Khi cô giáo 'khủng bố' trẻ biếng ăn

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Thị Hồng Liên, bà đã trực tiếp phát hiện nhiều hành vi phản sư phạm qua thanh tra các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Lãnh đạo này phải thốt lên “Tôi có cảm giác, nhiều cô luôn suy nghĩ tìm cách nào dọa nạt để làm cho cháu sợ".

Bà Liên cho biết, ở nhiều trường, biện pháp phổ biến mà các giáo viên, bảo mẫu áp dụng để ép trẻ biếng ăn như dọa bỏ đói, nhốt vào nhà vệ sinh, gầm cầu thang... Thậm chí, ở một mầm non ngoài công lập, có cô không dỗ được trẻ nín khóc, còn quay ra hăm dọa trẻ "sẽ đem ra đường cho xe tải cán”.


Các trường mầm non công lập luôn được phụ huynh đánh giá cao hơn về độ an toàn vì có những giáo viên, bảo mẫu vững chuyên môn. Ảnh: Lan Hương

Tại một trường khác, cô giáo lại bế bé khoảng gần 3 tuổi đang khóc ngằn ngặt vào thang máy, ấn nút lên lầu 2, còn mình chạy thang bộ lên để đón cháu. Khi cửa thang máy mở, cô giáo mới phát hiện cháu bé bị một thanh sắt trong thang máy cứa đứt chân, do giẫy giụa mạnh vì hoảng sợ.

Cũng theo lời kể của phó giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, trong một lần đi kiểm tra cơ sở mầm non ngoài công lập, bà vô tình chứng kiến cảnh một học sinh dùng thước đánh lên đầu các bạn cùng lớp. Khi được hỏi, em bé này cho biết, mỗi ngày cô giáo cho phép một học sinh được dùng thước để "xử lý" các bạn mất tự, hay khóc, quậy phá.

Còn cô giáo thì tỉnh queo trả lời phó giám đốc Sở "giáo viên thì không được phép đánh trẻ, trong khi chúng rất quậy phá nên cần phải có người cai trị”. "Sự thiếu hiểu biết của các cô vô tình giáo dục cho trẻ cách hành xử giang hồ", bà Liên bức xúc.

Trưởng phòng giáo dục mầm non Nguyễn Thị Kim Thanh khẳng định các cơ sở mầm non ngoài công lập có công rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ đang quá tải ở thành phố. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu do còn nhiều hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm dẫn đến việc cách xử lí tình huống non kém, gây hậu quả.

Theo bà Liên, bảo mẫu, giáo viên mầm non không được dùng các biện pháp dọa nạt, vì theo bà trẻ bị dọa nạt nhiều dễ dẫn đến sang chấn tâm lý. "Chúng ta phải trấn an trẻ chứ không phải trấn áp các cháu", phó giám đốc ngành giáo dục thành phố nói.

Sở Giáo GD&ĐT TP HCM khẳng định sẽ siết chặt các cơ sở mầm non ngoài công lập, kiên quyết đóng cửa những trường vi phạm ngay từ năm học 2008 - 2009. Về chuyên môn, trình độ tối thiểu của bảo mẫu ngoài công lập phải tốt nghiệp lớp 12 trở lên và được đào tạo 3 tháng về chuyên môn...

Theo thống kê của Phòng giáo mầm non, thành phố hiện có trên 250 trường mầm non, khoảng 820 nhóm, lớp tư thục đang nuôi giữ khoảng 112.300 trẻ, chiếm trên 40% số trẻ theo học trong độ tuổi.

Ngày 27/8, Sở GD&ĐT thành phố cũng đã triển khai nhiệm vụ năm học mới cho hệ mầm non công lập với phương châm "An toàn - bền vững". Theo đó, ngành giáo dục thành phố yêu cầu phòng giáo dục quận, huyện, Hiệu trưởng các trường mầm non công lập phải "lên dây cót" cho bảo mẫu giáo viên về đạo đức nghề nghiệp, không để xảy ra các vi phạm.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng thông tin, TP HCM có thể sẽ xóa được tình trạng "trắng" mầm non công lập, với 17 trường được UBND thành phố phê duyệt xây dựng ngay trong năm học này.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
78029
Số người truy cập:
8602146