Bài viết dưới đây là góc nhìn của dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên khoa lịch sử, Đại học sư phạm Hà Nội, tác giả một số cuốn sách viết về giáo dục Nhật. Anh đã có 8 năm học tập và làm việc tại đây và vừa trở về Việt Nam:
Những năm gần đây, nhiều người Việt ở nước ngoài mang tiếng xấu là ứng xử chưa văn minh dù sống lâu tại các nước tiên tiến. Với tư cách là người đã sống khoảng 8 năm ở Nhật, trong đó có nhiều năm làm bán thời gian trong vai trò thông dịch viên cho các nghiệp đoàn, công ty có sử dụng lao động người Việt, cùng luật sư người Nhật hỗ trợ pháp lý cho những người Việt bị tạm giam, tạm giữ ở nước này, tôi xin được thử bàn về nguyên nhân gây tình trạng này:
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: NQV. |
Thứ nhất, phần lớn người Việt ra nước ngoài khi đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông hay đại học. Sau 18-20 năm sống ở một đất nước đang phát triển, những thói quen sinh hoạt, giá trị quan... đã được hình thành khá vững chắc. Những điều đó có thể phù hợp hoặc "không vấn đề gì" khi ở Việt Nam nhưng khi ở nước ngoài thì có thể gây ra những rắc rối hoặc vi phạm pháp luật.
Ví dụ ở Việt Nam, chuyện mang cần ra câu cá ở một con sông hay vùng biển nào đó là bình thường nhưng ở Nhật, muốn làm vậy có khi phải xin phép và nộp phí (dù nhỏ) cho nghiệp đoàn ngư nghiệp địa phương vì họ quản lý, thả cá giống ra tự nhiên. Ngoài ra muốn đánh bắt cá còn phải chọn đúng thời điểm (mùa), đúng phương pháp. Truyền thông Nhật từng đưa tin cảnh sát ở Tokyo đã bắt giữ hai người Việt vì đánh bắt cá trên sông bằng lưới có kích cỡ không phù hợp.
Một ví dụ nữa là người Việt có thói quen mở đài, loa to, hát karaoke vang đến tận nhà hàng xóm hoặc khu phố. Ở Việt Nam có thể có người khó chịu nhưng về cơ bản người ta thông cảm và chấp nhận nhưng ở Nhật như thế là đủ để cảnh sát tới làm việc nhắc nhở, ghi biên bản, thậm chí xử phạt.
Thứ hai, người Việt khi ra nước ngoài hay có xu hướng sống co cụm với nhau tạo ra một cộng đồng giống như một ngôi làng nhỏ. Khi xa quê hương, sự thiếu thốn tình cảm đã làm cho sự đồng cảm giữa những con người chung nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa trở nên rất mạnh mẽ. Chính vì vậy người Việt dễ làm quen, kết thân và có xu hướng sống gần nhau để giao lưu, san sẻ.
Họ có thể thuê cùng một khu nhà, sống trong cùng một khu phố hoặc ở trọ trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp. Họ tạo ra một cộng đồng người Việt gắn kết với nhau thường xuyên, ở nhiều phương diện. Ưu điểm của lối sống này là mọi người có thể giao lưu, thắt chặt tình cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên hê lụy của nó cũng rất nhiều. Từ quan tâm tới "soi mói đời tư", "nói xấu sau lưng"... chỉ cách nhau gang tấc. Kết quả là khi sống quần tụ bên nhau, người Việt ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, thâm nhập sâu vào đời sống của người dân bản xứ. Những người không biết tiếng bản xứ vẫn có thể sống ổn vì có sự giúp đỡ của những người có năng lực giao tiếp với người dân ở đây.
Những cộng đồng kiểu này cũng tạo ra môi trường cho những thói quen sinh hoạt, tư duy tiêu cực, không phù hợp tiếp tục bám rễ, phát triển. Có nhiều khi, chuyện xả rác bừa bãi, làm ồn khi nhậu nhẹt, hát karaoke ầm ĩ, hay tệ hơn là đi bắt chim thú hoang về thịt ăn, trốn vé tàu...cũng nảy sinh trong những lần tụ tập hay xuất phát từ môi trường "làng xã" như thế.
Thứ ba, nhiều người Việt không có sự chuẩn bị tốt khi ra sống ở nước ngoài và khả năng thích nghi kém.
Ông Phạm Duy Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Cuba Mỹ Latinh của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, từng sống 14 năm ở nước ngoài, cũng băn khoăn vì sao nhiều người Việt sống ở các nước tiên tiến nhưng vẫn ứng xử thiếu văn minh. "Nguyên nhân có lẽ một phần từ yếu tố lịch sử, bị áp bức hàng nghìn năm khiến chúng ta luôn cảm thấy ấm ức, đè nén, từ đó nảy sinh ý thức phản kháng để tồn tại. Muốn thay đổi cần phải dựa trên cơ sở phát triển kinh tế, nâng cao hiểu biết, văn hóa".
Năng lực ngoại ngữ yếu là một trở ngại. Không rõ ở các cộng đồng khác thế nào nhưng riêng ở Nhật thì tôi thấy tỉ lệ người Việt có thể giao tiếp được bằng tiếng bản địa với người Nhật chỉ chiếm phần vô cùng nhỏ bé. Nhiều du học sinh sang học bằng tiếng Anh và vì thế họ chỉ có thể nói chuyện được với giáo sư hướng dẫn và một vài người làm việc ở bộ phận giao lưu quốc tế.
Trong một lần đi làm thông dịch viên hỗ trợ cho luật sư, tôi vô cùng choáng váng khi biết một thanh niên Việt sang Nhật hơn 3 năm vẫn không nói được một câu gì tiếng Nhật ngoài "cảm ơn", "xin lỗi", "xin chào" và hoàn toàn không ăn được đồ Nhật. Anh ta phải nhập viện vì không ăn được cơm trong trại tạm giam với lý do "đồ ăn ngọt". Luật pháp không cho phép anh ta có thực đơn riêng, sau cùng cảnh sát có hỏi tôi để tư vấn. Do không thể cung cấp nước mắm cho anh, cảnh sát đổi nước tương Nhật bằng muối và anh đã ăn trở lại.
Lao động người Việt sang Nhật cũng không được học tiếng Nhật chu đáo nên hầu như không nghe và nói được. Ba hay 6 tháng học tiếng Nhật ở Việt Nam không có ý nghĩa gì nhiều cho đời sống sản xuất tại nhà máy. Không nói không viết, không đọc được tiếng Nhật khiến cho người Việt gặp phải vô vàn khó khăn trong đời sống tinh thần và không hiểu được văn hóa bản xứ. Sau một thời gian ở đó, người ta dễ có sự nhầm lẫn rằng tất cả những gì mình nhìn thấy là bản chất của sự vật. Sự không hiểu biết sẽ dẫn đến hành xử sai hoặc không phù hợp.
Cuối cùng, tất cả các nguyên nhân trên tương tác, hòa trộn lẫn nhau tạo ra kết cục người Việt vi phạm pháp luật nước sở tại ở nhiều mức độ khác nhau. Ở Nhật, theo trải nghiệm và quan sát của tôi thì các vụ phạm pháp như trộm cắp, bỏ trốn (thực tập sinh kỹ năng), cư trú bất hợp pháp... chiếm tỉ lệ cao nhất. Tình trạng ấy làm cho nhiều người khác, cho dù không làm gì sai, cũng phải gánh chịu thái độ phân biệt đối xử của người bản xứ. Đó là một bất lợi rất lớn ngăn cản người Việt phát huy khả năng trong hội nhập cùng cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Quốc Vương