Luật Biểu tình trở thành tâm điểm “nóng”

 Chiều 21-5, thảo luận về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XIII, năm 2014 và năm 2015, nhiều đại biểu đề nghị “khẩn trương xây dựng, ban hành Luật Biểu tình” để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời để quản lý, ngăn chặn những hành vi quá khích, bạo động.

Đảm bảo ôn hòa, đúng luật

ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn ĐBQH TP.HCM - Ủy viên Ủy ban Tư pháp QH) đề xuất: “Để người dân có cơ sở biểu tình ôn hòa và đúng luật, tránh những hành vi phá hoại, gây rối trật tự trị an, cần xây dựng Luật Biểu tình đưa vào ngay chương trình kỳ họp thứ 8 sắp tới (tháng 10-2014)”.

“Nhất trí. Chúng ta đã thấy, trước tình hình TQ xâm lấn vùng biển VN thì số đông người dân có nhu cầu biểu tình bày tỏ lòng yêu nước. Thế nhưng do chưa có khung pháp lý điều chỉnh nên chính quyền nhiều địa phương còn lúng túng. Đã có hành vi lợi dụng biểu tình gây ra bạo động, vụ xảy ra ở Bình Dương và Hà Tĩnh là điển hình cho thấy sự cần thiết phải có Luật Biểu tình. Cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) để QH góp ý và thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015)” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) tán thành.



Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Lê Hiền Vân phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN

Trước những ý kiến e ngại Luật Biểu tình sẽ dễ bị lợi dụng để gây rối trật tự, ĐB Nghĩa phản biện: “Đó là quan điểm sai. Chưa có Luật Biểu tình thì thực tế vừa rồi vẫn xảy ra biểu tình và chính quyền nhiều nơi rất lúng túng xử lý, có luật rồi thì dễ quản lý hơn. Ở một số nước do nguyên nhân chính trị, đa đảng, biểu tình cũng là phương tiện để các đảng phái đấu tranh với nhau. Còn ở nước ta nếu biểu tình có mục tiêu chính đáng thì trước đây vẫn được công nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có sắc lệnh quy định biểu tình phải khai trình trước 24 giờ với UBND sở tại. Nay chúng ta có thể tiếp thu điều ấy để xây dựng Luật Biểu tình và quy định rõ những nguyên tắc cơ bản loại trừ những hành vi gây rối trật tự, làm ảnh hưởng an ninh quốc gia. Ngoài yêu cầu không được cản trở giao thông, luật này cần quy định cụ thể việc đăng ký khẩu hiệu, mục đích, nơi biểu tình, phạm vi, thành phần, thời gian biểu tình, người chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức biểu tình… Cơ quan chức năng căn cứ vào đó xem xét, phê duyệt cho phép tổ chức biểu tình hợp pháp, kiểm soát được những tình huống ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích xã hội”.

Trước khối lượng luật, pháp lệnh cần xây dựng quá lớn, ĐB Nghĩa cũng đề nghị chung tay gánh vác: “Đối với Luật Biểu tình thì Bộ Công an có thể chủ công xây dựng nhưng có thể huy động xã hội cùng góp sức. Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN có thể đứng ra đảm trách”.

Có luật sẽ hạn chế mặt sai trái

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Trần Văn Hằng cũng cho rằng: “Cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Biểu tình phù hợp với Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền công dân!”.

ĐB Ngô Văn Minh (Thường trực Ủy ban Pháp Luật của QH) cho biết sau khi xảy ra một số vụ việc gây rối đập phá nhà máy hết sức đáng tiếc, ông đã trao đổi với một số cán bộ công an thì hầu hết đều nói rằng: “Có Luật Biểu tình sẽ tốt hơn nhiều”. “Nếu có Luật Biểu tình quy định chi tiết thì rất dễ áp dụng biện pháp chế tài. Chứ như hiện nay thì xử lý rất khó. Ở nước ngoài, nếu biểu tình trái phép hoặc biểu tình có nhiều sai phạm thì người đứng ra xin phép sẽ bị xử lý ngay. Thủ tướng Chính phủ cũng từng có đề nghị nên lần này cần sớm xây dựng và ban hành Luật Biểu tình” - ông Minh đề nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng QH phải cân nhắc để thúc đẩy ban hành Luật Biểu tình để đáp ứng mong mỏi của người dân.

Theo PLO.vn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12641
Số người truy cập:
9281041