Lạ lùng: Dự án sân golf mọc ra biệt thự

Trao đổi với PV về khả năng “bùng nổ” lại sân golf, ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng trước khi phê duyệt sân golf nên biết diện tích đất trên đầu người ở VN đang thuộc dạng thấp nhất châu Á. Ông Hùng nói:

- Tôi không phản đối việc xây dựng sân golf vì đó là một loại hình thể thao hội nhập. Các nhà ngoại giao, các nhà đầu tư đến VN rất đông, không lẽ để họ phải đi ra nước ngoài đánh golf? Tất nhiên, người VN chơi golf đều thuộc dạng “nhà có điều kiện” vì không ai đi chơi golf bằng xe đạp, xe máy mà phải đi bằng ôtô, cũng không ai tự vác đồ của mình mà phải thuê người vác...

Nhưng vấn đề là xây dựng ở đâu, số lượng thế nào. VN đất chật, diện tích mét vuông đất trên đầu người của chúng ta thuộc dạng thấp nhất ở châu Á. Vì vậy, nguyên tắc là phải tiết kiệm đất đai.

Lạ lùng: Dự án sân golf mọc ra biệt thự, Tin tức trong ngày, san golf, biet thu, khu do thi, bat dong san, tin tuc, tin hot, tin hay

Ông Trần Ngọc Hùng

Thưa ông, hiện VN có rất nhiều sân golf, nhưng cũng rất nhiều sân golf mà doanh thu từ người chơi golf không nuôi nổi nó. Mục đích chính của nhiều sân golf là bất động sản?

- Tôi biết nhiều sân golf không nuôi nổi nó, nên nhiều hội thảo đã đề nghị phải làm rõ mục tiêu xây sân golf khi có những sân golf bé tí nhưng có tới vài trăm biệt thự. Các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào sân golf thì họ phải tính hiệu quả kinh tế, không có hiệu quả họ sẽ không làm. Vậy thẩm định của Nhà nước cũng phải làm rõ hiệu quả kinh tế nhà đầu tư tính đến là cái nào rồi mới cấp phép.

"Việc điều chỉnh liên tục nhiều loại quy hoạch, rõ ràng tầm nhìn, cách quy hoạch của ta rất yếu kém. Công tác lập, thẩm định chưa tốt, dẫn tới một loạt quy hoạch nhà máy đường, ximăng và sân golf rất kém nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm, không thấy ai bị xử lý".

Ông Trần Ngọc Hùng (chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN)

Hiện một số sân golf nhưng không phải là sân golf mà là các dự án biệt thự, nhà ở, không cẩn thận sẽ biến thành các khu đô thị con. Trong khi đó, sân golf là một loại hình thể thao được hưởng nhiều ưu đãi, kể cả thuế. Nếu là kinh doanh bất động sản trong sân golf thì thuế phải khác, các cơ chế phải khác.

Có ý kiến đề nghị cần đưa quy định cấm bán nền, cho thuê dài hạn đất để ở trong khu sân golf khi đó dự án sân golf sẽ tự “biến mất”?

- Hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã cấm phân lô chia nền bán đất biệt thự trong sân golf. Tuy nhiên, quyết định này vẫn cho phép cho thuê đất trong khu vực sân golf, nên nhiều người sẵn sàng thuê nhà ở, biệt thự trong sân golf với thời hạn 30-40 năm, thực chất là biến công trình trong sân golf thành đất tư. Đã có một số sân golf làm việc này rồi.

Tôi cho rằng cần kiên quyết với mục tiêu trong sân golf chỉ có các công trình phụ trợ cho sân golf, như ăn nghỉ nhất thời. Những công trình khác thì phải làm dự án khác. Không thể cho phép cho thuê đất để “nghỉ” trong sân golf mấy chục năm được.

Bộ Kế hoạch - đầu tư sau đợt rà soát gần đây kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung quy hoạch 33 sân, nâng tổng số sân golf lên 118. Ông có cho số đó là quá nhiều?

- Vấn đề vẫn là cung cầu ra sao và địa điểm nào. Sân golf khác với những lĩnh vực đầu tư khác là nó sử dụng diện tích rất lớn. Tôi cho rằng vấn đề là lựa chọn địa điểm để biến nguồn đất ấy hiệu quả hơn cho đất nước thì không ai phản đối. Chỗ bãi cát, đồi trọc không thể đặt nhà máy, khu dân cư, không trồng lúa được thì nên làm.

VN có nhiều chỗ có thể phát triển sân golf được nên không có lý gì lại đặt sân golf ngay giữa đồng bằng sông Hồng, vừa mất lúa và cảnh quan cũng không phù hợp. Tôi nghĩ hoặc cạnh biển hay là vùng đồi núi chứ đừng làm trên đất lúa.

Ông nói nơi nên làm sân golf ở ven biển, vùng đồi. Mới đây tại một số nơi như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Gia Lâm cũng được bố trí sân golf, như thế có hợp lý?

- Tôi nghĩ việc đặt sân golf ở đâu phụ thuộc cung cầu, nhưng tôi cũng xin nói thêm là rất ít nước trên thế giới đưa sân golf vào trung tâm vì nó chiếm diện tích rất lớn. Đặt sân golf ở vị trí nào là cực kỳ quan trọng, phải tính toán kỹ lưỡng vì bản thân những người chơi golf cũng không thích có sân golf ở trung tâm.

Về quy hoạch đất, đặt một sân golf quy mô lớn ở trung tâm thành phố thường không ai làm vì chiếm rất nhiều đất.

Quyết định của Thủ tướng nêu rất rõ sân golf không được dùng đất lúa hai vụ, nhưng ngay ở Hà Nội cũng có một dự án sân golf phải thu hồi đất lúa hai vụ của dân. Ông thấy vấn đề này thế nào?

- Làm sân golf phải theo những tiêu chí nhất định, quy định đã ra rồi thì phải thi hành. Nhưng đang có sự lẫn lộn mà có thể người ta lợi dụng, là khu đó quy hoạch vài năm tới sẽ không trồng lúa nữa. Và người ta nói đó là đất không phải trồng lúa. Chính sách phải quy định rạch ròi hơn điều này.

Tôi nghĩ trước khi phê duyệt cái gì liên quan chặt chẽ đến đời sống của dân, cán bộ nên nghĩ dân đang thiếu cái gì nhất. Tôi thấy Hà Nội và TP.HCM không thiếu sân golf, nhưng cực kỳ thiếu chỗ chơi cho giới trẻ và chỗ dạo cho người già. Diện tích cây xanh trên đầu người cũng rất thấp. Cả quận Long Biên đã có đủ chỗ chơi cho các cháu chưa mà cứ mải chạy theo loại hình sân golf? Hay đầu tư vào đó là có biệt thự, khách sạn, nhà ở?

Cái tôi đang lo là sân golf ở đó không phải vì chơi golf mà vì giá 1m2 biệt thự ở đó ít cũng phải 40-50 triệu đồng.

Theo ông, có nên thuê tổ chức độc lập thẩm định trước khi cấp phép sân golf?

- Vấn đề đó hiện nay chúng tôi đang kiến nghị. Trong những trường hợp chiếm dụng diện tích đất lớn, phải di dân lớn thì nên có thẩm định độc lập, tham gia của người dân hay của các nhà khoa học. Đối với sân golf có thể tùy tầm cỡ, nếu các dự án lớn thì các hội lớn ở trung ương có thể tham gia, nếu dự án nhỏ thì nên để các hội khoa học địa phương thẩm định. Nếu chỉ các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư sẽ khó khách quan.

Hiện nay, nói thật, chỉ một vài lãnh đạo địa phương đồng tình thì cơ quan nhà nước nào thẩm định sân golf cũng khó lòng mà không hợp lý.

Chưa được bổ sung sân golf

Ngày 3-7, trả lời câu hỏi của PV về việc nhiều tỉnh có đề nghị bổ sung quy hoạch sân golf, ông Nguyễn Xuân Phúc (ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) khẳng định: Tại thời điểm hiện nay, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành vẫn phải thực hiện đúng các quy định trong quyết định về việc phê duyệt quy hoạch sân golf VN đến năm 2020.

“Chính phủ chưa xem xét quyết định bổ sung bất cứ sân golf nào nằm ngoài quy hoạch nêu trên”- ông Phúc nói.

Năm 2009, VN đã quy hoạch 166 sân golf, trong đó nhiều sân golf được xây dựng ngay trên đất bờ xôi ruộng mật. Ngay sau đó, Thủ tướng đã ra quyết định số 1946/2009 phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, và loại ra khỏi quy hoạch 76 sân, thu hồi trên 15.000ha đất các loại. Thế nhưng, báo cáo mới nhất của Bộ KHĐT lại cho thấy số sân golf đang có xu hướng tăng rất mạnh.

Theo báo cáo này, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1946/2009, đến nay VN có 24 sân golf đang hoạt động, 25 sân khác đang xây dựng; 13 sân đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 23 sân đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Trừ năm sân mới bị tiếp tục đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch, VN chính thức còn 85 sân golf trong quy hoạch.

Bộ KHĐT cho biết ngoài sân golf trong quy hoạch, VN còn tới 27 sân golf (thuộc 13 tỉnh) nằm... ngoài quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt (trong đó nhiều nhất là Phú Quốc, Kiên Giang với năm dự án). Trong số 27 dự án này, có năm dự án sân golf đang triển khai xây dựng; năm dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bộ KHĐT cho rằng trách nhiệm trước hết do các tỉnh đã không thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng.

Đến nay, nhiều tỉnh vẫn tiếp tục mong muốn có sân golf trong khi quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đã nêu rõ đến năm 2020 VN dự kiến chỉ có 90 sân golf. Bộ KHĐT cho biết đã nhận được tờ trình của các địa phương, theo đó các tỉnh đề nghị bổ sung tới... 12 sân golf vào quy hoạch. Đáng lưu ý, có nhiều tỉnh nông nghiệp, nhiều đất đai màu mỡ như: Thái Bình, Thanh Hóa hoặc nằm ngay sát sân golf của tỉnh khác như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đắk Lắk.

Như vậy, nếu tính cả số sân golf trong và ngoài quy hoạch cùng số vừa đề nghị bổ sung, tổng số các dự án sân golf “có mặt” tại thời điểm 2011 đã lên đến 124.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27128
Số người truy cập:
9278068