'Kình ngư' cứu nạn của Cảnh sát PCCC TP HCM

 Có mặt trong gần 80 gương điển hình tiên tiến được Cảnh sát PCCC TP HCM khen thưởng ngày 12/5, thiếu úy Võ Thành Công được các đồng đội đặt cho biệt danh "kình ngư cứu nạn cứu hộ". Bởi dù cao hơn 1,8 m nhưng khi cứu hộ dưới nước, Công lặn ngụp thoăn thoắt. Gần 8 năm "bén duyên" với nghề, thiếu úy 27 tuổi đã cùng đồng đội lặn tìm hơn 100 thi thể, nhiều tang vật vụ án...


Thiếu úy Võ Thành Công trong lần tìm bộ xương người trên kênh Nước Đen. Ảnh: An Nhơn

Năm 2008, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP HCM, nam thanh niên gốc Sài Gòn được phân về Đội cứu hộ cứu nạn (nay là Phòng cứu hộ cứu nạn thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM). Đây là đội chuyên xông vào khói lửa, đào bới nhà sập, ngâm mình dưới kênh nước đen tìm thi thể. "Khi được giao nhiệm vụ tôi cũng hoang mang nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của đồng đội tôi dần vượt qua", thiếu úy Công chia sẻ.

Trải qua nhiều năm với nghề, song nhớ lại lần tham gia tìm những phần thi thể bà Võ Thị Bảy (68 tuổi) bị hung thủ chặt xác phi tang xuống sông Rạch Tạm (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) vào những ngày giáp Tết 2010, Công bảo vẫn còn ám ảnh. Khi đó, nhận yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan điều tra tìm tang vật vụ án, anh và đồng đội nghĩ đó là súng, dao, kiếm chứ không ngờ là những phần thi thể nạn nhân.

"Đến nơi nghe kể về vụ án rùng rợn, tôi thấy có luồng điện chạy dọc sống lưng. Nhưng chứng kiến những đau đớn của gia đình nạn nhân, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh", Công nói.

Hơn hai giờ ngụp lặn dưới dòng kênh thối, chiến sĩ mới vào nghề giật mình khi chạm phải phần đầu nạn nhân. "Có một vết thương rất lớn, có thể do búa đập, nhìn rất thương tâm", anh nói và cho biết suốt ngày hôm đó đội của anh đã vớt lên bờ 8 phần thi thể nạn nhân.


Lần thiếu úy Công và đồng đội lặn tìm nạn nhân chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn. Ảnh: An Nhơn

Trong công tác cứu hộ, thiếu úy Công nói rằng nhớ mãi cảm giác giải cứu nạn nhân nữ bị đất đá chôn sâu 3 m trong vụ nổ nhà "Phương khói lửa" gần cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) khiến 11 người thiệt mạng, rạng sáng 24/2/2013.

Hai giờ sau khi vụ nổ xảy ra, trong lúc mọi người đang vã mồ hôi đào bới tìm nạn nhân bị chôn vùi, Công nghe giọng người phụ nữ kêu cứu yếu ớt vang lên từ khe hẹp giữa căn nhà. "Bà ấy nằm sâu dưới đổ nát. Chiếc tủ gỗ đã dập nát vì đỡ cho nạn nhân tránh bị bêtông đè lên người", Công cho biết.

Nhóm cứu hộ vừa bơm oxy xuống các khe hở cho nạn nhân, vừa khẩn trương tháo dỡ những khối bêtông nặng hàng tấn. Quá trình thao tác đòi hỏi phải chuẩn xác từng milimet, tránh để các vật dụng tác động đè nặng thêm, có thể khiến nạn nhân gãy xương sống. "Biết bà ấy rất hoảng loạn, chúng tôi vừa đào bới vừa hô to qua kẽ hở để trấn an", anh kể.

Gần 30 phút sau lực lượng cứu hộ nắm được bàn tay nạn nhân. Thêm nhiều nỗ lực, người đàn bà mặt đầy bụi, hơi thở yếu ớt được kéo lên an toàn. "Lúc đó bao mệt nhọc của chúng tôi tan biến. Không có gì vui hơn khi chúng tôi đã chiến thắng được tử thần", thiếu úy Công chia sẻ.

Ngoài ra, Công cũng tham gia cứu hộ rất nhiều vụ tai nạn khác như nạn nhân bị bêtông đè ở tầng 3 và đưa hai thi thể ra ngoài trong vụ sập công trình xây dựng nhà CR4 trên đường Tôn Dật Tiên (Phú Mỹ Hưng, quận 7), vụ cứu 14 nạn nhân sập hầm tại Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Công trường quốc tế, quận 3), lặn tìm được 15 thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn…

Năm 2011, chiếc tàu biển chìm trên sông Soài Rạp, Công cùng hai đồng đội lặn tìm thi thể nạn nhân bị kẹt bên trong khoang tàu. Lúc họ làm nhiệm vụ, một chiếc tàu lớn khác gần đó đứt neo trôi dạt. Nếu bị va chạm, con tàu đắm sẽ dịch chuyển và nhóm cứu hộ có thể kẹt lại bên trong. Nhận báo hiệu từ các đồng đội trên bờ, hai người lặn cùng anh nhanh chóng ngoi lên, còn anh do lặn sâu bên trong nên không hay biết. Chỉ vài phút sau khi Công thò đầu lên mặt nước thì tàu va nhau. Đồng đội ai cũng mừng vì họ tưởng anh không thể thoát.

"Khi có sự cố người ta chạy khỏi vùng nguy hiểm thì chúng tôi lại lao vào trong để cứu người. Công việc thậm chí có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình, nếu không quyết tâm và tâm huyết với nghề thì khó trụ vững", anh chia sẻ.

Thiếu uy Công nhận bằng khen của Cảnh sát PCCC TP HCM sáng 12/5. Ảnh: An Nhơn

Không chỉ tham gia cứu nạn cứu hộ, thiếu úy Công còn tuyên truyền, huấn luyện việc thoát khỏi nhà cao tầng cho thanh niên cơ sở. Trong một lần giao lưu, chàng lính cứu hộ vạm vỡ, giọng nói hào sảng được một nữ sinh sư phạm "hâm mộ". Sau gần 6 năm tìm hiểu, ba tháng trước anh đã "đưa nàng về dinh".

"Cô ấy đang dạy tại một trường tiểu học ở tỉnh, sắp tới sẽ chuyển về TP HCM để vợ chồng gần nhau", anh chia sẻ.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8371
Số người truy cập:
9296125