Khi mua xăng đừng nói 'đổ đầy bình'

 Ngoài những chiêu gian lận xăng dầu một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết được như thay xăng thật bằng xăng dỏm, gắn chip ở trụ bơm…, gần đây nhiều ý kiến của độc giả gửi về VnExpress.net phản ánh tình trạng nhân viên cây xăng lợi dụng sự vô ý của khách hàng để trục lợi.

Nếu không chú ý, khách hàng đổ xăng có thể chịu thiệt thòi. Ảnh: Anh Quân

Độc giả Phạm Quang Phúc kể lại: “Một lần khi tôi ghé đổ xăng tại một cây xăng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, đồng hồ tính tiền chỉ 59.230 đồng nhưng nhân viên dừng bơm và nói hết 60.000 đồng. Tôi đưa 1 tờ 500.000 đồng và có hỏi sao bơm thiếu nhiều tiền thế. Do bực tôi và mất tập trung nên khi nhân viên trả lại tiền tôi không để ý, đút luôn tiền vào túi và đi luôn.

Đến cơ quan khi thanh toán tiền điện thoại mới phát hiện chỉ được nhân viên bán xăng trả lại 40.000 đồng, còn thiếu 400.000 đồng nữa. Buổi chiều, đi làm về tôi quay lại thì nhân viên đó nói không thừa tiền nên không trả tiền cho tôi. Như vậy nhân viên bán xăng ở đây vừa gian lận ăn bớt trong khi bơm xăng vừa nhập nhèm khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Nếu khách hàng không phát hiện ngay lúc đó thì chiếm đoạt luôn.

Chỉ nên bơm xăng theo số tiền mà không nên bơm xăng đầy bình là lời khuyên độc giả Mạnh Hà gửi đến các bạn đọc của VnExpress.net. “Mọi người đều biết việc bơm xăng thông qua máy bơm có nút bấm số tiền, số lít mà người mua sẽ mua, đồng thời có đồng hồ hiển thị điều đó. Khách tới mua xăng có người sẽ yêu cầu bơm theo số tiền 30.000, 50.000 đồng…, nhưng cũng sẽ có khách yêu cầu “bơm đầy bình”.

Tưởng chừng hai thao tác này không có gì khác nhau, khách hàng đều sẽ được bơm số lượng xăng ứng với số tiền đã trả nhưng thật ra nếu người bán xăng bấm số tiền rồi mới bơm xăng thì sẽ được đủ số lượng. Còn nếu người ta không bấm số tiền mà cứ bơm cho đến số tiền đó rồi dừng lại thì sẽ không đủ số lượng như đồng hồ hiển thị.

Chính các cây xăng đã lợi dụng điều này để ăn chặn xăng của khách hàng, vì vậy rất nhiều cây xăng không bao giờ sử dụng việc bấm số tiền trước khi bơm xăng, thậm chí họ còn sử dụng 2 nhân viên: 1 người đứng bơm cho khách, 1 người đứng ở máy bơm xăng để thao tác cho nhanh. Tôi đã so sánh rất nhiều lần và vì thế tôi chỉ mua ở một vài cây xăng có sử dụng nút bấm định giá trị mua, đồng thời cũng không bao giờ mua theo kiểu "đổ đầy bình".

Độc giả Huỳnh Minh Tiến cũng chia sẻ về câu chuyện nhập nhèm trong việc thối lại tiền thừa khi bơm xăng ở cây xăng: “Một lần khi xăng đã xuống vạch đỏ, tôi ghé đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh, Tp.HCM và yêu cầu nhân viên đổ 30 nghìn tiền xăng. Rõ ràng là tôi thấy nhấn số 30.000, sau khi đổ xăng và nhìn lên thì vẫn đúng là số 30.000. Tôi đưa cho chị nhân viên đó 50.000 đồng và đứng đợi chị thối tiền lại. Song, chị ấy đi lại gạt cái giá đỡ của ống bơm xăng cho nó về 0 để bơm cho khách hàng khác.  

Tôi đứng kế bên đó, đợi hoài mà chị không quay lại thối tiền, tôi mới lên tiếng kêu chị thối 20.000 đồng tiền dư. Chị ấy nói: "Lúc nãy em kêu chị đổ 50.000 mà?", nghe xong tôi thấy rất bực mình. Chị ấy nói để chị ấy kiểm tra lại số tiền trên tay của chị (mà biết bao nhiêu khách đổ xăng, nhiều tiền như vậy, kiểm tra thế nào?). Rồi chị ấy đưa tiền ra kêu tôi xem: "Em nhìn tiền trên tay chị cầm nãy giờ coi, đâu có dư đồng nào đâu!!!". Thật vô lý, tiền trên tay chị ta, tôi làm sao biết rõ mà chị ấy đưa ra cho tôi xem. Cứ xem như là xe tôi đã đổ 50.000 đồng, bình thường thì kim xăng sẽ chạy qua vạch trắng ở giữa luôn, nhưng ở đây kim xăng chỉ mới nhích qua vạch đỏ được 1 chút rồi dừng. Tôi mở bình xăng ra xem thì cũng không đúng như số tiền 50.000. 20.000 đồng tiền dư không phải là số tiền quá lớn. Tôi cũng không muốn cãi nhiều với họ và đã bỏ đi. Thời buổi giá xăng tăng cao mà còn bị nhân viên "gài" thì thật là tôi không còn gì để nói với cách làm việc như vậy, sẽ không bao giờ quay lại cây xăng đó.

Mong mọi người khi đi đổ xăng nhớ cẩn trọng khi nhìn các con số trên bảng điện tử trước và sau khi đổ xăng".

Vũ Vy


Giày Đại Phát solution
Số người online:
113360
Số người truy cập:
7414517