Làm sao lấy lại niềm tin sau vụ sửa điểm ở Hà Giang?

 Tôi thi đỗ một trường đại học top đầu năm 2014 với số điểm 26. Đấy là năm cuối cùng kỳ thi ĐH diễn ra theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả).

Tôi vẫn nhớ như in sự nghiêm túc của kỳ thi cách đây 4 năm. Chúng tôi phải bỏ lại tất cả hộp bút, nắp máy tính bên ngoài và chỉ được phát một bao nilon trắng trong suốt để đựng những dụng cụ làm bài của mình. Trong phòng thi, không có một tiếng động nào phát ra từ miệng của các thí sinh. Không thể biết hết kỳ thi đã diễn ra tại những hội đồng thi khác như thế nào, riêng với hội đồng tôi dự thi, đấy chắc chắn là kỳ thi nghiêm túc nhất trong suốt quãng đời học sinh, sinh viên mà tôi đã trải qua, hơn cả những kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh.

Tôi đã đỗ vào một trường đại học danh tiếng của cả nước sau khi vượt qua một kỳ thi nghiêm túc và có phần khắc nghiệt như thế. Từ đây, suốt 4 năm đại học của mình, tôi đã có cơ hội học tập cùng những người bạn giỏi giang đáng ngưỡng mộ. Bạn bè là nguồn kiến thức và cảm hứng lớn nhất của tôi trong quãng đời đại học. Chính các thầy cô cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, chính những sinh viên giỏi mới là điều đã giúp trường duy trì danh tiếng đến ngày nay.

Gia đình tôi vốn không khá giả và bố mẹ thường nói với tôi học giỏi là cách duy nhất để có một cuộc sống tốt hơn. Bằng việc luôn thi đỗ vào lớp chọn, trường chuyên từ bé, tôi đã mang theo một niềm tin rằng khi mình được học trong những trường danh tiếng nhất cùng với những người bạn giỏi nhất, được dạy bởi những thầy cô giáo tốt nhất, tôi sẽ có cơ hội bình đẳng như tất cả những người có điều kiện tốt hơn. Tôi tin rằng có rất nhiều học sinh đã lớn lên và cố gắng học tập với niềm tin như thế giống tôi.

Nhưng với những bạn trẻ sinh năm 2000 vừa dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay và cả những thế hệ sau, niềm tin ấy đã lung lay ít nhiều sau bê bối nâng điểm vừa qua.

Các bạn trẻ này hoàn toàn có thể nghi ngờ một người bạn đang học chung với mình đã vào được đại học bằng năng lực thật sự hay bằng một tin nhắn của người lớn. Một học sinh đã thi rớt vì thiếu 0,5 điểm trong suốt một năm ôn tập ở nhà có thể sẽ không dưới một lần nghĩ rằng đã có bao nhiêu bài thi được nâng điểm khiến bạn ấy phải tốn thêm một năm đó. Các thầy cô giáo khi đứng trên bục giảng có thể sẽ có những lúc tự hỏi những sinh viên ở dưới có bao nhiêu người đã thi đỗ và có bao nhiêu người đã đỗ nhờ gian lận. Một nhà tuyển dụng khi nhận được CV của một sinh viên tốt nghiệp từ một trường top đầu cũng có quyền có những nghi ngờ.

Những sự hoài nghi ấy, chắc chắn là cảm xúc tiêu cực và không giúp nền giáo dục phát triển.

Tôi đã từng đến Hà Giang, đã chinh phục và say mê những cung đường đèo dốc uốn lượn nằm bên cao nguyên đá kỳ vĩ như bao người trẻ yêu xê dịch khác. Nhưng có một điều mà ai từng đến Hà Giang cũng sẽ nhớ mãi, đó là những em bé mặc bộ quần áo mỏng manh, đeo những chiếc cặp sách cũ mèm, đi chân trần dưới trời rét căm đi học.

Thật khó tưởng tượng làm sao những em bé ấy có thể đi một chặng đường nhiều cây số bằng chân trần trên những con đường dốc dưới nhiệt độ thấp như vậy để đến những lớp học xập xệ. Chúng ta vẫn thường nghe những câu chuyện cảm động về việc các thầy cô luôn phải đến tận nhà, động viên hết sức để các em đến trường.

Nhưng sau những bê bối trong kỳ thi THPT 2018, liệu chúng ta có thể tự tin để vẫn nói với các em rằng đi học là một cơ hội bình đẳng để các em có cuộc sống tốt hơn không?

Và không chỉ ở Hà Giang, những học sinh vẫn đang vật lộn với suy nghĩ có nên tiếp tục đến trường hay không trên khắp cả nước liệu có mất đi niềm tin với việc học hay không?

Vốn đã thiếu niềm tin, liệu giáo dục của chúng ta sẽ còn lại điều gì để hy vọng?

Trần Tuấn Việt Đức


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27199
Số người truy cập:
9030090