Chấn thương mắt không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần bệnh nhân mà quá trình điều trị với chi phí tốn kém, thậm chí còn phải điều trị lâu dài, bền bỉ bằng tập luyện mắt, thông qua các phương pháp chỉnh quang - chỉnh thị. Do đó, chúng ta cần phòng tránh, hạn chế chấn thương mắt và có những thông tin cần thiết về xử trí kịp thời khi chấn thương mắt xảy ra.
Nếu phân loại theo giải phẫu thì chấn thương mắt bao gồm 2 loại: chấn thương nhãn cầu: chấn thương đụng dập, chấn thương xuyên, chấn thương thủng, chấn thương xuyên và thủng loại có và không có dị vật nội nhãn; chấn thương phần phụ nhãn cầu: chấn thương mi, hốc mắt, đường lệ
Chấn thương nhãn cầu nguy hiểm hơn do tác nhân chấn thương gây hại trực tiếp cho cơ quan thị giác. Chấn thương phần phụ nhãn cầu có phần nhẹ nhàng hơn vì không gây hại trực tiếp cho mắt nhưng cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây khó chịu hoặc gây mất thị lực thông qua các tổn thương gián tiếp.
Cần sử dụng kính bảo hộ để bảo vệ mắt. |
Đối tượng nào dễ bị chấn thương mắt?
Bệnh nhân đến khám bệnh do chấn thương chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đến khám. Các hình thái tai nạn mắt hay gặp xếp theo thứ tự giảm dần là: tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn do vui chơi, do hỏa khí: bị tấn công, đi săn. Như vậy tai nạn sinh hoạt hay lao động là hay gặp nhất. Lý do đơn giản là chúng ta dành 8-10 tiếng để lao động kiếm sống hoặc làm việc nhà, đồng áng (đối với nông dân và nội trợ).
Chấn thương mi mắt: mi mắt là cơ quan bảo vệ nhãn cầu. Nhờ có phản xạ chớp hay nhắm chặt của mi mắt mà các sang thương cho mắt được nhẹ đi phần nào. Tuy nhiên chính mi mắt cũng hay bị tổn thương do tai nạn. Chấn thương mi gây chảy máu nhiều, gây di lệch biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Ngoài ra chấn thương mi còn có thể gây ảnh hưởng đến che chở bảo vệ nhãn cầu và dẫn lưu nước mắt, là nguy cơ tiềm tàng gây giảm thị lực và khó chịu cho người bệnh. Nguyên tắc để xử trí chấn thương mi là: ưu tiên xử lý viết thương nhãn cầu trước, vết thương mi sau, cầm máu, phục hồi giải phẫu trước rồi đến phục hồi chức năng.
Trước hết là khẩn trương nhưng không nên hoảng hốt, bấn loạn. Muốn như vậy phải có kiến thức sơ cứu tối thiểu. Nên dùng bông gạc sạch hoặc khăn sạch băng che mắt, không đè ấn vào mắt, không xối rửa mắt trừ trường hợp bị bỏng. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa mắt.
Chấn thương ảnh hưởng đến nhãn cầu: là chấn thương đã ở mức độ nặng thì việc cần làm ngay vẫn là tự sơ cứu như trên sau đó phải đến khám ngay bác sĩ mắt. Chấn thương nhãn cầu nếu có thường biểu hiện ngay bằng nhìn mờ, đôi khi là mờ tịt hoặc mất nhận thức ánh sáng. Kèm theo đau nhức ít nhiều. Với chấn thương đụng dập vấn đề phẫu thuật cấp cứu hiếm khi được xem xét. Thế nhưng với hình thái chấn thương xuyên, thủng, có dị vật và không có dị vật nội nhãn thì phẫu thuật cấp cứu là việc phải tiến hành ngay với mục đích: ngăn ngừa việc thất thoát mô và tổ chức của nhãn cầu, chống vi khuẩn thâm nhập vào môi trường nội nhãn, phục hồi giải phẫu của nhãn cầu. Có như vậy mới hy vọng cứu vãn được phần nào thị lực.
Cách xử trí khi bị chấn thương vùng mắt
Khi có dị vật chui vào mắt: bụi, côn trùng, cát... khi vào mắt có thể làm rách giác mạc và kết mạc. Trong trường hợp này, chỉ cần nhỏ những loại thuốc có tính năng rửa mắt, các loại kháng sinh thông thường hoặc nước muối sinh lý. Nên nhúng mắt vào một bát hoặc thau nước lạnh sạch để dị vật rơi ra; không được dùng tay dụi mắt hoặc dùng bông gòn, giấy để lấy dị vật ra vì điều đó có thể làm mắt nhiễm trùng và dị vật chui sâu thêm vào bên trong. Cũng không được tự ý mua kháng sinh về nhỏ mắt.
Khi mắt bị vết thương xuyên thủng, chảy máu: chỉ có thể dùng gạc hay bông băng sạch để băng cầm máu lại. Nếu mắt sưng phồng lên và đau nhức dữ dội do bị va chạm mạnh (bị đấm, bóng đập trúng mắt), có thể cho nạn nhân dùng thuốc giảm đau và chuyển đến cơ sở y tế.
Khi bị hóa chất văng vào mắt: ngâm hẳn mắt vào thau nước sạch hoặc dưới vòi nước trong 20-30 phút để loại hóa chất ra ngoài.