Tôi kết hôn lúc 24 tuổi, chồng 26. Cả hai còn trẻ, rất vô tư và mường tượng sẽ sớm có con cho vui cửa vui nhà vì hai bên nội ngoại đều đông con.
Tháng 5/2012, sau cưới một tháng, tôi cấn bầu. Hai vợ chồng vui lắm, đi khám rất đầy đủ. Một hôm, vào chủ nhật, khi bầu ở tuần 16, tôi đang ngồi cạnh chồng thì tự nhiên thấy bụng mình co thắt rồi nước ộc ra. Chưa có kinh nghiệm, chiều đó tôi vẫn đi dạo ở công viên. Đến tối, không thấy con máy như mọi khi, tôi biết có chuyện chẳng lành nên vào viện ngay. Ngày hôm đó, 1/8/2012, tôi mất con trai đầu lòng.
Đau đớn, có phần hoang mang nhưng vợ chồng tôi động viên nhau "không sao hết". Sáu tháng sau, được tẩm bổ và nghỉ ngơi đủ, tôi tiếp tục "thả" nhưng tới gần một năm vẫn chưa có thai nên quyết định đi canh trứng và bơm tinh trùng để nhanh đậu. Lần thứ 2 này, tôi chủ động đi khám nhưng mắc sai lầm là không tìm hiểu nguyên nhân bị sẩy lần đầu, mà chỉ làm sao cho nhanh có bầu trở lại.
Với các bà mẹ bị hở eo tử cung, việc mang thai và giữ con đủ ngày đủ tháng trong bụng là một hành trình gian nan. Ảnh minh họa: Clark. |
Khi có thai lần hai, tôi được chồng đưa đi đón về cẩn thận, không cho làm việc nhà. Công việc của tôi ở cơ quan khá nhàn, không phải đi lại nhiều. Một ngày, khi thai 16 tuần, tôi đang ngủ thì bụng lại co thắt, nước ối ộc ra. Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong khi mất đứa con thứ hai vào tháng 9/2014.
Khát khao có con càng cháy bỏng, tôi gầy rộc đi vì lo nghĩ. Chị gái tôi đi làm cầu siêu cho các cháu, mẹ đẻ, mẹ chồng thì đến khắp các đền, chùa. Sau hai lần đẻ non, tôi đi kiểm tra kỹ thì mới biết mình bị hở eo cổ tử cung, nếu không có biện pháp can thiệp thì sẽ tiếp tục như vậy.
Tới năm 2016, tôi có bầu lần 3 và tới gặp bác sĩ để khâu eo tử cung như đã hẹn trước đó. Thời gian này, tôi nghỉ hẳn ở nhà, mẹ chồng lên chăm, phục vụ từ ăn uống tới đi vệ sinh, tất cả đều ở trên giường. Mọi người xung quanh đều nín thở chờ đợi.
Rồi tôi cũng qua được mốc 16 tuần. Nhưng bi kịch xảy ra ở tuần thứ 18. Tôi lại bị co thắt và vỡ ối ngay tại nhà. Lần này thì cả hai bên gia đình đều tuyệt vọng, bảo tôi không nên sinh đẻ nữa. Bản thân tôi chỉ muốn chết đi. Nhưng trong viện, khi nghe chị gái thủ thỉ "để chị mang thai hộ cho một đứa", tôi lại lóe lên tia hy vọng.
Tuy nhiên, khi ra viện, bình tâm lại, tôi thấy việc này không khả quan vì chị ấy làm giám đốc mấy công ty, chồng tôi cũng là nhân viên ở đó, giờ mà chị nghỉ sinh con cho tôi thì thì ai lo kinh tế, cả đoàn tàu sẽ chững lại, rối tung hết.
Những ngày tháng sau đó vô cùng nặng nề. Tôi nghĩ ngợi đến u uẩn. Chồng tôi vốn hiền lành, ít khi thể hiện cảm xúc nhưng tôi biết trong lòng anh phiền muộn lắm. Có lúc tôi đề nghị "hay chia tay đi", để anh ấy lấy vợ khác, có con. Lúc khác, tôi lại nửa đùa nửa thật "Hay anh ra cứ ra ngoài kiếm đứa con". Chồng rất hiểu tôi - tính mạnh mẽ và dứt khoát, vốn ghét nhất mấy chuyện vợ nọ con kia - nên anh gạt đi, nói đơn giản "đừng nghĩ quẩn". Thực tế, tôi đã tính cho mình vài phương án: Chia tay chồng rồi ở vậy, nhận một đứa trẻ về nuôi hay lấy một người đàn ông góa đang có sẵn con rồi...
Mẹ chồng tôi rất tốt bụng, không hề gây áp lực, bảo chúng tôi đi xin con nuôi, không đẻ nữa. Không đành lòng, tôi bàn với chồng là nhờ chị gái anh mang thai hộ. Vợ chồng anh chị ấy đồng ý giúp các em ngay.
Sau đó, chúng tôi tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương xin duyệt hồ sơ mang thai hộ. Sau khi hỏi tiểu sử, nghe tôi khóc như mưa, bác giám đốc ký ngay. Vợ chồng tôi làm thụ tinh ống nghiệm, trữ được 8 phôi, đang chờ ngày chuyển sang cho chị gái chồng thì tôi lại cấn bầu tự nhiên vào tháng 10/2016.
Mang thai lần thứ 4, lo sợ sẽ giống những lần trước, vợ chồng tôi bàn bạc nên giữ hay bỏ. Nếu nhờ mang thai hộ, chúng tôi phải đi làm mới có tiền trang trải, ít nhất cũng khoảng 300 triệu - 100 triệu cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, cộng tiền gửi chị chồng mỗi tháng trong quá trình chị phải nghỉ làm dưỡng thai, tiền biếu sau đó. Tôi không muốn anh chị vì chúng tôi mà phải chịu thiệt thòi quá nhiều. Trong khi đó, sau gần 4 năm, tôi hầu như chỉ ở nhà lo sinh nở, gánh nặng kinh tế dồn lên vai chồng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định giữ con với niềm hy vọng mong manh lần này mọi sự sẽ khác.
Biết chuyện, hai bên gia đình vô cùng lo lắng. Em gái tôi xin nghỉ hẳn ở nhà chăm chị 3 tháng đầu và hầu như ngày nào cũng phải ăn "cơm chan nước mắt" khi tôi vì quá căng thẳng nên tính tình bẳn gắt, dễ nổi điên. Cả hai bên gia đình đều "nín thở" chờ đợi, ông bà nội ngoại thì liên tục đi chùa xin cháu. Hàng xóm cũng quan tâm, trợ giúp bất cứ việc gì.
Đến tháng thứ 3, tôi tìm tới gặp giám đốc Bệnh viện phụ sản trung ương, mong bác tư vấn giúp. Bác hẹn tuần 12 quay lại sẽ khâu eo tử cung. Tôi không có mấy hy vọng vì lần trước cũng thực hiện thủ thuật này rồi.
Nhưng đúng hẹn, tôi vẫn tới và được bác giám đốc trực tiếp khâu. Tuần 16 nhẹ nhàng qua đi, tới tuần thứ 18, bụng tôi lại co thắt dữ dội nhưng nằm viện vài ngày thì ổn. Gần tới tuần thứ 26, tôi lại phải nhập viện vì bị dọa đẻ non. Trong viện, tôi được các bác sĩ tận tình chăm sóc, chồng thì ngày nào cũng cơm mang 3 bữa. Anh vừa háo hức vì sắp được làm bố, vừa hồi hộp sợ có điều chẳng lành vào những ngày tháng cuối.
Nằm viện đến tuần 37, tôi sốt ruột quá, 2 bên gia đình cũng lo lắng nên đề nghị được mổ chủ động. Trên bàn đẻ, nghe tiếng con oe oe, tôi khóc như mưa, như để thỏa lòng sau bao biến cố. Cuối cùng tôi cũng được làm mẹ rồi. Hôm đó, nhà tôi kéo tới viện có tới gần 10 người. Ai nấy đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm và tranh nhau tới nhìn mặt cháu gái lần đầu.
Những ngày tháng đầu tiên chăm con, hai vợ chồng vừa vui sướng, vừa lóng ngóng. Bé Thỏ càng lớn càng quấn bố. Chồng tôi thì yêu chiều, chăm bẵm con không ai bằng. Anh đi làm suốt ngày nhưng cho con ăn, tắm táp đều muốn tự tay làm. Cũng may, ngoài lần viêm phổi và sốt xuất huyết khiến bố mẹ đứng ngồi không yên, con ăn ngoan, mau lớn và giờ bi bô suốt ngày ở tháng thứ 17.
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ các mẹ đang mong con đừng mất hy vọng. Ánh sáng có thể ở phía trước. Hãy vững tin, tìm tới các chuyên gia giỏi và biết đâu phép màu sẽ tới.
Bảo Ngọc