Không gian đi bộ Hà Nội 'chưa phát huy đúng giá trị'

 Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị. Bên cạnh phố đi bộ quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, thủ đô đã và sẽ có thêm không gian đi bộ ở nhiều quận huyện như Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Sơn Tây...

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, phố đi bộ rất phổ biến tại các thành phố lớn trên thế giới. Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và xu hướng văn minh, hài hòa giữa yếu tố "hành chính, thương mại" với "văn hóa, cộng đồng" tại đô thị.

Tại thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã làm tốt việc thu hút người dân đến phố đi bộ. Dù vậy, ông Chính cho rằng đây mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa. Các hoạt động cho thuê xe điện trẻ em, bán hàng rong... đem lại rất ít nguồn thu cho địa phương. Còn nhảy hiện đại, vẽ tranh truyền thần... hầu hết tự phát, chưa tương xứng với phối cảnh, đặc trưng văn hóa của Hồ Gươm.

Liên kết giữa phố đi bộ Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội và phố thương mại Tràng Tiền chưa thực sự rõ nét. Trong khi đó, khách du lịch nếu chỉ đến phố đi bộ thì không tạo ra nguồn thu, mà nguồn thu đến từ những khu thương mại, dịch vụ trong quần thể không gian đi bộ của Hà Nội.

"Không phải cứ chặn xe hai đầu là thành phố đi bộ", ông Chính nói và cho rằng cơ quan quản lý cần tính toán, đưa ra chiến lược phát triển rõ ràng cho từng thành phần liên quan đến phố đi bộ để phát huy triệt để giá trị, lợi thế.

Dịch vụ cho thuê xe điện trẻ em, đồ chơi... trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Chính gợi ý, mô hình phố đi bộ Hà Nội cần hướng tới là tuyến đường mang đậm bản sắc đô thị, có vị trí đắc địa về thương mại, kinh doanh. Như phố Tràng Tiền - tuyến có ý nghĩa quan trọng nối hai địa điểm lịch sử của Hà Nội là Hồ Gươm với Nhà hát Lớn cần cải tạo toàn bộ tuyến theo không gian đóng, tức là chỉ cho phép đi bộ, phương tiện sẽ được điều tiết sang hướng khác. Xung quanh phố này bố trí nhiều bãi đỗ xe, ga ngầm, trạm buýt để phục vụ người dân từ các nơi đổ về.

Dọc tuyến sẽ là những nhà hàng, rạp hát, chiếu phim, sân khấu, múa rối mang bản sắc văn hóa Hà thành. Thành phố có thể lợp vòm kính toàn bộ tuyến, để phố đi bộ hoạt động bất kể thời tiết, thời gian trong ngày. "Bây giờ ý tưởng này có thể chưa khả thi, nhưng 5-10 năm nữa, khi Hà Nội hoàn thiện hệ thống metro, việc này hoàn toàn thực hiện được", ông Chính nói.

Cùng quan điểm, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng các mô hình phố đi bộ muốn hiệu quả phải thể hiện được nét đặc trưng về văn hóa, điểm nhấn về không gian. Như phố đi bộ Hồ Gươm cần khai thác triệt để nét đẹp kiến trúc cổ trung tâm thành phố, sự gần gũi thanh lịch của người dân; còn phố đi bộ ở Sơn Tây là vẻ đẹp lịch sử của không gian cổ kính Thành cổ.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Chiểu

Theo kiến trúc sư, một số nước đã tận dụng tốt lợi thế vốn có để thu hút người dân đến các địa điểm đi bộ. Như Nhật Bản có hoa anh đào thì tổ chức tuyến phố để du khách ngắm hoa; hoặc Thượng Hải, Trung Quốc nổi tiếng là trung tâm thương mại hàng đầu châu Á thì có tuyến phố đi bộ bán mặt hàng xa xỉ.

Với cách làm này, Hà Nội cần hướng đến mô hình phố đi bộ mang đậm bản sắc văn hóa thủ đô, kèm theo các gian hàng đặc sắc. "Các mặt hàng cần lựa chọn tinh tế để tránh cảnh nhếch nhác, xô bồ, nhưng vẫn tạo được việc làm, nguồn thu cho người dân và chính quyền", ông Tuấn nói.

Giáo sư Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, cho rằng phát triển phố đi bộ, văn hóa đi bộ là xu hướng tốt nhưng cần tránh dàn trải, tránh "quận nào, huyện nào cũng đòi làm phố đi bộ". Khi xây dựng phố đi bộ, nhiều lợi ích phải hy sinh, tạo áp lực lên giao thông. Do đó, phố đi bộ xuất hiện quá nhiều, thực hiện vội vàng, không có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản sẽ không thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong khi những tiêu chí đô thị thực sự thiếu là không gian xanh, công viên thì vẫn chưa được chú ý đúng mức.

Giáo sư Liên góp ý Hà Nội nên học tập mô hình phố đi bộ ở Hội An, nơi văn hóa đi bộ gắn chặt với văn hóa ẩm thực cũng như biểu diễn đường phố. "Phố đi bộ cần có những mục tiêu xa hơn là hút khách du lịch quốc tế thay vì đơn thuần chỉ là không gian để người dân đi dạo", ông nói.

Biểu diễn văn nghệ tại phố đi bộ. Ảnh: Giang Huy

Ngày 1/10/2004, phố đi bộ đầu tiên qua Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai trương. Ngoài kinh doanh hai bên đường, người dân được kinh doanh sạp di động ở giữa đường, dành hai bên rộng 3-3,5 m làm lối đi cho khách. Mặt hàng kinh doanh ở đây chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc bình dân, điện máy, hàng phục vụ khách du lịch...

Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã thêm ba lần mở các tuyến phố đi bộ mới và mở rộng không gian đi bộ hiện có. Không gian đi bộ khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội năm 2014 (Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện); không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 2016 và cuối năm 2020 thêm 8 tuyến phố trở thành không gian đi bộ (Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc).

Sau thành công của Hoàn Kiếm, một loạt không gian đi bộ khác được triển khai như phố đi bộ phố Trịnh Công Sơn (Tây Hồ); phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Một số đang được triển khai như phố đi bộ, ẩm thực quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì); phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng).

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
91568
Số người truy cập:
7349610