Luật biển sẽ được thông qua vào tháng 6

 Sáng 27/3, Thường vụ Quốc hội họp bàn về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13 (dự kiến khai mạc ngày 21/5 và bế mạc 22/6).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, trong 24 ngày làm việc liên tục, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách đầu năm 2012, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết kiến nghị của cử tri...

Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét, thông qua 13 dự luật, trong đó có Luật phòng, chống rửa tiền, Luật giáo dục đại học, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật lao động sửa đổi và Luật biển Việt Nam..., và cho ý kiến 7 dự án như Luật dự trữ quốc gia, Luật xuất bản, Luật luật sư, Luật điện lực...

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày chương trình dự kiến.

Theo dự kiến chương trình, ngày 31/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo của Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật biển Việt Nam, sau đó các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường. Một ngày trước phiên bế mạc, hôm 21/6, dự thảo Luật biển Việt Nam sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua cùng với 4 dự luật khác.

Tại kỳ họp này, ngoài việc truyền hình, phát thanh trực tiếp 2,5 ngày chất vấn (18-20/6) và phiên khai mạc, bế mạc, Quốc hội dự kiến còn phát trực tiếp các buổi thảo luận về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đầu năm 2012.

Dự luật biển Việt Nam được đưa vào chương trình chính thức của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 (2007-2011), tuy nhiên đã nhiều lần bị rút khỏi chương trình nghị sự. Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông, nhiều học giả cho rằng cần nhanh chóng ban hành Luật biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải.

Đồng tình với việc tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội tới người dân, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên tường thuật trực tiếp thêm buổi thảo luận dự án Luật giáo dục đại học, Luật lao động và Luật xử lý vi phạm hành chính.

"Không có gì là không truyền hình được cho dân nghe, trừ những bí mật về an ninh quốc phòng. Nên truyền hình trực tiếp phần đọc tờ trình của Thủ tướng về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho hay, nhân dân rất quan tâm đến việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thu phí để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Do hiện có nhiều ý kiến trái chiều nên Quốc hội cần quan tâm đến vấn đề này.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, thu phí giao thông đang là vấn đề nóng bỏng, có nhiều ý kiến trái chiều. Hay như sự cố ở dự án thủy điện Sông Tranh 2, chất lượng đường cao tốc, phá rừng đầu nguồn... cũng cần đưa ra Quốc hội xem xét.

"Cần đánh giá tình hình đất nước thời gian qua. Phải nhìn nhận trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của Quốc hội và nếu sai lầm thì phải sửa. Kỳ họp của Quốc hội phải nắm bắt những vấn đề đại sự của quốc gia, gắn bó với các vấn đề nóng bỏng", ông Phước chia sẻ thêm.

Văn phòng Quốc hội cho hay, đến thời điểm khai mạc kỳ họp thứ ba, toàn bộ đại biểu Quốc hội sẽ được trang bị máy tính xách tay. Các tài liệu kỳ họp sẽ được gửi tới hộp thư điện tử của đại biểu (trừ tài liệu mật), còn tài liệu là văn bản giấy chỉ gửi cho đại biểu có nhu cầu đăng ký.

Đánh giá đây là bước tiến nhưng Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, hiện vẫn chưa có khảo sát để đánh giá, trong số 500 đại biểu, ai chưa sử dụng máy tính lần nào. Bởi, đại biểu vùng sâu vùng sử dụng máy chưa thành thạo. Còn lãnh đạo cấp cao cũng sử dụng máy tính không quen. Do vậy, nếu gửi tài liệu qua mail, nhiều đại biểu ngại sử dụng sẽ dẫn đến chất lượng các cuộc họp giảm.

Tiến Dũng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24961
Số người truy cập:
9253276