Lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là bao nhiêu?

 Luật sư tư vấn

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo nhu cầu, trình độ, năng lực, người lao động có thể ứng tuyển vào cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp.

Cử nhân mới ra trường được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước vào các vị trí tuyển dụng là cán bộ, công chức thì mức lương sẽ được xếp theo bảng 2 (áp dụng cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước). Nếu được tuyển vào các vị trí tuyển dụng là cán bộ, viên chức, mức lương sẽ được xếp theo bảng 3 (áp dụng cho cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước).

Hai bảng này được ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 (đã được sửa đổi, bổ sung). Theo các bảng này thì cử nhân mới ra trường được xếp loại công chức, viên chức loại A1, có hệ số là 2,34.

Căn cứ Điều 3 Nghị định số 38/2019 quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

Như vậy, nếu bạn được tuyển dụng vào làm công chức hoặc viên chức thì mức lương sẽ là: 1.490.000 đồng x 2,34 = 3.486.600 đồng/tháng.

Trường hợp bạn làm việc cho doanh nghiệp, mức lương có thể được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận nhưng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan. Cụ thể, Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Về mức lương tối thiểu vùng, Điều 3 Nghị định 90/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định:

1. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng, Điều 5 Nghị định này quy định:

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội


Giày Đại Phát solution
Số người online:
49087
Số người truy cập:
8568352