Sáng 10/10, nhiều người dân chạy xe trên đường ĐH 72, đến cầu Tầm Linh ở xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà) phải quay xe khi thấy nước lũ đỏ ngầu tràn qua cầu. Mưa với lượng nước trên 100 mm làm ngập gần một mét ở cầu Sơn Giang - Sơn Linh. Tại đây đang thực hiện dự án làm cầu mới với tổng đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, hàng chục ống bêtông nằm ngổn ngang giữa dòng nước lũ.
Còn ở huyện Trà Bồng, cầu tràn qua sông Giang, nối xã Trà Tân và Trà Bùi, nước đã qua tràn. Ở thị trấn Trà Xuân, suối Nang chảy qua trung tâm thị trấn nước chảy cuồn cuộn, hai bên bờ suối có bờ kè nhưng vẫn người dân lo lắng. Lãnh đạo huyện Trà Bồng yêu cầu người dân tuyệt đối không ra suối đánh cá, vớt củi khi lũ dâng cao, chảy xiết...
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hai huyện trên yêu cầu các xã kiểm tra khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng thấp để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Bộ, gió mùa Đông Bắc kết hợp không khí lạnh nên miền Trung 24 giờ qua mưa to. Lượng mưa từ Quảng Bình đến Quảng Nam 40-200 mm. Riêng Quảng Ngãi lượng mưa 15-50 mm, Lý Sơn 114,4 mm... Dự báo, mưa từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đến hết ngày 11/10. Nước trên các sông trong khu vực tiếp tục lên, khả năng lũ.
Từ đêm qua đến sáng nay, nhiều khu vực ở tỉnh Bình Thuận mưa lớn (100-170 mm), cùng với lũ làm một số vùng ngập nặng, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Đường Trần Phú nơi có trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Hàm Thuận Nam ngập nặng gần nửa mét. Hàng trăm học sinh ở thị trấn Thuận Nam không thể đến trường bởi trên đường nước lũ chảy xiết.
Tại xã Tân Lập, cách đó 5 km nước lũ từ hệ thống sông suối và hồ thủy lợi đổ về không kịp thoát, gây ngập hơn 50 căn nhà. Hơn 100 ha thanh long đang chong điện bị chìm trong biển nước. Trong đó, phần lớn diện tích này nông dân vừa bón phân và phủ rơm vào gốc cho lứa chạy điện. Nhiều ao cá mới thả giống của người dân bị nước lũ tràn qua, cuốn sạch.
Phạm Linh - Việt Quốc