Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã học toán, lý, hóa bằng tiếng Anh nhiều năm qua. Tuy nhiên, trường vừa giảm phân nửa thời lượng các tiết dạy bằng tiếng Anh - Ảnh: Như Hùng |
>> Trường chuyên sẽ dạy toán, lý... bằng tiếng Anh
>> Dạy một số môn bằng tiếng Anh: Nhiều trường nói khó khả thi
TS Nguyễn Bác Dụng
(hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM):
Rào cản lớn nhất là giáo viên
Cách đây khoảng 10 năm, nhà trường đã tổ chức những lớp học ngoại ngữ dành cho giáo viên ở ngay trong trường để tiện cho các thầy cô học tập. Đó là chưa kể một số giáo viên đã đi học ở nước ngoài về.
Mặc dù vậy, ngay trong năm học sau, tôi nghĩ Trường Trần Đại Nghĩa chỉ có thể thực hiện dạy môn toán, tin học ở một số lớp chuyên chứ chưa thể dạy đại trà. Bởi không phải giáo viên nào cũng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Họ cần được đào tạo lại một cách bài bản. Mà với điều kiện làm việc căng thẳng như hiện nay, nếu cử giáo viên đi học phải là học tập trung chứ không thể để các thầy cô vừa làm vừa học - rất khó đạt hiệu quả cao.
Trao đổi về phương pháp dạy bằng tiếng Anh Ngày 15-12, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội thảo trao đổi về phương pháp dạy toán bằng tiếng Anh. Giáo viên của 42 trường THPT, trong đó có các trường THPT chuyên của Hà Nội, tham dự. Tại đây, các chuyên gia người Úc đã trình bày phương pháp dạy toán bằng tiếng Anh, cách thức để truyền đạt đến học sinh một cách hiệu quả nhất. Các giáo viên, học sinh tham dự được trao đổi, chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia. VĨNH HÀ |
Việc này sẽ rất khó khăn nhưng nếu Bộ GD-ĐT đã có chủ trương thì nên đưa vào quy chế. Tôi nghĩ rào cản lớn nhất là phía giáo viên chứ học sinh Trường Trần Đại Nghĩa sẽ rất thuận lợi bởi tất cả các em đều học chương trình tăng cường tiếng Anh nên giao tiếp tốt.
ThS Nguyễn Vũ Thanh
(hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang):
Thực hiện ở trường sư phạm trước
Từ năm học 2009-2010, trường chúng tôi đã phát động việc dạy học bằng tiếng Anh đối với các môn toán, lý, hóa. Tuy nhiên, nó chỉ được thực hiện ở một số bài và chỉ mang tính chất minh họa một số từ ngữ chuyên môn chứ chưa hẳn sử dụng 100% tiếng Anh trong tiết dạy.
Giáo viên của Trường chuyên Tiền Giang có thể đọc sách bằng tiếng Anh khá nhiều nhưng giảng dạy bằng tiếng Anh nhất định phải được bồi dưỡng thêm mới làm được. Đó là chưa kể trình độ ngoại ngữ của học sinh không đồng đều. Tôi e rằng các em sẽ không tiếp nhận được đầy đủ những kiến thức giáo viên truyền đạt.
Vì những lý do trên, tôi nghĩ việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh nên bắt đầu từ trường sư phạm trước. Hãy chọn lựa những sinh viên sư phạm giỏi và thực hiện giảng dạy các môn (trong chương trình đào tạo giáo viên) bằng tiếng Anh cho họ. Những sinh viên này khi tốt nghiệp ra trường sẽ là những giáo viên nòng cốt trong việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ở các trường THPT chuyên. Và như vậy, theo tôi, cần có một lộ trình chậm hơn, chắc hơn để triển khai vấn đề trên.
Thầy Đặng Bảo Hòa
(phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ):
Thực hiện dần dần
Cần khẳng định ngay trong thời kỳ hội nhập, việc cho học sinh học tập các môn khoa học bằng tiếng Anh là rất cần thiết. Nhà trường khuyến khích các giáo viên đi học thêm ngoại ngữ để nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, theo tôi, việc yêu cầu các thầy cô đi học tự túc sẽ không hiệu quả lắm. Nhà nước cần có một cơ chế cụ thể: đầu tư kinh phí cho giáo viên học bồi dưỡng ngoại ngữ và một số chế độ đãi ngộ khi họ có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Có như thế mới tạo động lực thúc đẩy các thầy cô giáo cố gắng hơn bởi công việc giảng dạy hằng ngày của họ cũng đã quá vất vả.
Riêng đối với Trường chuyên Lý Tự Trọng, có lẽ chúng tôi chỉ có thể thực hiện giảng dạy môn toán, tin học tại một số lớp song ngữ trước. Sau đó, khi trình độ giao tiếp tiếng Anh của giáo viên và cả học sinh tăng lên thì mới dần dần thực hiện ở các lớp còn lại.
H.HG. ghi
* Việc trường chuyên áp dụng dạy tiếng Anh vào một số môn như toán, lý, hóa... sẽ gây khó khăn cho thầy và trò. Với mặt bằng trình độ tiếng Anh hiện tại, liệu khi thầy giảng bằng tiếng Anh, tất cả học sinh trong lớp có hiểu không. Nhà trường có dám chắc rằng trình độ tiếng Anh của tất cả các học sinh trong trường là ngang nhau, đảm bảo cho việc giảng dạy bằng tiếng Anh và tất cả đều hiểu bài?
Giang Sơn
* Để đầu tư một giáo viên đủ khả năng dạy bằng tiếng Anh khá tốn kém nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao. Trường chuyên được ưu ái quá nhiều rồi, từ cơ sở vật chất, chất lượng học sinh, giáo viên, nay lại tiếp tục được đầu tư việc dạy tiếng Anh. Trong khi các trường ở vùng sâu, vùng xa còn quá khó khăn. Liệu sự đầu tư này đã được tính toán kỹ hay chưa? Theo tôi, việc đầu tư dạy tiếng Anh ở các môn khoa học tự nhiên là chưa khả thi vào lúc này.
Đàm Thị Xuân Uyên
* Tôi thấy đây là một chính sách rất hay. Nên triển khai ngay từ bây giờ rồi dần hoàn chỉnh vì không có gì là hoàn thiện cả, chứ đợi khi hoàn thiện hết thì đến bao giờ và khi đó e rằng thế giới đã đi rất xa rồi. Vấn đề cốt lõi ở đây là chế độ ưu đãi cho những giáo viên có thực lực cả về chuyên môn lẫn tiếng Anh.
H.P.PHUC