Không hạn chế thời gian tuyển sinh, trường lo hồ sơ ảo

 

>Lùi thời gian thi đại học, cao đẳng 2012

Trong hội nghị hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước tổ chức sáng 14/2, đa số hiệu trưởng đồng tình với phương án đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết, về cơ bản những điểm mới đáp ứng được mong muốn của thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, Bộ quy định không có thời điểm chấm dứt tuyển sinh gây băn khoăn cho các trường.

"Nếu không quy định thời gian xét tuyển, nhiều trường sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc bắt đầu năm học mới. Tôi đề xuất nên lấy mốc 10/10 làm ngày kết thúc tuyển sinh năm 2012", Hiệu trưởng Khoa nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Khoa, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn Nguyễn Hồng Anh cũng cho rằng cần có một mốc kết thúc để các trường thực hiện theo. Vị hiệu trưởng lo ngại khi dài thời gian xét tuyển quá dài, lại không theo đợt thì hồ sơ ảo sẽ gia tăng. Khi đó, chi phí tuyển sinh của các trường tăng lên, đồng thời chỉ tiêu có thể không tuyển đủ.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cũng nhìn nhận, xét tuyển nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho thí sinh nhưng khó cho các trường. Ông đề nghị không nên để tuyển sinh kéo dài đến 31/12 bởi dù là đào tạo theo tín chỉ, thì khó có thể khai giảng năm học hay tạo điều kiện cho các em học.

Việc quyết định không phát hành cuốn những điều cần biết cũng khiến nhiều lãnh đạo băn khoăn. Hiệu trưởng ĐH Vinh Đinh Xuân Khoa cho rằng, không phát hành cuốn này sẽ gây khó khăn cho học sinh vùng sâu, bởi nhóm này rất khó tiếp cận Internet. Ông Khoa thắc mắc, tại sao Bộ lại để tên khối mới là A1 mà không phải là một chữ cái khác.

"Để tên khối A1 có thể gây nhầm lẫn với khối A trong thi và chấm bài. Tại sao chữ cái của chúng ta còn nhiều mà không sử dụng, ví dụ khối E chẳng hạn", Hiệu trưởng ĐH Vinh đề xuất.

Năm 2012, các trường được tự do xét tuyển. Dự kiến 2016 - 2019 sẽ thi đại học một đợt với hai môn cớ bản là Văn, Toán và các môn lựa chọn khác. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Trung ương Nguyễn Văn Lê thì nhận định, trong năm qua Bộ đã có những quyết định mang tính đột phá như đình chỉ tuyển sinh 3 trường và 12 ngành của 3 trường khác. Tuy nhiên, Bộ lại bàn quá nhiều về triết lý giáo dục, đổi mới căn bản nhưng việc tổ chức thực hiện lại chưa tốt.

"Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đang tính theo công thức số sinh viên trên giảng viên, nhưng như vậy chưa đủ. Tôi cho rằng phải xác định chỉ tiêu dựa trên tiêu chí tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề, thế mới là đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội", Hiệu trưởng Lê đề nghị.

Giải đáp thắc mắc của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ, năm nay không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học bởi Bộ đã làm việc với một hãng viễn thông. Hãng này cam kết sẽ cung ứng mạng Internet ở bất cứ đâu trên cả nước. Nếu trường nào khó khăn trong việc truy cập thì gọi cho Cục trưởng công nghệ thông tin Quách Tuấn Ngọc, sẽ được đáp ứng ngay.

"Thông tin cơ bản về tuyển sinh chúng tôi sẽ đưa lên website của Bộ, các em có thể vào đó tra cứu rất nhanh gọn. Ví dụ, muốn xem ngành cơ khí ở các trường khu vực Hà Nội chỉ cần bấm vào cơ khí, Hà Nội thì toàn bộ trường đào tạo ngành này sẽ hiện ra. Các em không phải đọc hết cả quyển như trước, thuận lợi cho việc xác định nhu cầu mà lại tiết kiệm", Thứ trưởng Ga bày tỏ.

Trước băn khoăn việc để xét tuyển thoải mái không hạn định thời gian trong mùa tuyển sinh 2012 sẽ tạo nên khối lượng hồ sơ ảo lớn, Thứ trưởng Ga cho rằng sau nguyện vọng 1 thì việc xét tuyển chỉ còn 30%. Như vậy việc xét tuyển chỉ ảnh hưởng đến 30% thí sinh còn lại và những trường tốp dưới chưa thể tuyển đủ. Số hồ sơ ảo cũng không đáng ngại bởi các trường được tuyển nhiều lần, nếu chưa đủ chỉ tiêu thì có thể tuyển thêm cho đến khi hoàn tất.

"Bộ cho phép đào tạo theo tín chỉ mà hình thức đào tạo này có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào. Hơn nữa, hội đồng điểm sàn làm việc cũng đã tính đến việc tạo ra nguồn tuyển dư ra dồi dào so với con số thực tế nên không lo khan hiếm thí sinh", ông Ga cho hay.

Để hạn chế việc trường tuyển quá chỉ tiêu, không đảm bảo chất lượng, Bộ đã ban hành thông tư các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào hai tiêu chí: số sinh viên trên một giảng viên cơ hữu và diện tích mặt bằng xây dựng phục vụ đào tạo. Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm ngặt. Dù 1-2 năm sau nếu kiểm tra phát hiện vi phạm vẫn phải xử lý.

Bộ Giáo dục cũng đã dự kiến phân tầng giáo dục đại học. Lộ trình thực hiện từ 2015, bắt đầu điều chỉnh về kỹ thuật. Năm 2016-2019 chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có hai môn công cụ bắt buộc là Văn và Toán. Tương lai sẽ không còn khối thi, thí sinh có nhiều môn tự chọn, còn các trường tự tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo.

Sau năm 2020, Luật giáo dục đại học đi vào cuộc sống, đại học được phân tầng gồm các ngành nghiên cứu, ứng dụng... thì việc thi tuyển sinh chỉ thực hiện ở các đại học tốp trên, đại học tinh hoa. Các trường khác chỉ xét tuyển, nên việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng.

Hoàng Thùy


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1639
Số người truy cập:
9220551