Ngày 28-12, phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2010 tổ chức ở Hà Nội, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã thường xuyên thay đổi phương thức, chiến thuật tuần tra nhằm kiểm soát tình hình trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, phương pháp của công an tỉnh này khiến nhiều đại biểu ngạc nhiên.
Câu chữ chưa chuẩn xác
Công an tỉnh Đồng Nai đang áp dụng 3 phương pháp đo tốc độ của lái xe, trong đó có 2 phương pháp tạo điểm đo tốc độ giả để đánh lạc hướng lái xe. CSGT tỉnh Đồng Nai sẽ cho một ô tô đậu bên lề đường tạo điểm đo giả cách tổ tuần tra kiểm soát khoảng 1 km, sau đó chọn vị trí thích hợp sát lề đường có điểm che khuất không để lái xe phát hiện máy đo và bố trí thêm một tổ tuần tra kiểm soát cách điểm đo thật khoảng 3-4 km để xử lý xe vi phạm.
CSGT tỉnh Đồng Nai từng bị dư luận phản ứng vì làm việc trong “lô cốt”. Ảnh trích từ video clip
Với cách làm này, các tài xế sẽ chủ quan vì nghĩ rằng đã đi qua điểm đo tốc độ nên sẽ chạy xe quá tốc độ. Một cách nữa được Công an Đồng Nai cho rằng đạt hiệu quả cao.
Đề nghị nâng mức xử phạt
Phát biểu chỉ đạo, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết một bộ phận giới trẻ hiện có tâm lý lợi dụng lúc đường vắng CSGT để đua xe, đánh võng trên đường. Đồng thời, các vụ việc chống đối người thi hành công vụ ngày càng trở nên nghiêm trọng và diễn ra ở nhiều nơi. “Các đối tượng này cần phải được xử lý nghiêm minh” – ông Tiệm chỉ đạo. Theo ông, thời gian qua có một số chiến sĩ gặp tai nạn hoặc tử vong khi truy đuổi đối tượng xấu, việc làm này là chưa thật sự cần thiết. “Với các đối tượng này, chúng ta có thể ghi lại hình ảnh, biển số để tiến hành lập biên bản, xử phạt, tránh trường hợp truy đuổi gây nguy hiểm không đáng có cho bản thân mình” - Thượng tướng Lê Thế Tiệm nói.
Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng chế tài xử lý đối với các lái xe, đặc biệt là xe khách đường dài, chưa đủ sức răn đe và mới chỉ chú ý tới xử phạt bằng vật chất. Ông Dũng đề nghị cơ quan liên quan xây dựng văn bản nâng mức xử phạt và tạm giữ giấy tờ xe lên 90 - 120 ngày thay vì 30 - 60 ngày như hiện nay. Theo ông Dũng, các ngành cần phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thống nhất trên cả nước, tài xế nào vi phạm tới lần thứ 3 là có thể thu giấy phép lái xe.
|
Đó là ở những đoạn đường ngắn trên khoảng cách từ 10-25 km, bên cạnh một ô tô đậu ven đường tạo điểm đo giả, bố trí CSGT ở một điểm thích hợp để lái xe không phát hiện.
Khi tổ tuần tra kiểm soát nhận được tin báo xe vi phạm thì dừng phương tiện và xử lý nhanh, sau đó tiếp tục chờ thông tin mới. “Lái xe khi đi qua tổ tuần tra kiểm soát công khai nghĩ rằng không còn CSGT làm nhiệm vụ nữa nên sẽ vi phạm tốc độ” – đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho biết.
Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an, cho rằng lực lượng CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát trên đường có thể áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Khi tiến hành kiểm soát, xử lý tốc độ đối với các phương tiện, có thể đứng tại nhiều vị trí khác nhau để tiến hành xử phạt.
Theo ông Dũng, thời gian qua, CSGT tỉnh Đồng Nai đã làm rất tốt nhưng báo cáo của công an tỉnh này đã dùng câu chữ chưa chuẩn xác nên dễ gây hiểu lầm. “Không có chuyện CSGT dùng biện pháp nghiệp vụ để đánh lừa lái xe” - ông Dũng khẳng định.
Đo nồng độ cồn, nên hay không?
Tại hội nghị, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục kiến nghị Bộ Công an và Bộ Y tế sớm có thông tư liên tịch xác định nồng độ cồn trong máu để làm căn cứ pháp lý xử lý người vi phạm giao thông. Hơn 2 năm qua, công an tỉnh này đã phối hợp với ngành y tế địa phương tiến hành lấy máu đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia chứ không đo bằng máy đo hơi thở.
Thượng tá Huỳnh Tiến Mạnh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết khi phát hiện người có biểu hiện say rượu qua mắt thường, CSGT dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ.
Sau khi thu thập thông tin cá nhân, tổ trưởng tổ tuần tra lập phiếu đề nghị chuyển giao cho bác sĩ tham gia cùng tổ công tác xét nghiệm nồng độ cồn thông qua mẫu máu. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Y tế từng cho rằng biện pháp này tuy mang lại hiệu quả cao nhưng không nên áp dụng đại trà vì nhiều lý do, chưa kể nhiều trường hợp có thể tụt huyết áp, ngất xỉu khi bị lấy máu.