Khó kìm lạm phát nếu tăng giá điện

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện trong tháng 11 dù là đúng luật nhưng cũng khiến dư luận lo ngại.

Lý do chưa thuyết phục

Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính,  cho biết bộ này đang xem xét các phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Cụ thể, EVN đã đề xuất 3 phương án tăng giá, nhưng mức tăng bao nhiêu, đặc biệt là thời điểm tăng giá được Bộ Tài chính tính toán rất thận trọng vì chủ trương của Chính phủ năm nay là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng khiến chỉ số giá cả thường tăng cao.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội, tăng giá điện lúc này không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, đánh mất những kết quả ban đầu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11. Ông Phong khuyến cáo lạm phát trong năm 2010 và 2011 đều có xu hướng phá vỡ quy luật. Do tăng giá điện từ ngày 1-3 nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 không dịu xuống như mọi năm mà vẫn tiếp tục đà tăng cao, kéo dài cho đến tận tháng 8. Xu hướng giá cả những tháng cuối năm thường tăng cao, nếu có thêm đợt tăng giá điện nữa, chắc chắn CPI sẽ tăng phi mã.

TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng lý do tăng giá của EVN đưa ra chưa thuyết phục. Vào thời điểm này, thủy điện không thiếu nước, xăng dầu giảm giá, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong cả nước cũng giảm so với năm ngoái do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất nên áp lực tăng giá điện không quá căng thẳng.

Cần minh bạch

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền nhìn nhận hiện nay, khả năng của ngân sách Nhà nước không thể bù lỗ cho bất cứ mặt hàng nào nên từng bước phải để giá các mặt hàng thiết yếu tiệm cận giá thị trường. Đối với điều chỉnh giá điện, tính thời điểm có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng phải tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Cần thiết thì phải tăng giá  nhưng phải  tăng đúng, tăng đủ và quan trọng là phải minh bạch. Do vậy, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm toán để bảo đảm giá điện được tính toán chính xác. Sức ép về minh bạch hóa giá điện lúc nào cũng có nhưng minh bạch đến đâu lại là vấn đề khác vì công cụ chưa đủ mạnh như mong muốn.

Ông Đinh Tuấn Minh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với cơ chế điều hành giá điện hiện nay là tính minh bạch. Không phải “soi” giá điện EVN đưa ra là cao hay thấp mà phải xem giá đó đáng tin cậy hay không. Muốn vậy, giá điện phải được kiểm toán độc lập và kết luận hợp chuẩn như đối với hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc được “soi” bởi một cơ quan giám sát của Quốc hội.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, vào thời điểm này chưa nên tăng giá điện khi EVN chưa có minh bạch giá thành sản xuất điện. Đều cần làm trước là nhanh chóng minh bạch về chi phí giá thành điện cũng như xăng dầu để tạo được sự đồng thuận của người dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng EVN tăng giá điện để lấy vốn đầu tư và trả nợ là hết sức vô lý, sai lầm vì một đơn vị cung cấp dịch vụ không thể lấy tiền của dân làm vốn mà phải tự có hình thức huy động.

 

Phải chọn thời điểm phù hợp

Bên lề kỳ họp thứ 2 của Quốc hội ngày 20-10, liên quan đến việc EVN đề xuất tăng giá điện trong tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh như trên

Khó kìm lạm phát nếu tăng giá điện, Tin tức trong ngày, tang gia dien, lam phat, EVN, gia dien, EVN thua lo, tin tuc, bao

* Phóng viên: Việc EVN đề xuất tăng giá điện có “lội ngược dòng” chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ hay không, thưa ông?

- Ông Vũ Văn Ninh: Việc tăng giá điện đã có chủ trương nhất quán, không có gì mâu thuẫn cả. Vấn đề là chọn thời điểm cho phù hợp, chứ việc giữ mãi giá điện cũng không được.

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, việc tăng giá điện chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”?

- Đúng là có nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, Chính phủ sẽ phải cân nhắc lựa chọn giải pháp hài hòa nhất.

* Có thông tin EVN đề xuất tăng 13% giá điện so với hiện nay, thưa Phó Thủ tướng?

- Thời điểm cũng như mức tăng phải bảo đảm hài hòa lợi ích chung của người dân, xã hội và doanh nghiệp; vừa giải quyết được tổng thể vừa đáp ứng yêu cầu hiện nay là chống lạm phát.

* Vậy Chính phủ sẽ quyết lùi thời điểm tăng giá điện so với đề xuất vào tháng 11 này của EVN?

- Hiện chưa khẳng định thời điểm tăng giá nên chưa thể nói có lùi hay không. Chính phủ đang bàn để đưa ra quyết định cuối cùng.

* EVN đòi tăng giá điện nhưng lại chưa minh bạch được việc lỗ, lãi sẽ khó thuyết phục được người dân?

- Tới đây sẽ bàn giải pháp minh bạch giá điện và công bố đầy đủ.

* Riêng khoản nợ của EVN với tập đoàn dầu khí đã lên tới cả ngàn tỉ đồng, chưa kể các chủ nợ khác sẽ phải thu hồi theo hướng nào hay là bù từ việc tăng giá điện, thưa ông?

- Nợ sẽ phải giải quyết dần. Nhưng tôi khẳng định không có chuyện tăng giá để bù đắp vào những khoảng đầu tư ngoài ngành hay trả nợ cho EVN. Chính phủ không bao giờ đồng ý việc này.

* Cá nhân ông có ủng hộ việc tăng giá lần này như đề nghị của EVN?

- Tôi cho rằng dần dần từng bước để giá điện đi theo cơ chế thị trường. Nhưng nếu thuận thì ta đi bước ngắn; còn không thuận lợi, nhiều khó khăn thì đi bước dài hơn. Việc điều hành phải thích ứng với tình hình thực tiễn, không thể nói trước gì được.

Bảo Trân ghi


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9708
Số người truy cập:
7728889