24/30 (80%) mẫu lạp xưởng bày bán trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm chì, kể cả không đạt chỉ tiêu phẩm màu.
Giữa tháng 12-2011, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM phát hiện tại cơ sở sản xuất lạp xưởng Bảo Trân (phường Phú Thạnh, Tân Phú, TP.HCM) 1,5 tấn mỡ thối đã chuyển sang vàng, xanh. Số mỡ thối này dùng chế biến lạp xưởng, được để bên ngoài khu vực sản xuất.
Sáng 3-1, khảo sát của PV tại chợ Bình Tây (quận 6) cho thấy lạp xưởng Bảo Trân được bày bán khá nhiều trong các sạp. Bà Thu, chủ sạp Thanh Đức, cho biết lạp xưởng Bảo Trân chỉ có một loại, giá mỗi ký là 73.000 đồng. “Anh mua bao nhiêu cũng có, khi cần gọi trước để tôi chuẩn bị hàng” - bà Thu quả quyết.
PV hỏi lạp xưởng của các công ty có thương hiệu giá mỗi ký khoảng 175.000 đồng, sao lạp xưởng Bảo Trân bán rẻ quá vậy? Bà Thu đáp gọn lỏn: “Tiền nào của nấy mà. Nhưng anh yên tâm, cơ sở này sản xuất sạch sẽ lắm”.
Người làm tại một cơ sở chế biến lạp xưởng... dùng tay khuấy thịt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Một công đoạn trong quy trình sản xuất lạp xưởng của một cơ sở nhỏ lẻ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Ngoài lạp xưởng Bảo Trân, bà Thu còn bán nhiều loại lạp xưởng khác, kể cả loại không có bao bì với giá rẻ rề, mỗi ký chỉ từ 68.000 đến 70.000 đồng.
Không chỉ sạp bà Thu, nhiều sạp khác cũng bày bán lạp xưởng Bảo Trân, kể cả lạp xưởng không nhãn mác, chẳng bao bì với giá mỗi ký chỉ độ 70.000 đồng.
Như đã thông tin, kết quả xét nghiệm gần đây của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho thấy 24/30 (80%) mẫu lạp xưởng bày bán trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm chì, kể cả không đạt chỉ tiêu phẩm màu, Salmonella, Cl. Perfringens. Các mẫu lạp xưởng không đạt đa phần không nhãn mác, sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình.
Đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ triển khai kiểm tra lạp xưởng đang kinh doanh tại các chợ của những cơ sở vi phạm, kể cả lạp xưởng không nhãn mác, không bao bì. |
PGS-TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết không loại trừ khả năng một số cơ sở sản xuất lạp xưởng nhỏ lẻ sử dụng muối diêm công nghiệp để tẩm ướp thịt heo biến chất, kém chất lượng.
“Muối diêm công nghiệp dùng làm... thuốc pháo, có chứa kim loại chì, dùng diệt khuẩn, chống mốc, tạo màu sắc đỏ tươi… Muối diêm công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm” - ông Quân cho biết thêm.
Liên quan đến phẩm màu, TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng không ít cơ sở sản xuất lạp xưởng nhỏ lẻ, không phép luôn sử dụng phẩm màu công nghiệp do giá thành rẻ.
Sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng tùy vào phẩm màu công nghiệp và hàm lượng sử dụng. “Chưa hết, Salmonella gây đau bụng, tiêu chảy; Cl. Perfringens phát triển độc tố trong lạp xưởng dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm” - ông Đồng nói rõ.