Lao động trở về từ Libya ngập trong nợ nần

 

Con đường nhỏ dẫn vào xóm Phong Liên xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An) sâu hun hút. Dọc cánh đồng hai bên đường, từng tốp thanh niên đang cùng gia đình tranh thủ trời nắng ấm đi gieo lạc xuân. Mai Văn Thắng (23 tuổi) cũng tạm gác công việc phụ hồ để đi gieo lạc giúp mẹ.

Bố là thương binh hạng nặng, hai anh trai bị tật nguyền, Thắng trở thành niềm hy vọng duy nhất của gia đình. Sau khi vay mượn 40 triệu đồng để lo thủ tục đi Lybia, Thắng háo hức lên đường với giấc mộng thoát nghèo. Biến cố chính trị xảy ra khi Thắng mới nhận 2 tháng lương nên phải về nước mang theo cục nợ và khoản tiền lãi hàng tháng.

Từ ngày về nước đến nay, Thắng đi phụ hồ để trả tiền lãi hàng tháng còn tiền nợ gốc thì chưa biết đến bao giờ mới trả hết. Ngồi tần ngần bên cậu con trai, ông Mai Xăn Lĩnh thở dài: "Con chưa về được thì thấp thỏm lo sợ, trở về an toàn rồi, nhưng cả gia đình cũng không vui gì hơn bởi khoản nợ ngân hàng cứ ám ảnh chúng tôi cả trong bữa ăn, giấc ngủ".

Bố con anh Thắng đang lo lắng cho khoản nợ 40 triệu đồng cùng tiền lãi hàng tháng. Ảnh: Nguyên Khoa
Bố con anh Thắng đang lo lắng cho khoản nợ 40 triệu đồng cùng tiền lãi hàng tháng. Ảnh: Nguyên Khoa.

Một năm sau biến cố ở Libya, chàng trai Trần Văn Nga (23 tuổi) ở xã Nghi Xuân luôn thấp thỏm lo lắng cho khoản nợ 30 triệu đồng vay quỹ tín dụng và không biết làm việc gì để kiếm sống. "Em mới sang Libya được 3 ngày thì phải tay trắng trở về. Ở nhà, chính quyền xóm và xã lại cắt chế độ hộ nghèo chuyển sang diện cận nghèo vì có con đi xuất khẩu lao động. Đúng là khó đủ đường", Nga tâm sự.

Những ngày này, anh Nga ra đồng làm việc giúp bố mẹ. Nhiều lần anh định vào Nam làm thuê nhưng vẫn cứ thấp thỏm hy vọng sẽ được đi lại Libya để làm việc và trả nợ.

Cùng hoàn cảnh như Nga, nhiều lao động ở các huyện như Nam Đàn, Thanh Chương đã phải vào miền Nam để làm thuê. Nhiều thanh niên ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu trở lại nghề đi biển cùng cha ông để cố gắng trả nợ ngân hàng.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động trở về từ Libya, tất cả đều đang tuổi thanh niên, là con cái của các hộ nghèo. Sau khi trở về nước với hai bàn tay trắng, những lao động này tiếp tục đối mặt với nợ nần. Nhiều người đã cố gắng ôn thi tiếng Hàn Quốc để đi Hàn, một số khác đã tìm sang thị trường Ả rập, Kuwait với hy vọng trả được nợ và đổi đời, còn lại vẫn đang thấp thỏm chờ đợi để được trở lại Libya.

Khi nghe tin thị trường Libya sắp mở trở lại, nhiều thanh niên xứ Nghệ rất háo hức. "Nếu được đi lại Libya, chúng tôi sẵn sàng đánh cược số phận một lần nữa bởi sang bên đó tuy lương không cao nhưng dù sao vẫn tích trữ được đồng tiền hơn là đi làm phụ hồ ở nhà", anh Thắng trải lòng.

Nhiều lao động Nghệ An sẵn sàng trở lại Lybia để làm việc. Ảnh: Nguyên Khoa
Nhiều lao động Nghệ An sẵn sàng trở lại Lybia để làm việc. Ảnh: Nguyên Khoa

Một số thanh niên cũng như gia đình lại lo ngại tình hình bất ổn ở Libya nên tỏ ra lưỡng lự. "Sang đó làm việc lương không cao như mình mơ ước, lại luôn sống trong lo âu nên chúng tôi rất ngại. Nếu không đi được nước nào có thu nhập tốt và ổn định hơn, chúng tôi sẽ ở nhà học nghề hoặc vào miền Nam, Tây Nguyên lập nghiệp", anh Nguyễn Đức Văn và nhiều thanh niên ở huyện Thanh Chương tâm sự.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay tất cả lao động trở về từ Libya đều đã nhận được hỗ trợ một triệu đồng, nhiều người được học nghề ngắn hạn miễn phí, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại trung tâm trực thuộc Sở. Tuy nhiên, do lượng lao động quá lớn nên việc tìm được việc làm cho số lao động từ Libya trở về là rất khó khăn.

Trước đó ngày 15/1/2011, thành phố Benghazi của Libya chấn động vì cuộc biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ do đại tá Muammar Gaddafi đứng đầu từ năm 1969. Tại quốc gia này có hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc ở các công trường xây dựng.

Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, có nhiệm vụ sơ tán lao động Việt Nam tại Libya và đưa về nước. Từ ngày 25/2 đến giữa tháng 3/2011, Chính phủ đã đưa chuyên cơ sang đón lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng lao động và tổ chức phi chính phủ cũng phối hợp đưa công dân Việt Nam về bằng đường biển và hàng không.

Đến sáng 4/4/2011, chuyến tàu chở hơn 1.000 công nhân từ Lybia đã cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, hoàn tất chiến dịch giải cứu lao động làm việc tại nước ngoài quy mô lớn thứ hai từ trước đến nay. Trước đó năm 1991, Việt Nam đã sơ tán khoảng 18.000 lao động làm việc tại Iraq do chiến tranh vùng Vịnh.

Nguyên Khoa


Giày Đại Phát solution
Số người online:
26854
Số người truy cập:
9256951