Lớp học phân biệt theo giới, mỗi tiết học kéo dài đến 90', toàn trường có thể nghỉ học vào những ngày mùa. Đặc biệt hơn nữa là ở chỗ ông đã dùng những con chó vốn nuôi trong nhà thay cho bảo vệ...
Ông giáo gàn tự trị
Sinh ra ở xã Sơn Bằng của huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ nhỏ Nguyễn Lê Đắc (SN 1932) đã thể hiện mình là một người ham học hỏi. Vì muốn có cái chữ nên Nguyễn Lê Đắc đã lặn lội khắp mọi miền đất nước để học hỏi, trau dồi kiến thức. Từ một người tìm chữ đến khi có nhiều kinh nghiệm, ông Đắc tự nhận mình là thầy đi dạy học ở các lớp học phong trào trong chiến tranh.
Lớp học theo giới tính
Biết ông Đắc là một người tâm huyết với sự nghiệp dạy học, ngành giáo dục Nghệ Tĩnh quyết định cử ông ra Hà Nội học Đại học Tổng hợp (cũ). Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Tâm lý học. Năm 1974, vì hoàn cảnh gia đình, ông Đắc xin chuyển về trường ĐH Vinh để có nhiều điều kiện chăm sóc cho gia đình hơn.
Với kinh nghiệm cũng như khả năng truyền đạt tốt, ông Đắc trở thành một giảng viên có tiếng ở trường ĐH Vinh. 10 năm sau khi về quê công tác, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Tâm lý và trở thành cán bộ chủ chốt của ngành giáo dục Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.
Khi đã thành đạt, thỉnh thoảng ông Đắc có về thăm quê. Trong một lần như vậy, lãnh đạo địa phương đề nghị ông xây dựng đề án thành lập một trường THPT dân lập. Sau đúng một năm, với tâm nguyện xây dựng quê hương, ông đã hoàn thành đề án cũng như chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khai sinh ngôi trường mang tên bác sỹ nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện.
Tuy nhiên, khi mọi thứ đã sẵn sàng thì kinh phí lại là vấn đề khiến ông Đắc đau đầu. Vì kinh phí hỗ trợ của nhà nước quá ít, ông Đắc đã về TP.Vinh bàn với vợ bán nhà xây trường. Được vợ đồng ý, ông Đắc đã bán đi ngôi nhà ở Vinh với giá gần 500 triệu đồng để về Hương Sơn thành lập trường tư.
Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 19-8-1997, trường THPT dân lập mang tên Nguyễn Khắc Viện đã được thành lập tại xã Sơn Bằng. Đích thân ông Nguyễn Lê Đắc làm hiệu trưởng. Là trường do chính mình sáng lập ra nên ngay từ đầu, ông Đắc đã đề ra những nguyên tắc và công việc theo ý mình. Không chỉ xây dựng thành phần BGH theo kiểu gia đình trị, ông Đắc tự tin đưa ra những sáng chế mà ở các nước phương Tây cũng chỉ mới làm thí điểm.
Lớp học phân biệt nam - nữ
Lịch sử Việt Nam đã có không ít trường học phân theo giới tính nhưng đa số đều bị phản ứng và hiện nay rất hiếm nơi còn duy trì điều này
Rất khó khăn vất vả, ông Đắc mới cho ra đời được ngôi trường THPT trên chính mảnh đất mình sinh ra, nhưng để ngôi trường hoạt động một cách hiệu quả, vị hiệu trưởng này đã phải đối mặt với không ít thách thức. Nhớ lại năm đầu tiên, trường chỉ có hơn 50 học sinh, ông Đắc phải làm công việc bất đắc dĩ là dời ngày khai giảng, đợi học sinh sau mùa màng, đến đăng ký học nhiều hơn.
Là trường dân lập, lại trong quá trình mở cửa chiêu mộ học sinh nên trường có không ít những thành phần cá biệt. Chỉ trong 5 năm đầu tiên, trường đã xảy ra hàng chục vụ đánh nhau. Có nhiều vụ, học sinh đánh nhau ngay tại trường phải nhập viện khiến nhiều phụ huynh khiếp sợ và tìm cách chuyển con em mình sang trường khác.
Bạo lực học đường gia tăng khiến ông Đắc trăn trở. Là Tiến sỹ tâm lý, ông Đắc không thể ngồi yên và sau nhiều tháng nghiên cứu cách làm ở trường Trung học James-lin ở Montreal (Canada), ông đã quyết định tách riêng các lớp nam, nữ. Ngoài ra, để tránh việc thanh niên vào trường gây gổ, đánh nhau, ông Đắc đã mua về một con chó tây to đùng nhốt vào cũi đặt ngay tại cổng trường (?).
Sau một thời gian thí điểm ở 2-3 lớp và thấy hiệu quả, năm học 2007 - 2008, ông Đắc quyết định toàn trường tách lớp học riêng nam, riêng nữ. Lý giải cho điều này, ông Đắc cho biết: "Trường học với nhiều thành phần phức tạp nên phân biệt nam riêng, nữ riêng sẽ hạn chế những mâu thuẫn. Thêm vào đó, lớp học phân theo giới, học sinh sẽ thoải mái hơn trong sinh hoạt cũng như tự tin thể hiện mình".
Thấy chúng tôi phản ứng, ông Đắc thanh minh: "Nam nữ ngồi gần nhau bất tiện, độ tuổi đang phát triển, va chạm qua lại sẽ ảnh hưởng đến học tập. Thực chất hiện nay ở Hoa Kỳ cũng đang làm, mà họ còn làm sau cả tôi. Tôi bắt đầu thí điểm từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2004 người Mỹ mới áp dụng đấy".
"Chúng tôi chỉ phân lớp theo giới tính ở các giờ học, còn những hoạt động khác, tất cả đều hòa đồng. Vì thế, theo kinh nghiệm về nghiên cứu tâm lý của mình, tôi tin rằng, học sinh cũng không có những ức chế hay những biểu hiện tiêu cực khi không được học tập cùng những bạn khác giới", Hiệu trưởng Đắc nói thêm.
Cái khác người của ông Đắc có thể hiện rõ khi mới đây, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của nhiều phụ huynh về việc trường chiêu mộ những học sinh chưa tốt nghiệp cấp 2, ông Đắc nói: "Trường chúng tôi nằm ở địa bàn khó khăn nên xác định dạy học là để chống mù chữ chứ không phải đào tạo nhân tài. Ai có nhu cầu vào học chúng tôi cho vào hết. Khi chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, nếu ai không có bằng tốt nghiệp cấp 2 để trình thì tự chịu trách nhiệm"!?
Những phản ứng trái chiều
Chó Tây thay cho bảo vệ
Khi BGH trường THPT Dân lập Nguyễn Khắc Viện ban hành quyết định lớp học theo giới tính, đã có những phản ứng trái chiều từ học sinh, phụ huynh cũng như rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh. Một số phụ huynh không chấp nhận những quy chế bị cho là khác người nên đã tìm cách chuyển con mình sang trường khác.
Tuy nhiên, không ít người, đặc biệt là học sinh nữ lại tỏ ra thích thú với lớp học như thế này. Em Nguyễn Thị H. cho biết: "Lớp học như thế này bọn em rất thích, vì đồng giới nên sinh hoạt thoải mái, không phải dè chừng gì cả. Giả sử lớp học có nam giới thì chắc chắn bọn em sẽ không tự tin và thoải mái như thế này được".
Đến nay, sau 3 năm áp dụng quy chế mới này, vẫn còn đó những ý kiến trái chiều nhưng thầy Đắc thì tự tin: "Số lượng học sinh của trường tăng lên đáng kể, hiện nay đã gần 4.000. Nhưng điều đáng mừng nhất là trong suốt 3 năm qua, toàn trường không hề có vụ đánh nhau nào. Môi trường giáo dục rất lành mạnh và năm học vừa rồi, số lượng đỗ đại học của trường đứng đầu trong khối dân lập trên địa bàn huyện Hương Sơn".
Hiện nay, không chỉ trên địa bàn Hương Sơn mà các huyện lân cận như Vũ Quang, Hương Khê của Hà Tĩnh và Thanh Chương của Nghệ An, học sinh đã tìm đến và theo học tại ngôi trường đặc biệt này. Đó cũng là khác biệt mà nhiều người phải suy nghĩ khi bàn về trường học theo giới tính độc nhất ở Hà Tĩnh.
Tiết học dài đến... 90'!
Không chỉ khác biệt ở lớp học phân theo giới tính mà trường THPT dân lập Nguyễn Khắc Viện còn ban hành quy chế được xem là độc nhất vô nhị ở các trường THPT khi các tiết học bắt buộc phải kéo dài tới 90'.
Theo đó, sau 45', nhà trường sẽ đánh một tiếng trống, rồi thầy và trò nghỉ 5' rồi sau đó lại tiếp tục dạy và học. Tiến sỹ Đắc lý giải: Nếu một tiết học 45' thì thời gian ổn định trật tự và sự lộn xộn khi kết thúc tiết học đã chiếm khoảng 10'. Như vậy, tiết học chỉ còn 35' đúng nghĩa và rất khó để thầy và trò làm việc hiệu quả.