Chiều 5-8, LS Nguyễn Văn Đức (chi nhánh Công ty luật Biển Đông tại TP.HCM), người đứng ra bảo vệ miễn phí quyền lợi hợp pháp cho phía gia đình bị hại là bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ nhà báo Lê Hoàng Hùng) cho biết, ông đã chính thức nộp văn bản kiến nghị tới Viện KSND tỉnh Long An, đề nghị trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra bổ sung, đồng thời xác định trong vụ án này có đồng phạm hay không. Vì theo ông, hồ sơ chứng cứ và lời khai của bà Liễu còn nhiều mâu thuẫn, không phù hợp, nhưng kết luận điều tra chưa làm rõ.
Lời khai mâu thuẫn
Theo kết luận của cơ quan điều tra, xuất phát từ việc bị can Trần Thúy Liễu có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn Tâm (cán bộ QLTT Long An) nên ông Hùng ghen tuông và thường xuyên đánh đập vợ. Cụ thể là trước khi xảy ra vụ án, ông Hùng đánh đập vợ nhiều lần, có khi một tuần đánh tới 3 - 4 lần, vì vậy bà Liễu nảy sinh ý định dùng xăng đốt chồng để cảnh cáo. Tuy nhiên, theo lời khai của ông Trần Văn Mến (cha bà Liễu) thì không có chuyện ông Hùng đánh vợ, còn lời khai của 2 con thì lâu nay cha mẹ cháu sống hạnh phúc. Hơn nữa, 2 người con còn khẳng định ông Hùng là người rất hiền lành, chưa bao giờ to tiếng hay gây sự với vợ, và hoàn toàn không có chuyện đánh như bà Liễu khai...
Hiện trường vụ án còn nhiều nghi vấn
Đặc biệt, theo hồ sơ vụ án thì chính bà Liễu khai rằng ông Hùng có biết mối quan hệ giữa bà với ông Tâm, biết bà có thai nhưng ông Hùng im lặng. Do vậy, nếu kết luận rằng việc ông Hùng ghen tuông, đánh đập vợ vì bà Liễu ngoại tình, theo LS Đức là không có cơ sở, cần phải xem lại động cơ, mục đích gây án của bà Liễu.
Về vật chứng, theo lời khai của bà Liễu thì trước khi gây án, chính bà đã đến tiệm tạp hóa của bà Đặng Thị Nguyệt Sương ở QL62 để mua sợi dây dù 12m và 20.000 đồng xăng đựng trong bịch nylon đem về nhà để chuẩn bị hành vi phạm tội. Trong khi đó sợi dây dù thu được tại hiện trường là 10,5m, còn theo lời khai của bà Sương thì trưa 17-1-2011 bà đã bán cho một người đàn ông khoảng 35 - 40 tuổi sợi dây dù dài 10,7m, điều này khá phù hợp với sợi dây dù thu được ở hiện trường. Ngược lại, nếu đúng sợi dây dù tại hiện trường là của bà Liễu mua (12m) thì 1,5m còn lại ở đâu?
Có 2 mồi lửa?
Cũng theo lời khai của Trần Thúy Liễu, trước khi gây án, bà ra lan can phía trước nhà để thả sợi dây dù đã cột sẵn ở đó. Sau đó quay vào phòng ngủ ông Hùng lấy hộp quẹt gas, xé tờ giấy báo, lôi bịch xăng từ trong tủ quần áo ra rồi ngồi xuống, tay phải cầm bịch xăng đã mở miệng, tay trái bật quẹt châm đốt... tờ báo đang kẹp dưới chân (?!) và đứng lên ném bịch xăng vào mùng của chồng, ném tờ báo đang cháy vào mùng rồi lập tức quay trở về phòng ngủ. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra chưa đến 1 phút 30 giây. Khi vừa phóng hỏa thì ông Hùng giật mình bật dậy chạy theo bà Liễu để cầu cứu...
LS Đức đặt vấn đề: “Với thời gian xảy ra trong tích tắc như vậy liệu nạn nhân có bị phỏng đến 49% hay không? Mặt khác, theo lời khai của bà Liễu thì chỉ với 1,2 lít xăng liệu có thể gây cháy đến 3/4 tấm nệm hay không, trong khi tấm drap, mùng bị cháy gần hết, tường thì bị ám khói đen kịt, các lỗ thông gió trong phòng đều bị ám khói?”. Quan trọng hơn, tại biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định rất rõ: lửa cháy từ trên xuống và từ dưới lên, tro than cháy đen ở cuối đầu giường và giữa đầu giường. Theo LS Đức, phải có 2 mồi lửa chứ không phải là một mồi lửa, trong khi bà Liễu khai đã cầm mảnh giấy đốt rồi ném lên giường nơi chồng đang ngủ, chỉ một mồi lửa. Như vậy LS Đức đặt vấn đề mồi lửa thứ 2 là của ai?
Từ những tình tiết mâu thuẫn nêu trên và một số tình tiết khác, LS Đức đặt vấn đề không được bỏ lọt tội phạm vì lời khai của bà Liễu chỉ là lời khai, còn lời khai có đúng với hiện trường hay không còn phải căn cứ vào những tình tiết khác. Cụ thể là trong hồ sơ này lời khai của bà Liễu không phù hợp với lời khai của các nhân chứng và những vật chứng thu giữ được tại hiện trường.