Tháng 5-2010, bà N.K.H. đến UBND xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhờ can thiệp việc bà không bán đất được dù miếng đất của bà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi. Lý do là trên phần đất đó có hai phần mộ của ông nội và cô ruột của chị em bà T.T.C. và T.T.Đ..
Tại buổi hòa giải ở UBND xã, bà C. và bà Đ. không chịu di dời vì cho rằng hai phần mộ đã có từ lâu trên phần đất này. Đất đã qua nhiều lần mua bán, mộ vẫn được để yên, nay nếu bà H. yêu cầu di dời mộ thì phải hỗ trợ chi phí hoặc phải tách phần đất có mồ mả trên đó bán lại cho hai bà. Bà C. còn yêu cầu bà H. phải mua một phần đất 10m2 ở nơi khác để cho bà xây mộ cải táng và phải xây lại giống như phần mộ cũ, nền mộ phải cao hơn mặt đất 5 tấc.
Bà H. không đồng ý vì bà bán phần đất này để người chủ mới xây dựng nhà máy nên không thể tách đất được, mặt khác pháp luật không cho phép tách đất với một diện tích nhỏ hẹp như vậy vì hai phần mộ chỉ nằm vỏn vẹn khoảng 3m2. Buổi hòa giải hôm ấy không thành. Tuy nhiên cuối cùng để bán được đất, bà H. phải đồng ý chi trả cho hai bà Đ. và C. số tiền 32,5 triệu đồng, bao gồm chi phí bốc mộ và tiền mua 10m2 đất chỗ khác để làm nơi cải táng.
Trường hợp của ông H.H.S. (ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) phức tạp hơn. Ông có phần đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi, do ông mua lại của ông H.V.B. từ năm 1995. Trước khi mua, trên đất đã có bốn phần mộ. Ba phần mộ đã được bốc đi, trong đó có phần mộ của chị ruột bà N.T.K., hiện còn lại một phần mộ của cha ruột bà K.. Tháng 4-2010, bà K. qua đất ông S. xây cất gia cố thêm mộ của cha ruột mình. Ông S. không đồng ý nên đã gửi đơn đến UBND xã Long Thắng nhờ can thiệp.
Trước hội đồng hòa giải xã Long Thắng, bà K. cho rằng phần đất này trước kia của cha ruột mình, bị ông B. chiếm nên phần mộ cha ruột bà nằm trên đất đó là hợp lý. Bà không đồng ý bốc mộ. Ông S. cũng quyết liệt không kém, yêu cầu bà K. phải di dời mộ, ông sẽ hoàn toàn chịu chi phí, nếu không ông sẽ bốc mộ đem gửi vào chùa.
Tuy hội đồng hòa giải xã giải thích nghĩa vụ của một người con phải di dời mồ mả cha mẹ để chăm sóc, thờ cúng và hơn hết là việc di dời này trả lại đất thuộc quyền sử dụng của người khác nhưng bà K. vẫn không đồng ý. Cuộc hòa giải không thành, ông S. cho biết sẽ hoàn tất các thủ tục khởi kiện bà K. tại Tòa án nhân dân huyện Lai Vung. Tuy nhiên cho đến thời điểm này bà K. không gia cố mộ cha mình nữa nên ông S. cũng không tính chuyện khởi kiện tại tòa. Sự việc được “treo” cho đến nay.
Còn nhớ trước đây, bài viết vụ kiện lạ “Đòi quyền bốc mộ” (Tuổi Trẻ ngày 13-8-2010) viết về chuyện ông L.T.S. ở Cần Thơ kiện đòi quyền bốc mộ của cha, mẹ trên phần đất của người chú. Bài viết cũng phản ánh tình trạng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể điều chỉnh vụ việc. Sau khi Tòa án nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp từ chối thụ lý vụ án, ông L.T.S. có tường trình gửi UBND tỉnh nhờ can thiệp. Vừa qua, UBND tỉnh đã trả lời chính thức đề nghị ông S. quay về UBND xã Vĩnh Thới để được xem xét. Như vậy qua một thời gian dài khiếu kiện, vụ việc của ông S. lại trở về thời điểm ban đầu.
Các trường hợp trên cho thấy có nhiều vướng mắc trong cách giải quyết những tranh chấp có liên quan đến mồ mả, một phần do phong tục, tập quán. Do đó, các cơ quan chức năng cần suy nghĩ về vấn đề này trong quá trình xây dựng, bổ sung pháp luật.
NGUYỄN THANH