“Tắt điện” vì sợ nộp phạt
Theo bà Nguyễn Thu Thúy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới, cũng vì sợ phải nộp phạt mà nhiều người vợ không dám đứng lên tố cáo chồng bạo hành. Bên cạnh đó, mức xử phạt những hành vi vi phạm về bạo lực gia đình vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nếu không muốn nói là còn hiện hữu quá nhiều bất cập - bà Thúy cho biết thêm. Chẳng hạn, trong đa phần những vi phạm về Luật PCBLGĐ, người vi phạm chỉ bị xử phạt “hành chính” với mức phạt “nhẹ hều”: Phạt 300.000 đồng cho hành vi cứa cổ, 150.000 đồng nếu cầm dao...
Để tìm ra giải pháp thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sao cho có hiệu quả, đã có rất nhiều các cuộc tọa đàm được tổ chức. Tại một cuộc tọa đàm, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, PGS.TS Luật học Nguyễn Thái Phúc (Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam) đã đưa ra những quy định của Luật PCBLGĐ mà theo ông là khó thực thi.
Cụ thể, biện pháp cấm tiếp xúc (người có hành vi bạo lực gia đình bị cấm đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m). Biện pháp này do các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước ra quyết định, nhưng việc giám sát thực hiện lại được giao cho người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, làng, bản ấp, tổ trưởng dân phố...) phân công người giám sát thực hiện (Điều 22).
Theo ông Phúc, về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước nào ra quyết định thì cơ quan đó phải có trách nhiệm theo dõi, bảo đảm cho quyết định của mình được thi hành. Hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội, dân cử chỉ có vai trò hỗ trợ và giám sát. Thời hạn cấm tiếp xúc chỉ có 3 ngày là chưa hợp lý. Khoảng cách cấm tiếp xúc 30m sẽ được thực thi trong thực tế như thế nào? Bằng cách nào tổ trưởng dân phố giám sát và kết luận là người bị cấm tiếp xúc đã vi phạm khoảng cách 30m này?
Từ thực tế tư vấn cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, Luật sư Phạm Lĩnh Sơn đưa ra các giải pháp: Không nên phạt tiền người chồng hoặc vợ khi có hành vi bạo hành mà hãy dùng hình thức chế tài khác như lao động công ích tại địa phương... Nếu phạt chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề tài chính mà chính nạn nhân lại là người gánh chịu, như vậy sẽ không đạt được mục đích của biện pháp chế tài hành chính này...
Tại Hội thảo “4 năm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình - Bài học kinh nghiệm từ dự án Ngôi nhà Bình yên” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý rất trăn trở về nhiều sự bất cập của pháp luật PCBLGĐ thể hiện trong quá trình thực thi. Trong một loạt các ví dụ về các điều luật còn chưa hợp lý trong Luật PCBLGĐ mà bà Lý đưa ra, có vấn đề về đơn yêu cầu cấm tiếp xúc. Theo Mục a, Khoản 1, Điều 20 thì việc cấm tiếp xúc sẽ được áp dụng khi nạn nhân có đơn, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn... Nhưng trên thực tế, nhiều khi nạn nhân bị đánh đến tàn tạ thì sao có thể viết đơn? Trong khi đó chính quyền lại không quan tâm theo kiểu “việc gia đình, tự gia đình giải quyết” thì tính sao?.
Phải có can thiệp y tế mới là bạo lực gia đình?Mặc dù Luật PCBLGĐ có hiệu lực thi hành đã được một thời gian nhưng khi được hỏi, rất nhiều người vẫn nói là không biết về luật này, thậm chí có người còn hùng hồn khẳng định là chưa có. Đáng buồn rằng trong danh sách những người hùng hồn khẳng định lại có cả những cơ quan chủ chốt thực thi luật như câu chuyện của Luật sư Nguyễn Văn Tú - Văn phòng Luật sư Khánh Hưng.
Chuyện bắt nguồn khi Luật sư Tú được mời bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Lại Thị Mai (Phủ Lý, Hà Nam) bị chết vì hành vi bạo lực gia đình do chồng gây ra. Trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ án, các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương đều không hề biết đến Luật PCBLGĐ khiến Luật sư Tú phải photo cuốn Luật PCBLGĐ để “tặng” các cán bộ.
Chính vì yếu tuyên truyền nên đa số phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình. Kết quả Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố hôm 25/11/2010 cho thấy, có khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục do chồng gây ra nói họ có nghe về Luật PCBLGĐ nhưng không nắm được chi tiết luật. Thế nên đa số chỉ quan tâm đến quyền của nạn nhân khi xảy ra bạo lực hơn là nghĩa vụ của họ. Trên một phần ba tổng số phụ nữ được hỏi chưa thấy được nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có bạo lực gia đình xảy ra dù truyền thông, báo đài đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại lời nhắn nhủ “Im lặng là chết”.
Mặt khác, cũng do khâu tuyên truyền nên quan niệm, nhìn nhận của nhiều phụ nữ về hành vi bạo lực gia đình vẫn còn nhiều điểm chưa đúng. Bằng chứng là vẫn còn không ít người quan niệm chỉ khi dẫn đến hậu quả nặng nề về mặt thể chất thì mới xem đó là bạo lực. Một số hành vi như gây tổn hại tinh thần, cô lập, xua đuổi, cưỡng ép tình dục... chưa được nhiều chị em nhận biết rõ. Thậm chí có địa phương, dù là cán bộ hội, chính quyền hẳn hoi nhưng vẫn xem những hành vi như: Lấy gậy đánh, tát, đấm, chửi bới khi không đẻ được con trai, chửi mắng, dọa dẫm khi không được quan hệ tình dục... chỉ là mâu thuẫn trong gia đình. Còn đã gọi là bạo lực thì phải là những vụ việc nghiêm trọng, có can thiệp của y tế