Dấu hiệu ban đầu
Ông Khánh cũng khẳng định, đối với loài tê giác Java - tê giác một sừng của Việt Nam, từ đầu những năm 1980 trở về trước không có một tài liệu nghiên cứu nào. Mãi đến năm 1988, khi đồng bào dân tộc sống trong vùng rừng huyện Cát Tiên và Bảo Lộc báo có dấu chân thú lạ, nghi là của loài thú lớn, thú cổ... thì lúc này các cơ quan chức năng và lực lượng kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng mới chú ý. Sau khi thực hiện điều tra, theo dấu chân tê giác hàng năm trời, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định còn một quần thể tê giác ở khu vực rừng Cát Lộc, thuộc vườn quốc gia Cát Tiên.
Tiến sĩ Sarah Brook và Simon Mahood (từ phải sang) cùng hai chú chó nghiệp vụ đi tìm dấu vết tê giác - Ảnh tư liệu
Lúc này vấn đề bảo vệ loài tê giác một sừng mới được quan tâm. Một số chuyên gia về tê giác ở các nước được mời qua giúp Việt Nam nghiên cứu. Đầu những năm 1990, ông Haryono, chuyên gia về tê giác một sừng của vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia, nơi hiện còn khoảng 60 cá thể tê giác một sừng), đã cùng các cán bộ kiểm lâm đi sâu vào khu rừng Cát Lộc.
Cuối cùng nhóm nghiên cứu khẳng định có một quần thể tê giác Java - tê giác một sừng của Việt Nam - sinh sống tại đây và đang trong tình trạng “cực kỳ nguy cấp” cần được bảo vệ. Các cán bộ kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng khoanh vùng tê giác sinh sống bằng cách thấy dấu chân tê giác đi tới đâu thì khoanh rừng đến đó.
Năm 1992, khu bảo tồn tê giác Cát Lộc được hình thành gồm diện tích rừng thuộc địa bàn hai huyện Cát Tiên và Bảo Lộc rộng khoảng 30.000ha. Lúc ấy chỉ có bảy cán bộ và nhân viên bảo vệ trông coi toàn bộ khu rừng này. Đến tháng 12-1998, khu bảo tồn tê giác Cát Lộc mới được sáp nhập vào vườn quốc gia Cát Tiên. Khi sáp nhập, khu Cát Lộc vẫn còn những hộ đồng bào dân tộc người S’Tiêng, Châu Mạ... sinh sống tại thôn 3, 4, 5 (nay là xã Đồng Nai Thượng) và thôn K’Lút. Ngay sau đó, ông Trần Văn Mùi (giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên lúc đó) nhanh chóng bố trí một hạt phó hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên cùng 30 kiểm lâm viên và xây dựng sáu trạm kiểm lâm (Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Sơn, Bến Cầu, Bù Sa, Lộc Bắc) để bảo vệ quần thể tê giác.
Xuất hiện và biến mất
Cuối năm 1999, vườn quốc gia Cát Tiên đã cho thành lập hai đội tuần tra giám sát tê giác. Thông qua Quỹ Chiến lược hành động voi và tê giác châu Á (thuộc WWF), Quỹ Hổ và tê giác của Tổ chức Động vật hoang dã và cá (Mỹ), hai đội tuần tra và giám sát đã sử dụng bẫy ảnh (camera trapping) để chụp ảnh tê giác. Kết quả tháng 5-1999, chụp được tất cả bảy tấm hình đầu tiên của tê giác một sừng từ bẫy ảnh.
Ông Phạm Hữu Khánh nhớ lại khi thăm bẫy ảnh biết đã chụp được tê giác, ông mừng đến phát khóc. Vườn quốc gia Cát Tiên chính thức công bố có một quần thể tê giác sinh sống tại khu vực Cát Lộc với khoảng 3-5 cá thể. Sau đó cán bộ của vườn tiếp tục chụp hơn 20 tấm ảnh, quay những đoạn phim dài 5 phút về loài tê giác một sừng trong năm 2006. Từ tháng 1-2007 đến hết năm 2008, các cán bộ khoa học và kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục ghi nhận và thu thập được hơn 20 dấu chân và phân của tê giác tại các vùng như đồi điều nhà già làng K’Giang, suối Chín Lưỡng, bàu Đình Rách, Suối Lớn, Suối Tre, bàu khoáng Phước Sơn.
Đặc biệt, thạc sĩ Bạch Thanh Hải, trưởng phòng khoa học hợp tác quốc tế của vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết khoảng tháng 3-2008, nhận được tin báo của người dân về một con tê giác bị mắc bẫy trong rừng, đơn vị tổ chức điều tra ngay. Thế nhưng sau nhiều ngày điều tra, cơ quan chức năng không phát hiện dấu vết của tê giác bị mắc bẫy.
Từ tháng 10-2009, thạc sĩ Bạch Thanh Hải cùng với tiến sĩ Sarah Brook và Simon Mahood (đại diện cho WWF) dùng hai chú chó nghiệp vụ có tên Chevy và Pepper (thuê của Mỹ) để điều tra, tìm kiếm dấu chân, dấu phân của tê giác tại khu vực Cát Lộc. Kết quả qua bốn tháng, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 22 mẫu phân của tê giác tại vùng Cát Lộc. Các mẫu phân này được gửi sang Trường ĐH Queen (Canada) để phân tích ADN xem còn bao nhiêu cá thể tê giác tại vườn quốc gia Cát Tiên.
“Ngay sau chuyến khảo sát và nghiên cứu, tôi và Sarah cùng thống nhất kết luận chắc chắn vườn quốc gia Cát Tiên chỉ còn lại duy nhất một cá thể tê giác. Thế nhưng chúng tôi không dám công bố vì phải đợi kết quả phân tích ADN của các mẫu vật”, anh Hải nói. Và quả thật mọi người đều bị sốc khi cuối tháng 4-2010, bộ xương của con tê giác cuối cùng đã được tìm thấy tại khu Cát Lộc thuộc xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các cán bộ đã tìm thấy một đầu đạn ghim vào xương chân trước bên phải của con tê giác. Qua phân tích ADN từ 22 mẫu phân đã gửi trước đó cùng với mẫu xương của con tê giác đã chết, ĐH Queen kết luận tất cả mẫu vật đều là của một cá thể tê giác. Từ kết quả này, WWF chính thức công bố tê giác một sừng Java đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
“Khi chúng tôi ra hiện trường để gom xương tê giác mang về, mọi người đều buồn, bốc từng mẩu xương mà mắt rưng rưng” - kiểm lâm viên vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Quốc Vinh, một trong những người ra hiện trường đầu tiên, xúc động kể. Tiến sĩ Sarah khi được báo tin thốt lên một tiếng: “Tôi rất thất vọng và giận dữ!”.
Kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an): mẫu vật bằng kim loại đã bị gỉ sét thu được ở bộ xương con tê giác chết tại khu vực Cát Lộc thuộc vườn quốc gia Cát Tiên vào cuối tháng 4-2010 là phần ống chứa thuốc cháy nằm trong lõi đầu đạn của loại đạn vạch đường kính cỡ 7,62mm x 39mm. Đây là loại đạn được sử dụng cho các loại súng quân dụng có cỡ nòng 7,62mm như loại súng AK47, CKC... Vì mẫu vật này đã hoen gỉ nên không đủ cơ sở để cơ quan chức năng giám định truy ra khẩu súng đã bắn con tê giác.