Hơn 8 năm kể từ khi bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn-TPHCM) đóng cửa, trở lại đây, chúng tôi ghi nhận cuộc sống người dân sung túc hơn, nhà cửa, trường học, đường nông thôn được đầu tư xây mới rất đẹp. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi không khỏi giật mình là số người chết và đang mắc các chứng bệnh liên quan đến u, hạch ác tính, ung thư… sống quanh khu vực bãi rác ngày càng nhiều.
Anh Cao Tấn Sỹ (phải) tiều tụy, xanh xao vì đang gánh căn bệnh u sọ hầu, u tuyến yên
Bán đất, bán nhà vì… bệnh
Không có con số thống kê cụ thể về số người bị các chứng bệnh liên quan đến u ác tính, ung thư hay lao phổi…, nhưng mỗi khi chúng tôi tìm đến nhà một người bệnh thì được họ chỉ thêm một người khác, khiến con số cứ tăng dần.
Theo con đường mòn nhỏ, chúng tôi vào nhà số 270 (tổ 19, ấp 2, xã Đông Thạnh) để thăm bà Võ Thị Gấp (70 tuổi). Mặc dù bị khối u ở phổi hành hạ hơn 8 năm nay nhưng để có tiền trang trải cuộc sống, bà Gấp vẫn phụ bán cơm với con gái. Vạch áo lên, bà chỉ vào hai lỗ hở, mỗi lỗ bằng ngón chân cái nằm bên hông trái, rồi nói: “Tôi phải sống chung với nó hơn 8 năm rồi, khi nào hai lỗ này khép lại là đời tôi cũng khép theo”. Đứng cạnh, ông Võ Văn Luận, chồng bà Gấp, thở dài: 20 năm sống ở đây, đang khỏe mạnh đột nhiên năm 2002 bà đổ bệnh, đi khám ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ nói có khối u ở phổi, phải mổ bỏ. Gia đình đành bán 2 căn nhà để chữa trị cho bà, thế nhưng khối u không hoàn toàn lành hẳn.
Câu chuyện dang dở thì con dâu của ông Luận là chị Nguyễn Thị Nhỏ đi vào. Người đàn bà với thân hình gầy còm và nét mặt luôn u buồn. Chị Nhỏ cho biết bản thân mình cũng đang mang tế bào ung thư trong người và mới phát hiện hạch ở vú nhưng không dám đi khám vì sợ. Chị kể: Năm 2002, khi đi khám phụ khoa ở bệnh viện thì phát hiện cổ tử cung có tế bào ung thư. Điều trị gần hai năm, nợ nần chồng chất, túng quẫn, chị uống thuốc diệt cỏ tự tử. Lần đó, chị không chết nhưng lại mang thêm số nợ hơn 50 triệu đồng. Không còn điều kiện để đến bệnh viện, nghe người ta chỉ, chị uống lá trinh nữ hoàng cung để cầu may. “Bệnh cũ chưa hết thì đến bệnh mới. Vừa rồi đến Bệnh viện Hóc Môn tái khám, bác sĩ lại phát hiện hạch trên vú chị. Cái hạch bắt đầu lớn dần và nhức lắm, nhưng chưa có điều kiện nên tôi cứ liều để vậy”- chị Nhỏ nói.
Cách nhà bà Gấp vài căn là nhà bà Sáu Trang, cũng có chồng bị hạch sưng vù ở cổ gần 3 tháng nay. Sợ hạch ác tính, ông không dám đi khám mà để vậy, mặc cho nó hành hạ, nhức nhối. Cách đó vài căn là nhà tình thương của chị Trần Thị Lan, người chị cũng xanh mét, hai mắt trũng sâu vì bị bướu cường giáp hành hạ hơn 7 năm trời.
Đi vài trăm mét là đến nhà ông Huỳnh Văn Mười (tổ 7, ấp 2). Vén áo cho chúng tôi xem một cái hạch bằng trái chanh nằm trên lưng, ông nói: “Sợ lắm cô à, không dám đi bệnh viện khám”. Trước đó, em trai ông là Huỳnh Văn Một, cũng nổi hạch trên cổ, rồi lan dần ra, khi đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo u ác tính, mới mất tháng 2-2010. Để chữa chạy, gia đình anh Một đã bán lần lượt 3 miếng đất, hiện vợ con anh phải ở nhà trọ và làm thuê kiếm sống.
Rời ấp 2, chúng tôi đến ấp 7 và ấp 3 của xã này, hai ấp nằm hai bên đồi rác cũng có số người bị các chứng bệnh liên quan đến ung thư, u ác tính rất nhiều.
Nhiều người chết vì ung thư
Những ngày đi khảo sát quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh, chúng tôi không khỏi giật mình khi quyển số ghi chép số người mắc bệnh ung thư ngày một tăng, đấy là chưa kể số người chết vì căn bệnh này. Hầu hết họ là những người sống lâu đời tại đây, từ năm 1975, một số người được ghi nhận trong bài viết ít nhất cũng sống tại đây từ 6 – 10 năm. Điều đáng lo ngại là toàn bộ khu dân cư này đang sử dụng nguồn nước giếng khoan ở độ sâu chỉ 30 - 40m.
Thật đau lòng khi nhiều người trong số họ đang là lao động chính thì đổ bệnh, mất đi, để lại gánh nặng nợ nần và nỗi đau cho gia đình. Hệ lụy là có những đứa trẻ phải nghỉ học giữa chừng, những gia đình không còn nơi nương tựa… Anh Cao Tấn Sỹ (nhà số 49, ấp 7) đang là công nhân Công ty Công viên Cây xanh thì phát hiện bệnh u sọ hầu, u tuyến yên… Sau 5 năm điều trị, giờ đây người đàn ông mới ngoài 40 trông tiều tụy, xanh xao vì căn bệnh hành hạ. Cách đó vài trăm mét, bà Huỳnh Thị Sang (nhà số 87, ấp 7) bị ung thư cổ tử cung, bà Huỳnh Thị Bảo nhà số 83, ấp 7, bị ung thư bao tử, cả hai vẫn đang vô hóa chất điều trị hằng tháng.
Ông Thái Văn Thâu, nguyên phó ấp nhân dân ấp 7, lắc đầu: Nhiều lắm cô ơi, chỉ quanh ấp 7, nhà cách nhà chừng vài trăm mét đã có cả chục người chết vì bệnh ung thư. Như ông Nguyễn Văn Hai, nguyên trưởng nhân dân ấp 7, cũng bị ung thư cuống phổi, mất năm 2007; bà Lê Thị Phương nhà số 236, ấp 7, bị ung thư da mất năm 2010; ông Võ Duy Hòa nhà số 38, ấp 7, mất năm 2006 do ung thư gan; ông Lê Công Long mất năm 2003 do u ác tính ở cổ... Hay tại ấp 2 có bà Trần Thị Tình mất năm 2010 vì u ác tính ở cổ; nhà cạnh bên, bà Nguyễn Thị Lan cũng mất vì bệnh ung thư màng bụng, sau khi mất gia đình đổ nợ đã bán nhà đi nơi khác.
Nợ tiền hỗ trợ độc hại cho dân
Theo phản ánh của người dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, từ đầu năm 2011 đến nay, đơn vị quản lý bãi rác Đông Thạnh là Công ty Môi trường Đô thị TP vẫn chưa chi tiền hỗ trợ độc hại cho người dân với mức trung bình 25.000 đồng/người. Theo người dân, mức chi hỗ trợ độc hại giảm đi sau khi có lệnh đóng cửa bãi rác từ năm 2002, từ 60.000 đồng/người xuống 25.000 đồng/người. Tuy nhiên theo ông Thái Văn Thâu, nguyên phó trưởng Ban Nhân dân ấp 7, người dân không mong muốn được nhận tiền hỗ trợ này, cái họ mong muốn là phải đóng cửa bãi rác!
Rác nguy hại lại đổ về Đông Thạnh
Bệnh tật. Nỗi lo còn đó. Thế nhưng điều kỳ lạ là hơn một năm nay, người dân nơi đây bất ngờ khi thấy xe chở chất thải nguy hại (rác y tế) từ các bệnh viện của TP và xe chở phân hầm cầu kéo về đây. Tất cả đều do xe của Công ty Môi trường Đô thị TP chuyên chở.
Xe chở phân hầm cầu đang đổ phân trong bãi rác Đông Thạnh
Sống sát con đường độc đạo dẫn vào bãi rác, ông Hà Văn Thành cho biết: Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ trở đi là xe chở rác thải nguy hại, phân hầm cầu nối đuôi vào bãi rác. Mỗi lần xe đi qua, mùi hôi bốc lên chịu không nỗi”. Theo mách bảo của người dân, suốt hai tuần đầu tháng 8, chúng tôi nhiều lần có mặt trên đường Đặng Thúc Vịnh để ghi nhận hoạt động của các xe này. Đúng như phản ánh của người dân, mỗi ngày có khoảng 20 xe chở rác thải nguy hại và 4 xe chở phân hầm cầu với khối lượng hàng chục tấn đi vào bãi rác. Được biết, số rác thải nguy hại sẽ cho vào lò đốt để xử lý, riêng phân hầm cầu được đổ thẳng xuống hầm, nằm cách lò đốt vài trăm mét.
Điều đáng nói, mỗi khi lò đốt này hoạt động, khói đen bốc lên ngùn ngụt, phát tán khắp nơi khiến người dân phải chạy đi chỗ khác. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà gần cầu Rạch Tra, bức xúc: Mỗi lần lò đốt hoạt động, không chỉ khói đen nghi ngút mà tiếng ồn điếc tai, hai người đứng cách nhau 2 m nhưng nói chuyện không nghe rõ. Tương tự, bà Đỗ Thị Muội nhà ở ấp 7 cho biết: Không chỉ thường xuyên ngửi mùi hôi từ lò đốt rác y tế mà mỗi khi trời mưa, mùi phân hầm cầu bốc lên chịu không nỗi.
Như vậy, hơn 8 năm đóng cửa bãi rác Đông Thạnh, đến nay bãi rác này lại mở cửa tiếp nhận rác thải nguy hại và phân hầm cầu, đi ngược lại mong muốn của người dân bởi ô nhiễm và mối nguy hại vẫn còn đó. Nhiều câu hỏi được đặt ra và đang cần các cơ quan chức năng trả lời: Nguyên nhân nào khiến hình thành một làng ung thư quanh bãi rác? Đã đóng cửa bãi rác nhưng sao lại mở cửa tiếp nhận rác thải nguy hại và phân hầm cầu?