Luật ngầm ở bến xe Lam Hồng

Hành khách ngay từ lúc mới bước vào Bến xe Lam Hồng (Bình Dương) đã phải chịu sự bủa vây của đám “đầu gấu”. 5h sáng 4/7, một hành khách đi Vinh có mặt ở bến Lam Hồng. Ngay lập tức, gần 20 “cò” xe nhảy tới bu xung quanh. Người giật lấy hành lý, kẻ níu tay khách lôi đi. Phải gọi đúng tên nhà xe Q., giả vờ nhận là người nhà của nhà xe, những tay “cò” này mới chịu thả ra.

Tuy nhiên, nhiều khách sau đó đã không may mắn với “cò”. Chỉ sau năm phút, hai khách đi Đô Lương (Nghệ An) đã bị đám “đầu gấu” làm bảo vệ bến, quất cho một gậy cao su. Lý do là dám đỗ xe máy ngay trước cổng bến và không cho đám “cò” cầm hành lý đưa lên xe. Trực tiếp hành hung khách là Thắng “Thế” và mấy tay bảo vệ. Thắng “Thế” gần hai tháng trước đã nửa đêm dựng đầu nhiều nhà xe hỏi tội bằng tay chân vì sao không ghé quán “cơm tù” Khánh Hòa II ở Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận).

Bến xe khách Lam Hồng ở Bình Dương. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Gần 20 nhà xe xuất bến trong ngày 4/7 phải thúc thủ phía trong bến, không dám ra ngoài mời khách. Đám “cò” này mỗi khi bu khách giật hành lý đều được sự hỗ trợ đắc lực của bảo vệ bến xe. “Cò” bao vây khách vòng trong thì bảo vệ đứng vòng ngoài không cho khách thoát. Khách nào phản ứng, đậu xe máy sai chỗ, ngay lập tức bị bảo vệ cầm ba trắc đến dọa nạt, phải ngoan ngoãn lên xe theo sự “giới thiệu” của “cò”.

Những bảo vệ của bến thực chất là đám “đầu gấu” đàn em của Nguyễn Thanh Hải (còn gọi là Hải “Bến”), nguyên giám đốc bến xe. Thay mặt Hải “Bến” cai quản đám “đầu gấu” này là Mười Thu. Còn Thắng “Thế”, một đàn em khác của Hải “Bến”, được làm đội trưởng đội bảo vệ.

Bảo vệ bến đã dung túng cho hàng loạt vụ chèn ép, trấn lột hành khách. Các nhà xe cho biết bọn trấn lột thường lởn vởn phía dưới, vờ đỡ giúp hành lý, sau đó xách chạy luôn trước sự làm ngơ của bảo vệ. Mới đây nhất, vào cuối tháng 5, một khách nữ vừa xuống bến trên chuyến xe từ Quế Phong (Nghệ An) đã bị trấn lột cả xe máy. Khi xe vừa đỡ xuống đã có kẻ lao đến giật chìa khóa, rồ máy chạy thẳng mà không gặp sự truy cản nào.

Trước sự lộng hành của đám trấn lột, nhà xe chỉ còn cách nhắc nhở khách trước khi vào bến mà không dám bênh vực. Bản thân họ cũng bị bóc lột kiệt cùng.

Hơn 6h sáng, khi đa số hành khách đã yên vị trên xe theo sự phân chia của đám “cò” thì Thắng “Thế” cùng nhóm bảo vệ đàn em cũng lui dần vào phía trong cổng và bắt đầu xét xe. Nhóm xét xe thường gồm Chiến và Thắng (em ruột Hải “Bến”). Xe vừa ra đến cổng, một trong hai tay này ngang nhiên nhảy lên xe và đếm số đầu khách.



Thắng “Thế”, đội trưởng bảo vệ, kẻ cầm đầu vụ ép nhà xe ăn “cơm tù”. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Theo phản ánh của nhà xe, cứ mỗi khách là chủ xe phải nạp 15.000 đồng vào ngày thường và 30.000 đồng vào ngày cao điểm. Số tiền này được ghi vào một cuốn sổ ngay phòng vé (thực chất là phòng điều hành vì bến xe  không bán vé), nhưng không có bất kỳ biên lai nào khi thu tiền.

Ngay sau đó, đám “cò” xe lại tiếp tục nhảy lên bu lấy chủ xe. Với mỗi hành khách, nhà xe lại phải “cúng” cho chúng 20.000 đồng. Vậy là xe chưa lăn bánh ra xa lộ, nhà xe đã phải cống nạp ít nhất 35.000 đồng một khách cho đám côn đồ. Dù vậy, nhưng không nhà xe nào dám trái ý, vì nếu không chuyến sau chúng sẽ không dắt khách lên xe.

Hai món tiền này chỉ là một phần trong các khoản cống nạp. Các nhà xe cho biết, mỗi chuyến còn phải nộp cho chủ bến 350.000 đồng tiền bến bãi và các khoản phí không tên khác. Và để được xuất bến đúng giờ hoặc xếp chạy trước, các chủ xe còn phải cống nạp một khoản tiền “lốt” là 25 triệu đồng một năm.

Bút tích của Hải “Bến” ghi lại tiền “lốt” xe, chỉ với 18 đầu xe tiền thu đã là 214 triệu đồng. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Các xe chạy “lốt” sau là từ 15 triệu đến 20 triệu đồng. Khoản phí này sẽ giúp nhà xe giành được đặc ân của ban quản lý bến có thể xuất phát bất kỳ lúc nào mà không cần nhật trình quy ước. Tuy nhiên, “hợp đồng” này chỉ có giá trị trong ngày bình thường. Vào ngày cao điểm, các nhà xe đều phải ngoan ngoãn xếp hàng lại từ đầu để chủ bến bán “lốt” theo ngày với giá 2-3 triệu đồng mỗi chuyến.

Dù đây là khoản cống nạp “cắt cổ” nhất, nhưng do số lượng có hạn nên tất cả nhà xe đều phải lạy lục để được đóng. Vì nếu chậm chân là coi như đói vì bị các xe đi trước hớt khách. Nhiều nhà xe không đóng được tiền “lốt” theo năm đã phải cắn răng bỏ 500.000 đồng để mua “lốt” theo từng chuyến.

Với hàng loạt phí cống nạp này, mỗi chuyến xuất bến nhà xe phải đóng cho những kẻ lộng hành ở bến Lam Hồng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Với hơn 60 đầu xe chạy tuyến Nghệ An tại đây, số tiền cống nạp của nhà xe mỗi tháng gần 400 triệu đồng. Tất cả đều nằm ngoài sổ sách, không có phiếu thu, không đóng thuế và chảy vào túi những kẻ cầm đầu đám “đầu gấu” và chủ Bến xe Lam Hồng.

Chiều 8/7, ông Võ Khắc Hòa - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo theo dõi động tĩnh ở quán cơm Khánh Hòa, họ cũng có bản cam kết (không chửi khách, không đánh khách, không dọa dẫm khách, bán đúng giá)”. Công an huyện Lệ Thủy cũng triển khai lực lượng kiểm tra quán cơm Khánh Hòa và các quán cơm khác.

(Theo Pháp luật TP HCM)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
41794
Số người truy cập:
8559956