“Kỳ án” trộm cắp tài sản

 Đó là những tình tiết đặc biệt, làm vụ án trộm cắp tài sản ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trở thành một “kỳ án”.

 

Bà Đào Thị Hồng trước vành móng ngựa - Ảnh: Quốc Nam

 

Phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng kết thúc vào chiều 30-8-2010. Bị cáo Đào Thị Hồng bị truy tố tội “trộm cắp tài sản” đã được hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên “không phạm tội”. Nữ bị cáo đã khuỵu xuống trong nước mắt lưng tròng.

Theo lời khai của bà Hồng, 43 tuổi - chủ doanh nghiệp tư nhân gỗ rừng trồng Hùng Linh ở làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng), năm 2002 bà quen biết ông Hoàng Trọng Độ (48 tuổi, trú tại Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hai người có tình cảm gắn bó mật thiết và thường xuyên đi chung với nhau trong mua bán gỗ rừng trồng, đến nỗi nhắc đến người này là nhớ đến người kia. Tên ghép Hồng - Độ đã thành tên gọi cửa miệng của nhiều người. Cho đến năm 2009 thì xảy ra mâu thuẫn.

Hai văn bản xác định quyền sở hữu

Bà Hồng khai năm 2007 khi quan hệ giữa hai người còn “cơm lành canh ngọt”, bà đã cùng ông Độ đi mua lô rừng 10ha của nhóm ba hộ do ông Hồ Thanh Xuân (cũng trú tại xã Hải Thượng) làm đại diện. Trong giấy bán rừng viết tay ngày 22-8-2009, chỉ ghi tên người mua là ông Hoàng Trọng Độ.

Vì vậy ngày 5-9-2009, bà Hồng đề nghị nhóm hộ bán rừng xác nhận đã bán cho cả hai người Hồng và Độ. Ngày 12-9-2009, bà Hồng tổ chức công khai khai thác lô rừng nói trên, sau khi điện thoại nhờ nhóm hộ ông Xuân cúng mở cửa rừng và cũng đã báo với cán bộ kiểm lâm địa bàn. Ngày 18-9-2009, bà Hồng chở gỗ đi tiêu thụ thì bị kiểm lâm Hải Lăng tạm giữ hành chính vì thiếu bản kê khai do kiểm lâm địa bàn cấp cho người vận chuyển.

Trong khi đó, ông Độ cho rằng bà Hồng có hành vi lừa dối làm mọi người lầm tưởng số tiền mua rừng là của chung hai người. Sau đó, bà thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép, chiếm đoạt tài sản của ông. Ông đã trình báo sự việc với công an và kiểm lâm Hải Lăng. Ngày 19-9, công an huyện khám nghiệm hiện trường và thu giữ toàn bộ số gỗ bà Hồng đã khai thác.

Bà Hồng đã khởi kiện vụ án tranh chấp tài sản ra tòa dân sự huyện Hải Lăng. Ngay sau đó, Công an huyện Hải Lăng có công văn gửi tòa Hải Lăng cho rằng đây là một vụ án hình sự. Ngày 18-11-2009, Công an huyện Hải Lăng khởi tố vụ án và được Viện KSND huyện phê chuẩn. Sau đó ngày 23-1-2010, bà Hồng bị bắt tạm giam. Đến 16-3, Công an huyện Hải Lăng có kết luận điều tra: Đào Thị Hồng phạm tội trộm cắp tài sản, ở khoản nhẹ hơn quyết định khởi tố ban đầu (khoản 1 thay vì khoản 3 điều 138 Bộ luật hình sự). Bà Hồng được bảo lãnh tại ngoại sau 81 ngày bị tạm giam.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định: “Tại thời điểm xảy ra vụ án, đang tồn tại hai văn bản xác định quyền sở hữu lô rừng (giấy bán rừng cho ông Độ và giấy xác nhận đã bán rừng cho cả hai người). Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Lăng đã tiến hành các biện pháp xác minh quyền sở hữu lô rừng thuộc về Hoàng Trọng Độ là không đúng thẩm quyền. Bởi theo điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Viện KSND huyện truy tố Đào Thị Hồng về tội trộm cắp tài sản là không có cơ sở”. Vì lẽ đó, tòa tuyên bà Đào Thị Hồng vô tội.

Những tình tiết “lạ”

Tranh tụng trước tòa, luật sư bảo vệ cho bà Hồng cho rằng cơ quan điều tra Công an huyện Hải Lăng đã khởi tố bắt tạm giam bà Hồng mà chưa định giá tài sản. Phải đến ngày 9-3-2010 mới có kết luận của hội đồng định giá tài sản trị giá 32.330.115 đồng, nghĩa là sau khi bị cáo bị bắt đến... 48 ngày.

Trả lời câu hỏi này, đại diện viện kiểm sát cho rằng không nhất thiết phải định giá tài sản rồi mới định tội vì luật không bắt buộc. Trong phiên tòa, nhân chứng Lê Thị Hường, cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, khai rằng kiểm sát viên phụ trách vụ án đã ghi sẵn biên bản lời khai rồi đến nhà bà Hường đề nghị ký vào. Nhưng do không đồng ý với nội dung ghi sẵn này nên bà Hường từ chối và yêu cầu viết lại.

Phiên tòa có đến bốn luật sư tham gia, trong đó có hai luật sư đến từ Hà Nội cho phía bị hại, hai luật sư đến từ Huế cho bị cáo và hơn chục nhà báo theo dõi cùng với đông đảo người dân địa phương.

Phiên tòa cũng đã hoãn một lần do thiếu nhân chứng là một người trong nhóm hộ bán rừng và phải tạm dừng nửa chừng một lần vì đại diện viện kiểm sát là ông Đỗ Hoàng Sâm vắng mặt. Nguyên do là cuối chiều ngày xử án đầu tiên, thứ sáu 27-8-2010, khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố sẽ tiếp tục xét xử vào ngày thứ bảy, ông Sâm đã nói công khai trước tòa rằng ngày mai ông bận đưa người nhà đi bệnh viện nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử vào một ngày khác, nhưng HĐXX không chấp nhận.

Tuy vậy, hôm sau ông Sâm vẫn vắng mặt nên phiên tòa phải tạm dừng. Trả lời phóng viên qua điện thoại, phó viện trưởng Viện KSND huyện Hải Lăng Hồ Xuân Bằng nói ngày thứ bảy công chức được nghỉ theo chế độ nhà nước nên ông Sâm có quyền vắng mặt, dù chiều 27-8-2010 HĐXX có thông báo phiên tòa vẫn tiếp diễn thì thông báo này cũng không có giá trị.

Đến ngày xét xử thứ hai 30-8, bị hại là ông Hoàng Trọng Độ có đơn báo ốm và hai luật sư bảo vệ cho người bị hại cũng vắng mặt với lý do bận công việc. Còn kiểm sát viên thì từ chối luận tội mà chỉ phát biểu quan điểm về vụ án. Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX phải hoãn phiên tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng có tình tiết mới, nhưng HĐXX không chấp nhận vì cho rằng tình tiết này không quan trọng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

Vụ án đã kết thúc một chặng đầu trên hành trình tố tụng. Ông Hoàng Trọng Độ đã kháng cáo và Viện KSND huyện Hải Lăng có kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Như vậy mọi việc của “kỳ án” này vẫn còn ở phía trước.

PHẠM XUÂN DŨNG


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6317
Số người truy cập:
9111211