LAI LÁNG MIẾNG ĂN BÉ BỎNG

 

Trái cấm đầu tiên đời tôi là hồi tôi mới đi học lớp đồng ấu (lớp 1 bây giờ) trường làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, năm 1938. Vì đã no đủ, tôi đi học không một xu dính túi. Giờ chơi, tôi chỉ dòm các bạn xúm xít chung quanh rổ bánh mì mỡ hành chan nước mắm dưa chua. Ban đầu tôi thấy ghê ghê, vì mọi thứ đều có vẻ dơ dơ. Nhưng khi nhìn thấy các bạn cầm miếng bánh mì xẻ làm tư đút vào họng, cắn xuống một cái, làm đôi mắt chúng như dại đi, nước mắm tuôn chảy từ hai bên mép xuống cằm ướt áo mà không hay, rồi phồng má nhai ngấu nghiến, nước bọt trong miệng tôi bỗng tứa ra làm tôi nuốt ừng ực. Một đứa bạn hảo tâm thấy tôi thèm, bèn hỏi thăm: “Hổng có tiền hả? Nè tao cho cắn một miếng, bữa khác cho tao cắn lại nha!”. Tôi không đủ sức từ chối, nhắm mắt cắn. Cửa trời như mở ra! Một hương vị thơm béo chưa từng biết nâng hồn tôi lâng lâng, làm vô vị bánh mì chấm sữa ăn sáng ở nhà.

Hôm sau, tôi vòi cho được đồng xu mới chịu đi học. Má tôi trừng mắt hỏi để làm gì? Tôi nũng nịu nói mấy đứa bạn trong lớp đều có một hai xu trong túi. Phản xạ không chịu nổi con mình thua sút bạn bè làm má tôi móc túi đưa đồng xu mới rồi căn dặn: chiều trả lại má để sáng mai má đưa cho bỏ túi. Chạy thẳng một mạch tới trường gần nhà, cất cặp xong, tôi háo hức tham gia mua quà. Hãnh diện đưa đồng xu mới, tôi trân trọng đón nhận bánh mì xanh rì mỡ hành và thấm đẫm nước mắm, với nửa xu thối lại. Mê ly trong cái ngon khó tả, tôi vẫn không quên đền ơn đáp nghĩa anh bạn thảo ăn. Với nửa xu còn lại, trưa tôi ăn me ngào đường thốt nốt, ăn xong liếm lá chuối không thôi.

Chiều về tôi lẩn tránh má tôi. Sau vài lần, bà bỗng sực nhớ đòi lại tiền, tôi nói dối đã bỏ ống. Sau đó lựa dịp bà vui, tôi thỏ thẻ than đi học sao mau đói bụng quá, mà vẫn được “đít poong” (10 điểm) trả bài ron rót. Đó là nhờ ra chơi, con ăn bánh mì mỡ hành (giấu chuyện nước mắm dưa chua) no bụng trở vô lớp, cô hỏi, con giơ tay hoài, cô thương con lắm! Má tôi đành chấp nhận chuyện xé rào hợp lý, chỉ khuyên tránh mấy thứ cóc, ổi, me ngào, ăn vô té re liền.

Được hợp thức hóa ngoài mong đợi, tôi lên đời ăn món cao cấp là “mì ngót” của chú chệt bán buổi chiều giờ tan trường. Thật ra tên nó là ngọt, gồm vài sợi mì luộc, chan nước đường thẻ, một xu một chén nhỏ, mà chúng tôi gọi trại ra như vậy. Sợi mì ăn thấy rõ mùi trứng và nước đường ngọt, thơm mùi gừng và thoang thoảng mùi ngũ vị hương. Trường tôi có lẽ là chỗ nghỉ chân của chú chệt, trước khi gánh đi nơi khác bán tới khuya, như mấy đứa gặp chú kể lại. Chú là người Hoa rặt, không biết tiếng Việt, nhưng đến rất đúng giờ. Cứ khoảng 5 phút trước trống tan học, dòm ra là thấy chú đang chờ. Tôi phải hy sinh ăn sáng trưa để chiều ăn chén mì đáng đồng tiền bát gạo. Một bữa chiều nọ, trời mưa không lớn, nhưng cô vẫn giữ lại chúng tôi không cho ra, chờ mưa tạnh bớt. Bỗng sét trời đánh xuống cây còng, ngay chỗ chú lóm thóm tránh mưa dưới cái nón chỏm Tàu xòe ra to bằng cái sàng. Thấy chú nằm cong queo giữa đống vụn gánh mì, nhiều đứa khóc ré vì sợ hơn là thương cảm chú bán hàng tốt bụng, không bao giờ tiếc cho thêm muỗng nước đường, để húp cho đã.

 

Bánh khọt. Ảnh: amthuc.com.vn

Thứ năm, chủ nhựt nghỉ học, tôi òn ĩ xin má tôi hai xu để ăn bánh khọt của má con Bảy ở trại lính Nhựt bên nhà. Lần đầu má tôi ngần ngừ, rồi không hiểu sao, vẫn đưa tôi hai xu và căn dặn: “Ăn có người lạ, phải giữ cho có nết, có na”. Vừa thấy tôi, dì má con Bảy liền kêu: “Chèng đéc ơi, bữa nay có cậu Hứa ra ăn nữa cà!”. Con Bảy lăng nhăng, miệng cười toe, đưa đòn ghế cho tôi ngồi. Chung quanh tôi toàn là người lớn hơn tôi, kể cả những đứa chín, mười tuổi. Bỗng tôi có trực giác dì dành mẻ đúc này cho tôi, qua ánh mắt dì liếc tôi và nụ cười trễ trễ cái môi.

Quả thật, dì cầm cục mỡ gắn xiên qua chiếc đũa tráng cẩn thận khuôn bánh, rồi múc bột đổ đầy hơn mấy cái tôi thấy nãy giờ. Đậy nắp xong, dì rảnh tay nói bâng quơ với mấy người chung quanh: “Bà Họa đồ nghiêm lắm, toàn kêu đem tới nhà, chớ không cho con ra đường ăn bao giờ. Bữa nay bộ trời sắp mưa hay sao mà cẩu được ra đây”. Tôi làm lơ như dì nói ai đâu. Một lát dì giở nắp ra, bánh đã chín gần hết, chỉ còn một lũm bột còn lỏng ở giữa, dì bèn múc nước cốt dừa trộn hành lá xắt nhỏ đổ vào từng cái bánh đậy nắp lại. Nửa phút sau dì lại giở nắp ra. Nước cốt dừa đặc sánh bám vào mặt bánh, như kem sữa tươi trên bánh ga tô.

Dì lấy dao tre chuốt mỏng quay chung quanh khuôn một vòng, rồi nạo từng bánh khọt vừa chín đạt yêu cầu đem đặt trên đĩa, đít bánh vừa nám sương một lớp cháy mỏng đem nửa đen nửa vàng, thân bánh nung núc hình bán cầu đầy đặn. Tôi đón nhận đĩa bánh với chén nước chấm pha nước dưa chua được dì ưu ái thêm cho một ít nước cốt dừa tươi cho béo, với nụ cười phấn khởi đầy lòng biết ơn. Ăn xong, tôi quẹt mỏ trả tiền nở nụ cười toe toét, với lời bình: “Ăn quá đã”, làm dì hả hê.

Năm 1941, tôi học chưa hết lớp sơ đẳng của thầy Lê Văn Dều kính yêu, thì ba tôi xin hưu trí non, đưa gia đình rời Rạch Giá, thiên đàng của ẩm thực với thủy hải sản thừa mứa, heo, bò, thú rừng phủ phê, gạo trắng cơm dẻo và nước mắm hòn nổi tiếng, nhà hàng Tây (Bar Đồng Lạc), Tàu, ta sẵn sàng chế đủ sơn hào hải vị, để ra Long Xuyên ở lẫm lúa, ăn gạo đỏ với cá đồng, mắm lóc, sặc quanh năm, quà bánh không nhiều - mà ít khi qua ngang nhà tôi, ngoài gánh chí mà phù của chú chệt già, mấy thùng đậu phộng rang của hai bà xẩm, và mấy xuồng bánh đúc, bánh khọt lượn lờ dưới sông.

LÂM VÕ HOÀNG


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27333
Số người truy cập:
9278344