Vụ Pháp chế - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin ý kiến về đề xuất quản lý lái xe ô tô bằng hình thức ban hành phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) của ngành công an.
Nhiều đơn vị cho rằng đề xuất vừa thiếu tính khả thi vừa lãng phí, lại không giúp ích gì cho việc ngăn ngừa tai nạn giao thông (TNGT).
“Giấy phép con” để lái xe
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2000, vấn đề phiếu KSLX đã được đặt ra tại các buổi họp giữa Bộ Công an, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, qua phân tích, các cơ quan cho rằng phương án không khả thi, xếp lại. Nhưng gần đây, ngành công an tiếp tục đề xuất nên Bộ GTVT đã giao cho Vụ Pháp chế lấy ý kiến của các cơ quan chức năng nghiên cứu về tính pháp lý của đề xuất trên.
Theo các chuyên gia, đề xuất trên không phải mới vì từ năm 1991 trở về trước, lái xe ngoài việc phải có bằng lái còn phải có thêm phiếu KSLX (thời hạn ba năm) do công an cấp mới được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đó, trong quá trình tham gia giao thông, CSGT phát hiện người lái xe vi phạm thì ghi vào phiếu KSLX. Đồng thời, thu giữ tờ phiếu đó để quản lý người lái xe vi phạm nhằm theo dõi giáo dục. Khi đã bị thu giữ hết ba tờ phiếu ghi vi phạm luật lệ giao thông trong phiếu KSLX, người lái xe phải đến phòng CSGT để xin lại. Ngược lại, CSGT cũng sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để cấp lại, hoặc xử lý thu hồi có thời hạn hoặc không có thời hạn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, thông tin: Đến năm 1992, do thấy không còn phù hợp nên quy định về phiếu KSLX đã bị bãi bỏ. Hiện nay, người lái xe ô tô chỉ cần có bằng lái phù hợp là được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Việc ban hành phiếu KSLX sẽ không mang lại hiệu quả trong bảo đảm an toàn giao thông, mà ngược lại gây phiền hà cho người dân
Phiền hà, lãng phí, thiếu hiệu quả
Tại văn bản góp ý về tính pháp lý của đề xuất trên, Tổng cục Đường bộ khẳng định: “Việc ban hành phiếu KSLX sẽ không mang lại hiệu quả trong bảo đảm an toàn giao thông, mà ngược lại gây phiền hà, bức xúc cho người dân, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Đồng thời sẽ đi ngược lại xu thế hội nhập quốc tế, lại dễ bị kẻ xấu làm giả, gây khó khăn cho công tác quản lý người lái xe”.
Về tính pháp lý của phiếu KSLX, Tổng cục Đường bộ cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định nào cho phép thực hiện. Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định người lái xe khi điều khiển xe cơ giới phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển mà không quy định có phiếu KSLX. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định xử phạt đối với phiếu KSLX.
Theo Tổng cục Đường bộ, hiện trên thế giới không có nước nào sử dụng phiếu KSLX. Việc KSLX được thực hiện bằng dữ liệu lưu trữ thông tin nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng này giúp ngành công an có biện pháp quản lý, theo dõi thích hợp; giúp đơn vị sử dụng người lái xe và người có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu những thông tin cần thiết, phục vụ công tác quản lý, đào tạo; lực lượng tuần tra kiểm soát cũng có đủ điều kiện kiểm tra, phát hiện việc sử dụng giấy phép lái xe giả.
“Hiện nay, tùy mức độ vi phạm, người lái xe có thể bị phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày, 60 ngày hoặc không thời hạn. Các mức xử phạt trên là phù hợp, đủ sức răn đe để yêu cầu người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Người vi phạm bị thu giữ giấy phép lái xe không được phép điều khiển phương tiện trong thời gian thu giữ. Hơn thế nữa, muốn nhận được giấy phép lái xe, người vi phạm còn phải học và thi lại môn Luật Giao thông đường bộ do ngành công an tổ chức. Vì vậy, không cần phải có phiếu KSLX, nhất là khi ngành giao thông đang thực hiện việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết” - Tổng cục Đường bộ khẳng định.
Hiện cả nước có trên 30 triệu giấy phép lái xe các loại, nếu ban hành trên 30 triệu phiếu kiểm soát sẽ gây tốn kém về thời gian, chi phí của Nhà nước và người dân.
Những tốn kém được thể hiện là:
+ Về phía Nhà nước: Sẽ phải mất hàng chục tỉ đồng để thực hiện việc thiết kế mẫu, in ấn; đồng thời phải tăng thêm bộ máy nhân sự để thực hiện việc cấp và xử lý phiếu KSLX.
+ Về phía lái xe: Mất thời gian và xăng xe để đi lại xin phiếu KSLX.
+ Ngoài ra, việc ban hành phiếu KSLX dễ dẫn đến tiêu cực, hình thành cơ chế xin-cho.
Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học để ngăn chặn sự gia tăng của TNGT là điều hết sức cần thiết, rất đáng phải làm, nhất là trong bối cảnh hiện nay mỗi năm ở nước ta có đến 12.000 người chết vì TNGT.
Tuy nhiên, đề xuất và nghiên cứu các giải pháp cũng là một hoạt động tiêu tốn thời gian và tiền bạc của Nhà nước, vì thế để tránh lãng phí đòi hỏi những đề xuất đó cũng phải trúng và đúng.
Thế nhưng thực tế những năm qua vẫn có nhiều đề xuất không đúng, không trúng làm dư luận bức xúc như ô tô, xe máy lưu thông theo biển chẵn, biển lẻ; cấm đăng ký xe máy tại các quận nội thành… Điều tất yếu là những đề xuất trên cuối cùng đều không thể thực hiện được hoặc có thực hiện rồi cũng phải bãi bỏ.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất phiếu KSLX rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Tất cả văn bản, giấy tờ góp ý cho vấn đề trên rồi cũng sẽ yên vị… trong tủ. Giá như thời gian, công sức cho việc nghiên cứu những đề xuất chưa đúng, chưa trúng ấy dùng vào việc nghiên cứu những vấn đề thiết thực hơn như vì sao tay nghề lái xe kém, có phải do còn nhiều tiêu cực trong công tác đào tạo; phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải, uống rượu bia có phải do xử lý chưa nghiêm hay do vấn nạn dấm dúi mãi lộ…? Nghiên cứu những vấn đề đó rồi đề ra giải pháp có lẽ sẽ tốt và góp phần nhiều hơn trong việc giảm thiểu TNGT.