Lễ hội: nơi phô bày tính xấu của người Việt (tiếp theo)

 Tâm lý vụ lợi và lối ứng xử “có qua có lại mới toại lòng nhau”

Người Việt có câu “suy bụng ta ra bụng người”, và câu này đã được nhiều người áp dụng triệt để khi tham dự lễ hội, có điều không phải là suy ra “bụng” người phàm trần, mà suy ra “bụng” thần thánh. Người ta đã đưa cả cái nếp sống, nếp nghĩ “có qua có lại mới toại lòng nhau” phàm tục của đời thường vào lễ hội, điển hình nhất là việc “đút lót” thánh thần.


Tượng chùa Bái Đính bị "bủa vây" tiền lẻ 
- Nguồn hình ảnh: internet

Nhiểu bức tượng, chuông đồng, mái chùa ở các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Bái Đính, chùa Hương, Yên Tử… bị biến thành “hòm công đức” bất đắc dĩ. Những bàn tay, quần áo, thậm chí… miệng tượng cũng bị nhét đầy tiền lẻ.

Các kiệu rước ở một số lễ hội cũng được “quan tâm” đặc biệt, mỗi lần xuất hiện là lập tức bị ném tiền lẻ tới tấp. Và bất chấp quy định không được thắp quá nhiều hương của các đền, chùa, đầu năm, hầu như đền chùa nào cũng ngột ngạt vì khói hương, nhiều người còn thắp cả bó hương to, cắm vung vãi vào bất cứ chỗ nào còn trống như thể sợ thánh thần không “chứng” cho vậy!

Khi được hỏi “bí quyết” để được thánh thần phù hộ, chị Thanh Hiền chia sẻ: “Phải cầm tiền lẻ vào tay, khấn thật tỉ mỉ tên tuổi, địa chỉ nhà rồi cầu nguyện: “con xin các ngài phù hộ độ trì ban cho con năm nay…” ví dụ cầu con thì xin con, cầu tài lộc thì xin tài lộc, cầu thăng quan tiến chức, sau đó khấn “con xin công đức chút tiền, mong ngài chứng giám cho” rồi để tiền vào trước mặt tượng, nếu gài được vào tay thì càng tốt (!), nếu không, gài tiền ở mâm cúng của mình hoặc ở lọ hoa, bát hương cũng được”.


Những "bát hương" bất đắc dĩ ở chùa Bia Bà 
- Nguồn hình ảnh: internet

Bác Vũ Thị Loan, một người có kinh nghiệm đi nhiều lễ hội cũng chia sẻ thêm, “ví dụ cháu định công đức 50.000 đồng, cháu đừng để một tờ tiền 50.000 đồng ở ban chính, vì như thế chỉ có thánh thần ở ban chính mới “chứng” cho cháu, còn những ban khác thì sao? Trần sao âm vậy, cháu đến nhà ai chơi mà chỉ chào hỏi chủ nhà, không hỏi những người khác thì vô lễ quá. Cháu cứ đổi ra tiền lẻ, đặt vào mỗi ban một ít, chịu khó khấn hết tất cả các ban, thế mới không thất lễ với các ngài”.


Tay tượng Phật bà thiên thủ thiên nhãn ở chùa Lim bị "nhồi" tiền. Nguồn ảnh: Zing

Nói cách khác, theo chị Huyền, bác Loan, “có qua có lại mới toại lòng nhau”, có một chút tiền dâng lên thánh thần mới mong điều ước thành sự thật. Đó là tâm lý không chỉ của riêng chị Huyền, bác Loan mà của nhiều người tham gia lễ hội. Tâm lý vụ lợi thể hiện rõ trong cách họ ứng xử với thần linh, khi nghĩ rằng khấn càng nhiều, cúng càng nhiều tiền thì được phù hộ càng nhiều.

Họ đi lễ vì muốn mưu cầu những lợi lộc cho riêng mình và vung tiền để mong thần linh hiểu, nhét tiền tận tay để thần linh nhớ và “chứng giám”, phù hộ cho họ nhiều hơn là vì sự tôn kính với các ngài.

Vô hình chung, cách ứng xử đó lại có tác dụng ngược, vì càng sợ thất lễ, họ lại càng thể hiện sự vô lễ, hạ thấp các thần linh bằng cách coi các ngài cũng giống người thường: cũng ăn hối lộ, cũng đo đếm thành tâm bằng tiền và sự “chăm chỉ” cúng bái.


Chiếc chuông trước cửa đền Thượng (trong khuôn viên đền Trần) bị người hành hương túm lấy, gõ vào để “cầu may” 
- Nguồn hình ảnh: internet

Các sự vật, hiện tượng, địa điểm được coi là thiêng chỉ khi nó tách riêng khỏi cộng đồng và mang tính chất cấm kỵ, người ta không dám, không thể phạm vào. Cảm thức về cái thiêng luôn kèm theo sự sợ hãi, kính nể. Tuy nhiên, khi hàng nghìn người đổ về đền Trần dự lễ khai ấn, rồi chen lấn, giẫm đạp để cướp lấy mảnh ấn hay nhét tiền tận tay tượng Phật, quệt tiền lên đồ thờ cúng, cắm hương nghi ngút ở gốc cây, góc tường…, lễ hội đâu còn thiêng nữa! Nó đã bước vào thế giới của cái phàm tục, của cái toan tính đời thường.

Theo Afamily.vn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
32442
Số người truy cập:
9205913