Nếu mì Quảng, tré, mực rim, chả bò... được biết đến như những đặc sản của miền Trung, thì Larue từ lâu cũng được coi là dòng bia đặc trưng của mảnh đất này. Trong chuyến tham quan nhà máy Heineken Việt Nam tại Quảng Nam gần đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, bia Larue đang là một trong những thương hiệu phổ biến tại miền Trung. Khách từ các nơi đến Quảng Nam thường nhất định phải thử vị bia Larue đậm đà.
"Larue đã có mặt tại đây hơn 100 năm, là một trong những vị bia sinh ra để dành cho người miền Trung với chất lượng quốc tế, đồng nhất không thay đổi suốt hơn một thế kỷ có mặt tại đây... Tôi tin chắc rằng bia Larue với hương vị đậm đà sẽ luôn là vị bia yêu thích hàng đầu, gắn bó với người miền Trung, người Quảng Nam như bao lâu nay", ông Lê Trí Thanh cho biết.
Từ lâu, bia Larue đã được người dân miền Trung đón nhận như một phần không thể thiếu trong đời sống. "Người dân ở đây uống bia Larue như một thói quen khó đổi. Đám tiệc, lễ tết, sinh nhật hay những bữa ăn thân mật cùng gia đình... họ đều gọi bia Larue", ông Minh Thanh, chủ một đại lý bia Larue tại Hòa Vang (Đà Nẵng) chia sẻ. Theo ông, sở dĩ người dân địa phương thích bia Larue vì "hương vị bia đậm đà với hậu vị sảng khoái mang tới cảm giác hào sảng như tính cách người miền Trung vậy".
Với anh Quang Vũ, một người dân tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), thì bia Larue đã trở thành một thức uống "lúc nào cũng có sẵn trong nhà". "Tôi uống bia Larue được mười mấy năm rồi nên thành thói quen, không đổi bia khác được. Vị bia đậm và sảng khoái, rất hợp khẩu vị", anh Vũ cho biết.
Bia Larue được sinh ra bởi chuyên gia nấu bia người Pháp Victor Larue. Ông đã tạo ra dòng bia có độ cồn 4,2%, màu vàng sậm bắt mắt cùng với hương vị đặc trưng của bia Pháp truyền thống này từ đầu thế kỷ 20.
Trải qua hành trình 100 năm, hiện nay, bia Larue là một trong những nhãn hiệu chính của Công ty TNHH Heineken Việt Nam. Để sản xuất Larue, Heineken Việt Nam đã đầu tư thiết bị máy móc nhập khẩu từ châu Âu, cũng như quy trình sản xuất hiện đại theo chuẩn mực sản xuất của Tập đoàn Heineken tại Amsterdam (Hà Lan) với một hệ thống các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... nhưng vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng và chất lượng đã ghi dấu ấn theo thời gian của Larue.
Đại diện Heineken Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ châu Âu, trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt mang đến cho Larue hương vị thơm đậm đặc trưng, với chất lượng đồng nhất. Nhà máy bia Heineken tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam có quy mô dự án là 220 triệu lít/năm và công suất hiện tại là 110 triệu lít/năm luôn có một đội ngũ kỹ sư, nhân viên được huấn luyện chuyên nghiệp, kiến thức chuyên sâu và giàu kinh nghiệm để giám sát khâu kiểm tra nguyên liệu. "Nhờ chất lượng nguyên liệu đầu vào đảm bảo tuyệt đối nên khâu sản xuất và phân phối đầu ra đều được đồng bộ nhịp nhàng và đảm bảo chất lượng hảo hạng và đồng nhất của từng sản phẩm", đại diện nhà máy cho biết.
Ngoài dòng bia Larue vàng vốn đã thân thuộc với người dân miền Trung, Bia Larue còn sở hữu dòng Larue Special. Tháng 9 vừa qua, Larue tiếp tục trình làng Larue Smooth, một dòng bia mới được phát triển dựa trên sự thấu hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng miền Trung. Với nồng độ cồn 4,5%, Larue Smooth giúp vị bia quen thuộc của Larue thêm phần êm mượt, dễ uống.
Song song với duy trì hoạt động sản xuất, lưu giữ bí quyết trăm năm, thương hiệu bia Larue nói riêng và công ty Heineken Việt Nam nói chung đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Trong 3 năm trở lại đây, thương hiệu đóng góp trung bình từ 57% - 66% tổng thu ngân sách nhà nước của khối FDI tại địa phương. Năm 2021, hãng đóng góp gần 756 tỷ đồng và tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm cho người lao động địa phương. Trong Covid-19, thương hiệu ủng hộ tỉnh 1,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị xây năm trạm nước sạch trị giá hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ cho các khu vực vùng sâu, vùng xa và nhiều chuyến tặng quà cho các địa phương của tỉnh...
Hoàng Anh