Phản ứng đầu tiên của anh Nguyễn Tiến Nam (Quận Tân Bình, TP.HCM) khi biết về đề xuất đổi giờ làm là… phản đối.
“Nhà tôi có hai cháu, một học mầm non, một học tiểu học. Cháu học mầm non vào lớp lúc 7 rưỡi, cháu học tiểu học thì học từ 7h nên phải có mặt từ 6h45 ở trường. Trong khi đó, cả tôi và vợ đều vào làm từ 8h. Hiện nay, chúng tôi 5 rưỡi đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cháu, 6h đánh thức các cháu dậy, cho ăn uống rồi làm một “cua” đưa nhau đi học, đi làm. Chúng tôi chọn trường cho các cháu ngay gần chỗ làm để tiện đưa đón nên buổi sáng thường tới cơ quan khá sớm, trước giờ làm khoảng 20 phút. Nếu bây giờ chuyển giờ làm xuống 8h30 thì mỗi sáng chúng tôi chơi không gần một tiếng đồng hồ à?” – anh Nam phân tích.
Đổi giờ làm mà không đổi giờ học là bất hợp lý |
Chưa kể, theo anh Nam, nếu thực hiện phương án đề xuất mới, giờ về của con cũng lệch cả tiếng so với giờ về của bố mẹ. Vì vậy, nếu trường tổ chức trông trẻ thì hàng tháng phụ huynh lại tốn một khoản phí trông ngoài giờ cho các cô. Còn nếu muốn đón đúng giờ thì chỉ có cách trốn việc đi đón con rồi đưa nhau về cơ quan làm tiếp cho tới hết giờ.
“Buổi sáng bố mẹ “lang thang”, buổi chiều tới lượt các con vất vưởng” – anh Nam bình luận.
Chị Mai Hà Liên (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) là phụ huynh của cả hai bé đang học lớp 6. Hiện nay, giờ học của các con chị bắt đầu từ 7h15, giờ về là 17h15. Còn giờ làm việc của công ty chị cũng bắt đầu từ 8h, giờ về là 17h.
“Giờ làm việc của tôi và giờ học của các con tôi hiện tại khá phù hợp. Sáng tôi cho hai cháu đến trường gần nhà rồi lên công ty hết khoảng nửa giờ, nên coi như đến sớm hơn giờ làm khoảng mươi mười lăm phút. Tới buổi chiều tôi về đến trường cũng chỉ muộn hơn giờ tan lớp của các cháu khoảng 15 phút, các cháu không phải chờ quá lâu”.
Một điều bất tiện nhất nếu đổi giờ làm việc đối với chị Liên chính là thời điểm kết thúc.
“Nếu 17h30 mới hết giờ làm, đi nhanh, không kẹt xe cũng phải 18h tôi mới về tới trường học. Đón hai con về đến nhà mới bắt tay vào chuẩn bị bữa tối, nhanh lắm cũng phải gần 19h30 cả nhà mới được ăn. Sau đó các con còn phải chuẩn bị bài cho hôm sau rồi mới được nghỉ… Nói chung, thời gian nghỉ của các con và chúng tôi bị mất đi gần 1h so với hiện tại, không đủ để phục hồi sức khỏe hôm sau tiếp tục đi học, đi làm”.
Tại TP.HCM, chủ trương học lệch giờ được chính quyền nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, TP.HCM đưa ra kế hoạch với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm là bố trí lại giờ làm việc và học tập. Tới nay, phụ huynh và học sinh ở đây đã khá quen thuộc với khung giờ này.
“Tôi ủng hộ phương án đề xuất thứ hai của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tức là cứ giữ nguyên như hiện nay, các địa phương tự quyết định tùy điều kiện vùng miền” – anh Hoàng Đình Mạnh (Quận 3, TP.HCM) đưa ý kiến.
Theo anh Mạnh, nếu chỉ với lý do mà Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đưa ra như để hội nhập vì nhiều cơ quan tổ chức nước ngoài ở Việt Nam đang làm việc từ 9h, hay đề xuất một giờ thống nhất là để liên thông từ trung ương tới địa phương, thuận lợi cho người dân đi giải quyết thủ tục hành chính là không thỏa đáng.
“Các vị cứ thử tính xem số phụ huynh hiện là công chức, viên chức là bao nhiêu thì sẽ thấy sự ảnh hưởng tới cuộc sống của một lượng lớn các gia đình tới mức độ nào, trong khi chắc chắn nhân sự làm việc ở các cơ quan, tổ chức nước nào ở Việt Nam chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Còn để thuận tiện cho người dân đi giải quyết thủ tục hành chính cũng không hẳn, vì thông thường người dân vùng nào sẽ chủ yếu giải quyết ở vùng đó, không có quá nhiều trường hợp phải tới địa phương khác làm việc mà lo lệch giờ. Nếu cần, các cơ quan có thể bố trí một vài người tới trực sớm hoặc về muộn hơn cho phù hợp chứ không cần phải đổi giờ đồng loạt nhưu vậy” – anh Mạnh đề xuất.
Theo anh Mạnh, thực tế có thể có phương án đổi giờ làm thì phải đổi luôn giờ học để phù hợp. “Nhưng khi đó phải có những nghiên cứu khoa học đầy đủ về tác động đối với nhịp sinh học, sự phát triển của trẻ nhỏ với khung giờ hoạt động mới. Có đảm bảo cho sự phát triển thể chất, trí tuệ của các cháu thì hãy đổi”.
Anh Mạnh cho rằng bất cứ đề xuất nào trước khi đưa ra lấy ý kiến cũng cần phải có những nghiên cứu thực tế, nghiêm túc, cân nhắc lợi ích từ nhiều phía để tránh những bàn luận không cần thiết.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức. Phương án đầu tiên là bổ sung vào Bộ Luật này quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Phương án hai, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. |