Loạt dự án trọng điểm ở TP HCM tái khởi động

 Đầu tháng 9, dãy nhà bên đường Lê Văn Lương ở hai bờ sông Phước Kiểng, huyện Nhà Bè được phá dỡ để giao toàn bộ mặt bằng cho dự án cầu Long Kiểng mới (huyện Nhà Bè) sau nhiều năm đứng im. Trên công trường, nhà thầu đang huy động vật tư, công nhân, máy móc thi công các hạng mục như mố, trụ cầu... Chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành công trình vào cuối năm sau.

Dự án cầu Long Kiểng được duyệt cách đây 21 năm, bắt đầu khởi công vào tháng 8/2018, kinh phí 557 tỷ đồng (hiện tăng lên 589 tỷ đồng). Năm 2020 - thời điểm công trình dự kiến hoàn thành nhưng mới thi công xong 7 trụ cầu rồi phải dừng bởi không có mặt bằng.

Các trụ cầu Long Kiểng mới nằm trơ trọi bên cầu sắt cũ, tháng 6/2022. Ảnh: Gia Minh

Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết dự án ảnh hưởng 128 hộ dân, trong đó 25 hộ đã được bồi thường từ giai đoạn trước. Hơn 100 trường hợp còn lại bị vướng mặt bằng nhiều năm do không có quỹ nền tái định cư. Hai năm qua, ngoài giải quyết thủ tục thu hồi đất, địa phương hướng dẫn và kết nối người dân mua nền của doanh nghiệp theo chủ trương từ thành phố.

"Việc này chưa có tiền lệ, nhưng để dự án sớm triển khai trở lại, huyện liên tục làm việc, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vận động từng hộ dân để đồng thuận giao mặt bằng", ông Nguyễn nói.

Tại TP Thủ Đức, dự án cầu Nam Lý tổng mức đầu tư gần 920 tỷ đồng được lên kế hoạch hoàn tất giải phóng mặt bằng cuối năm nay. Công trình nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, khởi công năm 2016 với chiều dài 650 m, trong đó phần cầu dài 450 m, rộng 20 m; còn lại đường dẫn rộng 30-37 m. Do vướng mặt bằng 54 hộ dân, tổ chức nên từ tháng 4/2019, công trình phải dừng khi đạt 39% khối lượng.

Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết trong tháng 10, địa phương sẽ hoàn chỉnh chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ. Việc chi trả đền bù sẽ thực hiện trong hai tháng cuối năm để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Khi đó, quá trình thi công sẽ hoàn thành sau 12 tháng, giúp xoá "nút thắt cổ chai" trên tuyến đường.

Công tác giải phóng mặt bằng hiện được xem là điểm mấu chốt quyết định tiến độ của hầu hết dự án tại TP HCM. Song, phần lớn các công trình gặp vướng mắc trong phần việc này. Giai đoạn 2016-2020, trong 115 dự án được TP HCM quyết định đầu tư có 67 công trình không đạt kế hoạch do vướng mặt bằng.

Công trình cầu Tăng Long, TP Thủ Đức hồi tháng 5/2022 sau ba năm đình trệ. Ảnh: Gia Minh

TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng giá đất nhà nước thấp hơn giá thị trường nên đa phần người dân không đồng thuận khi đền bù, trì hoãn giao mặt bằng, thậm chí dẫn đến các vụ kiện cáo. Đây là nguyên nhân chính khiến công tác đền bù giải toả bị chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ dự án. Do vậy trong công tác bồi thường cần tiếp cận gần hơn thực tế.

Chuyên gia cũng đề xuất để tránh tình trạng công trình đang triển khai phải dừng do vướng mặt bằng, các dự án mới nên có "đất sạch" rồi mới khởi công. Quá trình giải phóng mặt bằng, thành phố cần có các biện pháp mạnh hơn, bởi hiện nhiều dự án chỉ còn vài trường hợp di dời khiến cả công trình bị ảnh hưởng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết ngoài các cuộc họp định kỳ trong lĩnh vực đô thị, hiện thành phố lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc mặt bằng. Tổ này đứng đầu là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hàng tuần làm việc với chủ đầu tư để kịp giải quyết các kiến nghị. Ở các quận huyện, ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được thành lập để bám sát, tháo gỡ các khó khăn.

"Đặc biệt, việc rút ngắn các thủ tục và chính sách bồi thường đang được tiếp cận gần hơn với giá thị trường cũng là yếu tố quan trọng giúp phần việc này nhanh hơn trước, người dân dễ chấp nhận việc di dời", ông Phúc nói, cho biết theo cách làm này, quý 4 năm nay và đầu năm sau sẽ thêm khoảng 10 công trình quan trọng được thi công trở lại khi công tác giải toả tập trung rất cao, có thời hạn cam kết.

Công trường dự án đường Lương Định Của ngưng trệ, cỏ mọc um tùm hồi tháng 4/2022. Ảnh: Gia Minh

Trong số công trình sớm khởi động trở lại, đáng chú ý là loạt dự án ở TP Thủ Đức như cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (tổng mức đầu tư mới 688 tỷ đồng), mở rộng đường Lương Định Của (826 tỷ đồng), cầu Ông Nhiêu (425 tỷ đồng); nâng cấp đường Tên Lửa (400 tỷ đồng), Tân Kỳ - Tân Quý (237 tỷ đồng) đều ở Bình Tân; cầu Vàm Sát 2 (343 tỷ đồng) ở Cần Giờ...

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, trong kiến nghị Luật Đất đai sắp tới, thành phố lưu ý chính sách bồi thường sẽ sát với thị trường, không lệ thuộc khung giá đất mà có bảng giá do chính quyền địa phương ban hành. Bảng giá này sẽ theo đặc điểm dân cư, đô thị, vị trí dự án. "Giá đất sát thị trường có thể chi phí làm công trình tăng lên, nhưng tạo sự cân bằng về giá cả, giúp người dân đồng thuận", ông Hoan nói.

Gia Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4084
Số người truy cập:
8980524