… của đối tượng M&A, qua đó góp phần định hướng cho các quyết định mua - bán của hai bên, nhất là bên mua được chính xác, tránh các thiệt hại về kinh tế.
Các luật sư sẽ giúp các bên: (i) thẩm định và cho ý kiến pháp lý về hồ sơ pháp nhân; điều kiện, thẩm quyền ký kết giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp; nghĩa vụ nợ của DN; các vấn đề pháp lý về tài sản; các hợp đồng, giao dịch đã, đang và sẽ thực hiện; và các vấn đề pháp lý khác; (ii) kiểm tra các vấn đề pháp lý liên quan đến chứng khoán, cạnh tranh, chống độc quyền, pháp luật chuyên ngành; (iii) tham gia vào việc soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp, thẩm định hoặc dự thảo các tài liệu giao dịch (biên bản, nghị quyết của DN)…
Theo Luật sư Bùi Thanh Lam, hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phần/phần vốn góp không có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp là do “văn hóa” không quen sử dụng các dịch vụ tư vấn, ban đầu đến với nhau vì sự tin tưởng. Khi tham gia vào giao dịch, đa phần các bên đều chỉ tập trung hướng đến các lợi ích trong kinh doanh mà không lưu ý đến các bất lợi, các rủi ro tiềm ẩn.
Việc thuê các nhà tư vấn lành nghề, chuyên nghiệp cũng mất một khoản phí khá lớn nên các bên e ngại. Tuy nhiên, nếu phát sinh tranh chấp, thiệt hại của các bên, nhất là bên mua sẽ lớn hơn nhiều lần phí thuê tư vấn, chưa kể các mất mát về thương hiệu, uy tín, thậm chí cả khả năng phải “đáo tụng đình”.
Theo Tin nhanh chứng khoán