Lao động hối hả tìm việc sau Tết

 Anh Dương Văn Thanh, 37 tuổi, vốn là công nhân bảo trì một công ty may ở quận Tân Phú. Tháng 7 năm ngoái, nhà máy chuyển xưởng sản xuất về Long An. Vì cả nhà đang thuê trọ ở Hóc Môn, cách chỗ mới gần 50 km, anh không thể theo được, đành xin nghỉ việc.

Thất nghiệp đúng lúc dịch bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp dừng hoạt động, anh Thanh không thể tìm được việc đành ngồi nhà. Khi thành phố mở cửa, anh lên mạng tìm các thông tin tuyển dụng, nhờ người quen giới thiệu nhưng không nơi nào nhận. Trước Tết, một công ty gọi thử việc, song làm được một ngày anh được bộ phận nhân sự thông báo chưa tuyển vì thợ cũ đổi ý, không nghỉ việc nữa.

Anh Dương Văn Thanh nhiều ngày tới các khu công nghiệp để tìm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Dương Văn Thanh nhiều ngày tới các khu công nghiệp để tìm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Nam công nhân cũng xin vào công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nhưng chỉ cầm cự một tuần do viêm xoang không chịu được mùi sơn. Để có tiền phụ vợ nuôi hai con nhỏ, anh Thanh đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Tranh thủ lúc không có khách anh chạy qua các khu công nghiệp xem thông tin tuyển dụng.

"Chưa có việc nên ăn Tết không ngon", nam công nhân bộc bạch. Sáng 6/2 (mùng 6 Tết), anh và con gái lớn từ Đồng Tháp trở lại thành phố, chuẩn bị hồ sơ xin việc. Nam công nhân nói rằng có thể chưa tìm được việc ngay nhưng cảm giác an tâm, cơ hội có việc làm nhiều hơn cứ ngồi ở quê. "Sau Tết, nhiều người thường nhảy việc, tôi tin mình sẽ sớm có được chỗ làm tốt", anh Thanh hy vọng.

Cũng mong sớm tìm được việc làm, anh Bùi Quốc Thái, 25 tuổi, đã rời Tiền Giang lên Sài Gòn từ mùng 4. Nam công nhân cho hay lương thưởng ở công ty cũ không tốt nên xin nghỉ từ cuối năm ngoái. Anh Thái tính toán sau Tết nhiều người muốn đổi việc, các nhà máy tăng tuyển dụng nên bản thân sẽ sớm tìm được công việc tốt hơn.

Mấy ngày nghỉ ở quê, anh Thái lên mạng xã hội, vào các nhóm tuyển dụng lao động, trang tìm kiếm việc làm để đăng tin "người tìm việc". Có 2 công ty trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) liên hệ, hẹn ngày phỏng vấn.

"Việc nhiều nhưng phù hợp với mình hay không mới quan trọng", nam công nhân nói. Anh muốn tìm công ty đi ca hành chính, lương mỗi tháng 7-8 triệu đồng, được nghỉ buổi tối để dành thời gian học thêm. Do chân bị đau, anh muốn tìm công việc được ngồi làm, hạn chế đứng nhiều.

Anh Thái, anh Thanh là hai trong hàng nghìn lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm sau Tết. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), con số này trước kỳ nghỉ Tết là gần 20.000 người. Sau Tết, số này tăng lên nhiều vì lượng lớn sinh viên tốt nghiệp vào cuối năm ngoái nhưng kẹt ở quê, lao động hồi hương nay quay lại thành phố.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Falmi, cho rằng có nhiều lý do để sau Tết thị trường lao động ở thành phố sôi động, thu hút công nhân ngoại tỉnh quay lại. Trong đó phải kể đến các biện pháp chống dịch của thành phố phát huy hiệu quả, nhiều tuần liên tiếp là "vùng xanh". Các chính sách chăm lo, phúc lợi mà doanh nghiệp dành cho người lao động tương đối ổn định. Nhiều chương trình hỗ trợ lao động như giúp tìm việc, nơi ở, xét nghiệm miễn phí...

Ứng viên tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm thanh niên tổ chức sau Tết. Ảnh: An Phương

Các ứng viên tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên dịp sau Tết. Ảnh: An Phương

Cũng theo khảo sát của Falmi, sau Tết Nhâm Dần, thành phố cần tối đa 55.600 lao động, tập trung ở các ngành dệt may - giày da, sản xuất, chế biến thực thẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao su, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Trong đó mức lương mỗi tháng 5-10 triệu đồng chiếm hơn 43%.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động của Công ty Manpower Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh nhóm ngành sản xuất thiếu hụt nhân lực, lao động phổ thông đang có nhiều ưu thế để lựa chọn công việc phù hợp. Do đó, người lao động cần phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ doanh nghiệp mình muốn ứng tuyển để nộp hồ sơ.

Ông Sơn đưa ra một số tiêu chí người lao động có thể tham khảo. Đầu tiên, cách doanh nghiệp vượt qua Covid-19, đối xử với nhân viên, chế độ lương, thưởng, chăm lo cho công nhân trong thời gian bùng dịch. Ứng viên cũng cần chú ý các biện pháp phòng, chống dịch ở nhà máy, tuân thủ 5K, môi trường làm việc phải đảm bảo an toàn. Ngoài ra, sau thời gian công nhân về quê, tay nghề giảm sút, nếu các nhà máy sẵn sàng đào tạo lại thì đó là điểm cộng để chọn lựa.

Về phía người lao động khi bắt đầu công việc mới phải chấp nhận thực tế lương, thưởng không được như trước và bản thân chịu thay đổi để phù hợp thị trường. Ông Sơn nêu thực tế nhiều doanh nghiệp lương thưởng tốt, đào tạo nghề miễn phí nhưng khi gọi điện mời ứng viên đến phỏng vấn lại bị người lao động từ chối do họ ngại đổi việc.

"Người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi nộp đơn xin việc và khi đã nhận việc không nên so sánh dẫn đến bỏ việc giữa chừng", ông Sơn nói và cho rằng việc này sẽ tạo ra làn sóng tiêu cực khiến các doanh nghiệp e ngại, cân nhắc khi đưa ra các chính sách tuyển dụng, đào tạo công nhân sau này.

Lê Tuyết


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16986
Số người truy cập:
9015163