Lễ hội: nơi phô bày tính xấu của người Việt

 Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”

Cách người Việt ứng xử ở nhiều lễ hội văn hóa đã thể hiện tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một trong những hành động xấu xí nhất của người Việt trong các lễ hội đầu năm là chuyện chen chúc, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp nhau để được vào lễ sớm.

Đã thành chuyện “đến hẹn lại lên”, hầu như các lễ hội, đặc biệt là lễ hội mang tính chất tôn giáo ở xứ ta luôn đông đúc. Thậm chí, nhiều người đến dự lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hương, lễ hội Tràng An – Bái Đính… để cầu quan, cầu tài, cầu lộc là một nhẽ, đi để được hưởng, được chứng kiến “đặc sản” đông đúc của lễ hội cũng là một lý do.


Hàng vạn người chen nhau vào đền Trần 
- Nguồn hình ảnh: internet

Cái tâm lý “bầy đàn” ấy ăn sâu vào tâm lý đám đông trong những chuyện hằng ngày (sẵn sàng chọn quán thật đông để ăn, xếp hàng cả ngày trời để mua hàng, dù không chắc quán ăn đó, món hàng đó ngon thật, hợp với khẩu vị của mình thật) và lan sang cả tâm lý đi lễ hội. Nhiều người đã đánh đồng cái đông đúc, ồn ào với cái thiêng, cái hay, cái lạ của lễ hội.

Tâm lý bầy đàn kiểu “người ta đi được, mình cũng đi được”, “chắc ở đấy phải thiêng lắm người ta mới đi đông thế” của người Việt đã khiến không ít lễ hội rơi vào tình trạng quá tải và lễ hội càng chen lấn (tức là càng thiêng!) thì năm sau sẽ lại đông hơn nữa.


Nhiều người còn trèo rào, bờ tường, cây cối để xông vào đền ngay khi giờ khai ấn vừa điểm 
- Nguồn hình ảnh: internet

Song hành với tâm lý “bầy đàn” đó là tâm lý sợ thiệt, sợ thánh thần bớt thiêng nếu ta chậm chân hơn kẻ khác. Tâm lý sợ thiệt nấp sau cái cớ “thành tâm” đã đã khiến nhiều người hành hương chen lấn, xô đẩy nhau để được vào lễ trước, cúng trước, thành thử, ở nơi đáng lẽ phải trang nghiêm nhất, kính cẩn nhất, ta lại thấy những cảnh chướng tai gai mắt.


Đã có những hành khách rơi xuống suối khi chen nhau đi thuyền ở Bái Đính 
- Nguồn hình ảnh: internet

Việc nhiều người Việt thích cướp lộc trên ban thờ, kiệu rước ở các lễ hội cũng là một biểu hiện của sự sợ thiệt, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Lễ khai ấn đền Trần, hàng nghìn người tràn vào chính điện… cướp đồ cúng trên ban thờ, từ bình hoa, cành lộc, thậm chí là nến.


Các bình hoa, cành lộc, thậm chí là nến nhanh chóng “bốc hơi”, các ban thờ trơ trọi, các lẵng hoa chỉ còn lại khung, mút xốp. Nguồn ảnh: Zing

Hay ở lễ hội Đền Gióng, cả trăm người lăn lộn, chèn ép nhau để giằng cướp “hoa tre” trong kiệu rước. Hoặc ở lễ hội cướp phết làng Hiền Quan, hàng nghìn người đã giẫm đạp, dọa nạt, đứng lên đầu nhau, thậm chí dùng nắm đấm để giành lấy vận may .v.v..


Cướp hoa tre trong hội Gióng 
- Nguồn hình ảnh: internet

Quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”, lấy được bất cứ thứ gì của thánh cũng là “lộc”, sẽ được thánh phù hộ, không ai muốn đi lễ hội mà trắng tay cả. Sợ người khác cướp hết lộc, thấy người ta lấy được lộc, mình cũng phải lấy được đã xúi người hành hương chen chúc, xô đẩy, đấm đá lẫn nhau. Với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hành động cướp lộc chỉ thể hiện tâm lý tiểu nông của người Việt, không hơn.

Tư tưởng “chộp giật”, tranh thủ kiếm chác

Hiểu tâm lý sợ thiệt của người đi lễ, những người kiếm sống trong mùa lễ hội nghĩ ra nhiều chiêu trò để bắt chẹt du khách. Những chuyện “chặt chém”, nâng giá vô tội vạ, buôn tiền lẻ, “cò” đò, “cò” cáp treo… trong mùa lễ hội là minh chứng rõ ràng cho tư tưởng chộp giật, tranh thủ kiếm chác của một số người Việt.

Những người đi lễ cũng vui lòng du di cho những hành động đó, bởi “một năm mới có một lần”, và bởi họ cũng được lợi từ đó, ví dụ thay vì phải đứng xếp hàng cả vài tiếng để lên được cáp treo chùa Hương, chỉ cần trả thêm 20.000 – 50.000 đồng/lượt cho “cò”, bạn có thể chễm chệ chen hàng, vượt mặt hàng dài người đang đứng đợi.

Ngay cả ở một lễ hội không mang màu sắc tâm linh như hội Lim, sự cơ hội, chộp giật cũng chen chân. Từ lâu, hội Lim đã được nhớ đến như một ngày hội tôn vinh văn hóa Kinh Bắc, nơi người yêu quan họ giao lưu, chia sẻ những làn điệu dân ca; nhưng vài năm trở lại đây, hội Lim đã phần nào bị “thương mại hóa” vì hình ảnh những liền anh, liền chị vừa hát vừa ngả nón quai thao xin tiền.


Quan họ ngả... đĩa xin tiền
- Nguồn hình ảnh: internet

Mặc dù năm nay, Ban chỉ đạo lễ hội vùng Lim đã khẳng định lễ hội Lim sẽ nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ ngửa nón nhận tiền và yêu cầu các câu lạc bộ quan họ “ký cam kết không ngửa nón nhận tiền của du khách”, nhưng hiện tượng trên vẫn tài diễn. Dù người quan họ không trực tiếp xin tiền nhưng thuyền rồng đi đến đâu, họ cũng khéo léo đưa khay mời trầu du khách để họ thả tiền vào đấy. Các liền anh, liền chị cũng sẵn sàng hát theo yêu cầu của những khách “sộp”.


Tráp mời trầu biến thành hộp đựng "tiền thưởng" - Nguồn hình ảnh: internet

Được biết, người quan họ xưa khi trình diễn dân ca ở hội Lim không bao giờ nhận tiền của du khách. Vẫn biết mỗi năm chỉ có một mùa, và người hát quan họ không thể sống cả năm nhờ vào mấy đồng kiếm được ở hội Lim, nhưng rõ ràng, sự “nuông chiều” của khách thập phương đã khiến tục hát quan họ trên thuyền - một nét đẹp của người Kinh Bắc – bị biến dạng ít nhiều....

Theo Afamily.vn - Còn nữa...


Giày Đại Phát solution
Số người online:
44435
Số người truy cập:
7649484