Ly kỳ vụ xác người xe ôm trong căn nhà hoang

Nhìn vào gia cảnh tử tù Vũ Huy Trưởng (25 tuổi, trú tại xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), một số người không khỏi giật mình đặt câu hỏi có phải cuộc đời tồn tại cái gọi là “quả báo”. Giết người xe ôm rồi vùi xác gần nhà, hung thủ đương nhiên đã phải nhận án tử nhưng sau đó là bao tai ương gieo rắc xuống gia đình hắn: Bố đột tử, mẹ phát điên, vợ bỏ đi mất tích, các em bỏ học…

Sáu năm sau ngày xảy ra vụ án, từ những lời đồn “hồn ma xe ôm báo oán”, chúng tôi tìm về vùng quê này ghi nhận sự việc và nhận ra không có “hồn ma” nào. Tội ác thì đương nhiên phải trả giá, và phía sau tội ác là những tai ương chực chờ, là những nỗi đau phập phồng chờ bùng nổ. Quy luật cuộc sống là thế, phải ghi nhận và ghi nhớ để những tội ác không còn xuất hiện trong cuộc sống.

Vụ án người xe ôm bỗng dưng mất tích

Một ngày cuối đông năm 2005 trời rét căm căm, anh Lê Xuân Phu (ngụ xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thường ngày vẫn hành nghề lái xe ôm trước cổng trường Đại học Giao thông Vận tải bỗng dưng mất tích sau khi chở chuyến khách cuối cùng trong ngày. Dù những người thân quen của anh đã dò la, điện hỏi hàng chục mối thân quen mà anh vẫn hay qua lại nhưng tung tích thì vẫn bặt vô âm tín.

Bấy giờ, trong cánh cùng hành nghề xe ôm, người em họ nạn nhân giật mình cung cấp một thông tin quý giá về tung tích người anh họ đồng nghiệp. "Hàng ngày chúng tôi vẫn thường đứng đón khách trước cổng trường. Tối về anh em lại cùng thuê nhà trọ gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Chiều ngày 28-12 (trước khi xảy ra vụ mất tích một ngày - PV), có một thanh niên đến thuê anh tôi chở về Hưng Yên với giá 160 ngàn đồng.

Đến đêm anh Phu trở về và bảo: "Nó chỉ đưa anh có 150 ngàn đồng, xin nợ 10 ngàn đồng và đưa một tờ đơn xin việc làm có ảnh làm tin". Tôi nhớ láng máng nó tên là Trưởng hay Trường gì đó, nhìn tấm ảnh thấy khuôn mặt dữ dằn nên tôi nhắc anh Phu: "Trông người này gian lắm, tốt nhất là lần sau nếu hắn có quay lại thuê anh cũng đừng đi nữa".

Đúng như sự lo lắng của người xe ôm này, khoảng 18h chiều 29-12-2005, gã thanh niên hôm trước lại đến tìm anh Phu nhưng bất chấp lời khuyên, người lái xe ôm thật thà vẫn nhận chở. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của người lái xe ôm xấu số này.

Trở lại với câu chuyện anh Phu mất tích, từ khuya đã không thấy anh họ về nên trong đầu người em ở cùng phòng hôm đó cứ thấp thỏm suy nghĩ lo âu, ngờ vực về một kịch bản anh Phu rất có thể đã gặp họa từ chính người khách có khuôn mặt dữ dằn hôm trước. Chính suy nghĩ ngờ vực đó đã thôi thúc anh cùng vài bạn đồng nghiệp khác lặn lội từ mờ sớm tìm về Hưng Yên để dò la tung tích của anh Phu theo địa chỉ mà người em lờ mờ nhớ từ tờ hồ sơ của vị khách mà người anh đã đưa cho xem hôm trước. Suốt một ngày ròng rã kiếm tìm, nhóm xe ôm thất vọng ra về trong khi người mất tích vẫn bặt vô âm tín.

Chiều muộn hôm đó, khi trở về Hà Nội, người em nạn nhân bảo người cháu họ đi mua thức ăn cho bữa tối. Dọc đường ra chợ, run rủi thế nào mà đứa cháu bất ngờ thấy chiếc xe máy Wave Alpha màu xanh mang biển số 33M5 - 0611, đúng là chiếc xe của anh Phu đang bị mất tích đang dựng trước một quán cơm trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Điện thoại báo cho người chú, nhóm xe ôm lao tới lên kế hoạch. Khi hai thanh niên ra khỏi quán, vừa định ngồi lên chiếc xe máy này thì nhóm xe ôm lao đến. Khi hai bên bắt đầu loạn đả, Cảnh sát 113 đã có mặt kịp thời, đưa tất cả những người liên quan về trụ sở công an giải quyết.

Hai đối tượng đi trên chiếc xe máy của người mất tích sau đó đã được làm rõ danh tính là Vũ Huy Trưởng và Vũ Hồng Thanh (đều ngụ xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Người em của người mất tích nghi ngờ chính Trưởng là vị khách đã thuê anh mình chở đi hôm trước. Cộng với linh cảm nghề nghiệp, các điều tra viên đã tập trung đấu tranh với đối tượng Trưởng và hắn đã khai nhận: Chính hắn đã thuê anh Phu chở về Hưng Yên, sau đó “điều” anh vào quãng đường vắng thuộc thôn Phượng Hoàng (xã Hùng Cường, huyện Kim Động).

Đến đoạn đường xóc, anh Phu phải giảm tốc độ thì Trưởng rút con dao giấu sẵn trong người, đâm thẳng vào gáy người xe ôm. Nạn nhân phản xạ khá nhanh, quay lại giằng co với Trưởng nhưng vì đã bị thương, lại mất máu nhiều nên anh chỉ cầm cự được một hồi không lâu rồi loạng choạng ngã. Sau khi cướp mạng của nạn nhân, hắn kéo xác người xe ôm xuống vệ đường, lục túi áo lấy hết tiền, giấy tờ xe, rồi vần xác nạn nhân xuống đầm nước ven đường.

Để che giấu tội ác của mình, hắn lấy xe của nạn nhân phóng một mạch về làng gọi Vũ Hồng Thanh, Vũ Văn Sỹ là hai người bạn cùng xóm rủ cùng đi phi tang xác nạn nhân. Thế nhưng lúc đó Trưởng và Thanh nhất quyết không chịu khai chúng giấu xác nạn nhân ở đâu. Các điều tra viên quyết định lên đường.

Vùi xác trong nhà hoang

Đúng 1h sáng ngày 1-1-2006, chỉ chưa đầy 5 tiếng đồng hồ sau khi hai đối tượng cướp xe ôm bị bắt tại Hà Nội, tại một địa điểm cách đó gần 60km, nghi phạm Vũ Văn Sỹ bị điều về trụ sở Công an huyện Kim Động (Hưng Yên). Đối mặt với các điều tra viên, Sỹ leo lẻo “ngây thơ”: "Sao các chú bắt cháu?". Đội trưởng Đội Điều tra đi thẳng vào vấn đề bằng giọng nóinhẹ nhàng: "Nếu cháu khai ra nơi chôn xác người xe ôm thì tội của cháu sẽ nhẹ bớt nhiều đấy!".

Đội phó Đội điều tra bồi thêm một câu: "Đêm hôm lạnh thế này, các chú vượt cả trăm cây số chẳng lẽ lại đi bắt nhầm? Cháu thành khẩn thì sẽ tự cứu mình đấy. Thằng Trưởng, thằng Thanh đã bị bắt rồi". Sỹ chột dạ: "Cháu chỉ gặp thằng Trưởng và thằng Thanh hôm qua, đi chơi với nhau, sau đó cháu về nhà cháu".

Đến nước này, vị Đội phó buộc phải bấm máy điện thoại di động gọi về công an quận để Sỹ được nói chuyện với bạn. Ngón đòn này khiến Sỹ hoàn toàn sụp đổ. Hắn gục đầu: "Cháu xin đưa các chú đến nơi chôn người đó".

Đúng 1h50' rạng sáng ngày đầu tiên của năm 2006, đêm khuya lạnh ngắt chỉ nghe rõ tiếng rít của lốp xe trên mặt đường, Sỹ dẫn đường đưa lực lượng chức năng đến một ngôi nhà hoang nằm ven quốc lộ 39 thuộc địa bàn xã Việt Hòa (huyện Khoái Châu). Trong nền nhà còn nguyên vết đất mới được cào bới, chỉ qua vài nhát cuốc lực lượng chức năng đã chiếc hòm tôn bị vùi lấp sơ sài, mở nắp ra phát hiện xác người xe ôm xấu số.

Khai thác nhanh, Sỹ khai nhận khoảng 23h ngày 29-12-2005, hắn cùng Thanh đi chơi về đến đầu làng thì gặp Trưởng đi xe máy đến. Thấy Trưởng bảo: "Tao đâm chết người rồi, đi giúp tao chôn cái xác đó", Sỹ nhanh nhảu về nhà lấy cái xẻng, Thanh về nhà lấy một chiếc hòm tôn loại lớn rồi phóng ra hiện trường để đựng xác anh Phu. Trong đêm tối, cả 3 tên khênh chiếc hòm tôn lên xe máy, chở đến ngôi nhà hoang rồi vùi xác nạn nhân xuống nền đất. Phi tang xong, chúng rủ nhau đi nhà nghỉ. Mãi đến sáng sớm 31-12 thì Sỹ về nhà, còn Trưởng và Thanh dùng chính chiếc xe vừa cướp được về Hà Nội tìm mối tiêu thụ thì bị bắt giữ.

“Con dại, cái mang”

Thấm thoát đã sáu năm trôi qua, câu chuyện về tội ác kinh hoàng giết, cướp xe ôm rồi giấu xác của Vũ Huy Trưởng cùng đồng bọn ngày nào một lần nữa lại rộ lên vùng quê khi người ta cho rằng “hồn” người xe ôm quay về báo oán. Bằng chứng là những tai ương đau lòng và nghiệt ngã hơn cả chục lần án tử của Trưởng liên tiếp dội xuống gia đình nhà hắn.

Một người dân trong làng khái quát về tình hình gia đình này: “Từ ngày thằng Trưởng gây tội ác rồi đến khi lãnh án tử thì bố cậu ấy vì quá đau buồn rồi lao lực qua đời; mẹ thì hóa điên điên hóa dại; người vợ thì đâm đơn ly hôn rồi bỏ đi mất tích không ai rõ; các em trong nhà xấu hổ phải bỏ học không dám nhìn mặt ai... Tóm lại, cả nhà tan đàn xẻ nghé cả”.

Buổi chiều muộn, theo như lời chỉ dẫn tường tận của người trong thôn, chúng tôi dừng bước trước ngôi nhà ngói ba gian. Lụ khụ bước ra tiếp khách là cụ bà Nguyễn Thị Ngọc (76 tuổi, bà nội của hung thủ năm xưa). Bà lão than thở: “Cơ ngơi to đẹp đàng hoàng này là của vợ chồng thằng Trưởng thế mà giờ chẳng còn ai, mình tôi lủi thủi như cái bóng ra vào trông nom thôi”.

Sau lời tâm sự chát đắng đó, bà Ngọc kể về nỗi cơ cực mấy năm nay cứ liên hồi giáng xuống làm điêu đứng cả gia đình bà. Mà cũng từ tội ác của thằng cháu đích tôn của bà mà ra. Bà Ngọc vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, cả gia đình đang quây quần trong bữa cơm thì có tin dữ báo về: “Thằng Trưởng bị bắt ở Hà Nội vì tội giết người cướp xe”. Bà lão khi ấy còn mắng ầm lên: “Mẹ cha đứa nào tung tin láo. Cháu tao từ bé hiền lành, được giáo dục tử tế thì làm gì có chuyện nó gây ra tội ác tày trời như thế. Hay là nếu bị bắt thì công an… bắt nhầm thôi”. Đến khi đối mặt với sự thật, bà đau đớn như chết nửa con người.

Trong ký ức của bà lão, Trưởng là đứa cháu thật thà chân chất từ nhỏ, sống ở quê nhà không từng va chạm với ai. Trưởng cũng sớm được gia đình vun vén cho một mối ở quê rồi tạo dựng riêng cho cả một cơ ngơi nhà cửa khang trang. Nhưng từ ngày lên Hà Nội lao động, Trưởng bắt đầu thay tính đổi nết dần, từ chỗ không rượu bia nay hắn thường xuyên đàn đúm, a dua theo lối sống buông thả, bê tha.

Tội ác phải đền tôi, thằng cháu bà đã phạm tội tày đình như thế nên phải nhận án tử là đúng rồi, bà không dám thắc mắc gì. Nhưng bà phàn nàn là sau cái chết của Trưởng, bi kịch lại liên tiếp tìm đến gia đình mình. Người khổ tâm và đau xót nhất không ai chính là con trai bà, bố của hung thủ. Bố Trưởng từng tham gia chiến đấu ở Campuchia, xuất ngũ về tích cực tham gia phong trào quần chúng ở địa phương. Vào thời điểm Trưởng gây án, ông đang là một công an viên mẫu mực được mọi người quý trọng. Nhưng đùng một cái thì con gây ra tội ác tày trời, ông lầm lũi làm đơn xin tự nguyện rời khỏi cương vị vì xấu hổ với anh em, bạn bè đồng nghiệp.

Ông về nhà mở trang trại ở ngoài bờ sông, sống tách biệt với làng xóm. Cũng từ đó, tính tình con trai bà trở nên lầm lì ít nói, suốt ngày chỉ làm quần quật như con thiêu thân, không kể nắng mưa và cũng chẳng mấy khi còn giao du với ai như trước kia. Bà lão nhớ lại: “Tôi đoán nó khổ tâm quá nên muốn mượn lao động để khỏi khi nào ngơi tay lại nghĩ đến con. Làm việc quần quật như vậy, nhưng đêm đến ngày nào nó cũng chong chong không ngủ rồi lại làm bạn với rượu, thuốc lá tới sáng một mình”.

Quả báo?

Những bi kịch cứ cộng vào nhau khiến gia đình tan nát. Đau buồn khi có đứa con mang trọng tội, mẹ của Trưởng là bà Nguyễn Thị Rộng (51 tuổi) đã suy sụp và hóa điên dại. Ngày ngày, mẹ của hung thủ chỉ sống vật vờ như cái bóng. Suốt mấy năm liền bà Rộng ăn ngủ thất thường, cười cười nói nói lảm nhảm rồi lang thang khắp đường làng ngõ xóm.

Lo lắng cho bệnh tình của vợ, bố Trưởng cùng họ hàng thân thích đã vái tứ phương, tìm đến cả những thầy thuốc giỏi nhất, bệnh viện hàng đầu nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Không còn làm chủ được bản thân nên hành động của bà Rộng cũng thất thường, có khi đang đêm hét toáng lên ú ớ rồi vụt chạy ra bãi trong màn đêm hun hút, cả gia đình được phen vất vả đi tìm. Nhiều lần bà Ngọc ra bãi đỡ đần việc đồng áng giúp con, có khi gọi đến cả chục câu không thấy con dâu trả lời, rồi thình lình phát hiện con đang thu lu trong một góc tối của căn nhà như bóng ma khiến bà sợ thót tim.

Rồi lần lượt hai em trai của Trưởng phải nghỉ học giữa chừng. Đắng chát nhất là khi đến tuổi trưởng thành, các em lại không có danh sách được thực hiện nghĩa vụ quân sự để tiếp nối mong muốn của người cha. Đã không ít lần gia đình Trưởng làm đơn cho con tình nguyện xin thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng không thấy phản hồi, đến giờ thì cả hai đều đã quá tuổi thực hiện nghĩa vụ. Nói về chuyện này, bà Ngọc tủi hờn: “Đây có lẽ là nỗi tủi hổ nhất với gia đình tôi. Ai làm người đó chịu sao lại đổ vạ lên những đứa cháu còn lại của tôi". Tủi thân, một người em của Trưởng phải bỏ xứ đi làm ăn xa, còn người em út thì cũng chỉ quanh quẩn với ruộng vườn ở làng.

Nhưng đó vẫn chưa phải là hệ lụy cuối cùng đến với gia đình Trưởng. Gần 3 năm sau ngày Trưởng lãnh án, phải lao tâm khổ tứ quần quật lao động không kể ngày đêm, chứng kiến cảnh người vợ điên dại, từ một người khỏe mạnh bố Trưởng đã dần hao kiệt sức lực và vào một ngày cách đây 3 tháng ông đã qua đời đột ngột chỉ sau hai ngày mắc bệnh.

Vậy là chỉ vì phút chốc bồng bột, gã tử tội Nguyễn Huy Trưởng đã không chỉ tước đi sinh mạng của người xe ôm xấu số Lê Xuân Phu mà còn tước đi những cuộc đời của người thân nạn nhân và của chính những người thân yêu trong gia đình hắn.

Cực nhất đến giờ là bà Ngọc, ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn lủi thủi một thân một mình mang theo bầu tâm sự. Ở tuổi này người ta chỉ mong đợi được con cháu chăm sóc phụng dưỡng, nay gia đình bà lại tan đàn xẻ nghé, chẳng còn nước mắt khi chứng kiến thằng cháu ra pháp trường rồi lại phải khóc con “lá vàng khóc lá xanh”. “28 năm ăn chay theo phật, tụng kinh tích đức cho đời, giờ không ngờ cuối đời tôi lại sống trong cô quạnh. Chỉ vì thằng Trưởng mà bao nhiêu công lao, thành quả gia đình gây dựng bấy lâu tanh tành”, bà lão lặng người trong bóng chiều.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2773
Số người truy cập:
9242456