Kẻ cuồng sát trên đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân là ranh giới nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với TP. Đà Nẵng (trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Đường đèo nổi tiếng không chỉ với người dân trong nước mà cả với du khách quốc tế trên con đường xuyên Việt. Địa danh này được biết đến với tên gọi “đệ nhất hùng quan”.

Thoát chết trên chuyến xe bị cướp

9 giờ sáng 16-4-1992, trụ sở Công an xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm cách cầu Lăng Cô 500m về phía bắc, đón vị khách là người đàn ông trạc tuổi trung niên, dáng người nhỏ bé, bộ mặt hớt hải. Anh ta nói từng tiếng đứt quãng: “Tôi là nạn nhân của một vụ cướp của giết người vừa xảy ra trên đèo Hải Vân”. Anh Lê Văn Cung - Phó công an xã Lộc Hải - vội lại gần, ôm bờ vai người khách và nói: “Anh đến được đây là tốt rồi. Anh cứ bình tĩnh kể lại sự việc. Chúng ta phải sớm vào cuộc kẻo hung thủ chạy thoát”. Người khách tự khai tên Nguyễn Văn Phùng, 35 tuổi, phụ xế xe tải BS: 77H-2376, là kẻ duy nhất còn sống sót trong số bốn người hiện diện trên chuyến xe kinh hoàng vừa bị một gã quá giang thảm sát bằng súng ngắn. Y gây án vì muốn cướp túi tiền của bà chủ xe. Vừa đến hiện trường, cảnh tượng ban đầu hiện ra khiến lực lượng CA thất kinh: ba xác chết bị bắn hạ ở ba vị trí khác nhau cách đèo Hải Vân 3km về phía bắc. Xác chết đầu tiên là một phụ nữ trạc tuổi 40, nằm dưới dốc, cách chiếc xe tải đang đỗ chừng 20m. Xác chết thứ hai là một thanh niên ngoài 30, nằm vắt qua cửa xe, đầu cắm xuống đất nhưng một bàn chân còn mắc lại dính cứng trong bàn đạp thắng xe. Xác chết thứ ba là một người đàn ông tuổi ngoài 30, nằm cách chiếc xe hơn 100m về phía trên dốc.

Nhận tin báo, Ban giám đốc công an tỉnh khẩn trương điện báo cho Tổng cục Cảnh sát nhân dân - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và được chỉ đạo: bằng mọi giá phải bắt cho được hung thủ kịp thời để trấn an dư luận và giải tỏa đường đèo Hải Vân bởi sắp có chuyến xe chở đoàn khách quốc tế Cộng hòa liên bang Đức đi qua. Mọi chỉ đạo được ban hành, huy động các lực lượng cảnh sát hình sự - điều tra, kinh tế, giao thông, bộ đội biên phòng, Công an huyện Phú Lộc, Công an xã Lộc Hải và dân quân du kích vào cuộc. Đồng thời, Tổng cục Cảnh sát điện báo cho Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp, đề phòng hung thủ vượt đèo đào thoát về phía nam. Chưa đầy một tiếng sau, cuộc hành quân truy lùng kẻ cuồng sát trên đèo Hải Vân đã thực sự mở màn.

Truy lùng thủ phạm

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Nguyễn Hồng Bàng - quyền Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn bộ lực lượng phá án đã có mặt ở những nơi cần thiết nhất. Thời điểm đó, mạng ĐTDĐ chưa phủ sóng đến đèo Hải Vân, ngay cả chiếc ĐTDĐ cũng chưa được dùng phổ biến vì giá trị kinh tế cao, chỉ có các vị lãnh đạo mới được trang bị nên việc tập hợp, chỉ đạo, báo cáo mọi diễn biến tình hình của các thành viên trong Ban chuyên án đều được tính toán kỹ càng. Tên cướp có súng, nếu bị dồn đến đường cùng rất có thể hắn sẽ bắn trả lại lực lượng truy bắt và liều chết. Song, mục tiêu cao nhất vẫn là phải bắt sống được hắn để làm sáng tỏ vụ án.

Tổng cộng gần 200 chiến sĩ CA, bộ đội, dân quân du kích đeo bám mọi phương hướng khả nghi. Bằng sự dày dạn kinh nghiệm trong nghiệp vụ, Ban chuyên án nhận định một cách chính xác: đối tượng đang lẩn trốn ở phía bắc đèo Hải Vân, có khả năng chờ đêm tối sẽ mò xuống Lăng Cô để trốn thoát bằng đường sắt. Theo cung cấp ban đầu của người phụ xế, hung thủ người tầm thước, cao khoảng 1,6m, nói giọng nửa Nam nửa Bắc, mái tóc đốm bạc, mặc áo quần bộ đội, không đeo quân hàm, đi chân đất...

Một tổ trinh sát mang theo những chú chó đánh hơi thật tinh khôn, được huấn luyện thuần thục. Tất cả khấp khởi mừng thầm với ý nghĩ sắp sửa trực diện với đối tượng. Nhưng trước mặt các anh là một bờ suối. Những chú khuyển cứ nhủng nhẳng, sủa vang về phía trước. Tình huống này được báo với Ban chuyên án. Hung thủ đã vượt suối. Chắc chắn hắn đang lần mò xuống chân đèo. Thiếu úy Đinh Như Phương thuộc Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế được phân công làm Tổ trưởng cùng với hai chiến sĩ Lê Hải Nam và Hoàng Văn Hương tăng cường chốt giữ ga Lăng Cô, phối hợp với Phó công an xã Lộc Hải Lê Văn Cung bọc kỹ khu vực đường sắt này.

Trời đã ngả về chiều, rồi bóng tối bao trùm. Theo chỉ đạo, anh Phương tranh thủ gặp cán bộ, công nhân viên đường sắt để bàn bạc, hỗ trợ khi cần thiết. Gần 21 giờ (12 giờ sau khi vụ án xảy ra), còn hai đoàn tàu sắp tiến vào ga, anh Phương phân công hai chiến sĩ Nam và Hương chốt giữ các điểm khả nghi gần chân núi, Phó công an xã Lê Văn Cung chốt giữ phía sau ga, còn anh linh hoạt di chuyển để kịp thời nắm bắt mọi diễn biến.

Thềm ga Lăng Cô vẫn vắng lặng, cuộc sống ở một ga xép thật buồn tẻ. Chỉ khi có đoàn tàu dừng bánh, dù thời gian ngắn ngủi, vội vàng, sân ga mới rộn lên những âm thanh vui nhộn được ít phút. Từ xa, tiếng còi tàu hụ lên từng hồi như đánh thức niềm vui mới. Tiếng bánh xe hãm thắng nghiến trên đường ray, tiếng hành khách lao xao xen lẫn với tiếng mời chào của những người bán hàng rong đi dọc theo các toa tàu... 21 giờ, một đoàn tàu chở hàng sắp ghé lại. Những ánh đèn dầu leo lét được thắp lên. Ánh sáng vàng vọt, nhạt nhòa chỉ đủ nhìn rõ những món quà rẻ tiền nằm trên những chiếc mẹt của người bán hàng rong. Vài người phụ nữ sắp vội những xâu bánh chưng, bánh ú, những quả quýt và những bao thuốc lá rồi sấp ngửa đi về phía nhà ga. Đêm nay, ga Lăng Cô có một cái gì đó khác lạ hơn, tất cả như chìm ngập trong một sự đợi chờ hồi hộp lẫn lo âu của những người đang âm thầm giăng lưới...

Từ một vị trí cách ga Lăng Cô chừng 50m, nơi đường tàu chạy ngang qua, có một xóm nhà ẩn hiện sau những lùm cây rậm rạp. Cô Nguyễn Thị Loan (SN 1974) đang bưng rổ hàng quà chuẩn bị ra ga để bán cho hành khách trên chuyến tàu sắp đến. Bất thình lình cô Loan phát hiện có một người đàn ông đang lom khom sau một lùm cây. Qua ánh đèn dầu trên tay, cô thấy gã mặc đồ bộ đội, mang trên vai túi xách, tay gã xách thêm một túi căng phồng nữa. Cô thoáng nghĩ chắc người này nhảy tàu trốn về, sau một thoáng giật mình, cô Loan hỏi: “Chú đón tàu đi đâu?”. Gã đàn ông trả lời bằng cái giọng nửa Nam nửa Bắc, hằn học: “Tao đón tàu đi Đà Nẵng, mày hỏi làm chi, cút đi!”.

Thấy thái độ bất thường, dữ tợn của gã đàn ông, cô Loan vội vã bước đi. Chẳng biết gã có điều gì bực bội mà thái độ khó ưa đến thế. Trước khi đi, cô Loan còn ngoái lại nhìn hắn ta lần chót. Trong bóng tối, cô Loan nhìn rõ hắn vừa xốc lại chiếc túi trên vai, một tay luồn vào thắt lưng sửa lại vật gì đó. Bất giác cô Loan nghĩ đến kẻ cuồng sát trên đèo Hải Vân sáng nay mà tất cả người dân và họ hàng trong vùng này đã được nghe cán bộ CA thông báo, cô quyết định phải báo ngay với những người hữu trách về việc này. Đi vội vào ga, cô tìm gặp anh Tường - nhân viên đường sắt ga Lăng Cô. Tổ Cảnh sát cơ động của thiếu úy Đinh Như Phương tiếp nhận nguồn tin một cách thận trọng và nhanh chóng phác thảo kế hoạch tác chiến một cách khẩn trương. Anh đề nghị anh Tường cầm đèn lồng đi dọc theo tuyến đường sắt ngược về phía nam, nơi gã đàn ông lạ mặt đang đứng, giả vờ như nhân viên đường sắt đang kiểm tra đường ray trước khi tàu đến. Còn Phương và Cung lặng lẽ men theo bóng tối, bám sát đằng sau yểm trợ.

Tường bước ra khỏi nhà ga như kế hoạch. Anh đi chậm rãi, cầm đèn lồng soi vào đường ray, rà soát sự cố để chuẩn bị đón đoàn tàu đi ngang qua. Anh làm việc một cách tự nhiên và bình thản. Vài phút sau, anh đã chạm mặt với gã đàn ông lạ mặt:
- Anh đi mô đó?

Vẫn cái giọng nửa Nam nửa Bắc, gã đàn ông đáp lại:
- Tôi là cán bộ, đi Đà Nẵng mua gạo cho đơn vị đóng ở Kon Tum.

Tường tiến tới, đối diện với hắn rồi nói với vẻ quan tâm:
- Tàu sắp đến rồi. Anh cứ vào ga chờ một lát. Đứng ở đây làm gì cho mỏi chân.

Trực diện hung thủ

Gã đàn ông lặng lẽ bước vào ga. Đôi mắt láo liên, sắc lẻm quét tia nhìn bốn hướng. Thỉnh thoảng gã ngó lại phía sau, cảnh giác trước mọi động tĩnh. Quan sát thái độ của gã, thiếu úy Phương càng tin rằng kẻ thủ ác đang ở cận kề.

Anh xuất trình thẻ ngành CA, nói rõ nhiệm vụ của mình và đề nghị gã cho kiểm tra giấy tờ. Gã đàn ông lúng lúng đưa ra một giấy công tác đã hết hạn vào ngày 30-11-1991 nhưng được cạo sửa một cách vụng về thành năm 1992, mang tên Đỗ Thành Đạo, SN 1954. Thấy giấy tờ của gã cạo sửa lem nhem, Phương yêu cầu được kiểm tra CMND, gã đàn ông lớn tiếng đầy vẻ thách thức:

- Các anh không được quyền kiểm tra giấy tờ của tôi. Tôi không làm gì phạm pháp cả. Nếu tôi bị chậm trễ chuyến công tác, các anh sẽ bị mất việc đấy!

Bằng kinh nghiệm tích lũy được từ những lần đối đầu với đủ loại tội phạm qua các đơn vị mà anh từng phục vụ, Phương linh cảm gã chính là đối tượng đã gây tội ác. Gã đàn ông cũng vừa nhận ra mình đã lọt vào vòng nguy hiểm nên đặt hai túi xách xuống để rảnh tay thủ thế. Phương áp sát vào gã ở một cự ly dễ dàng:

- Anh mang gì trong hai túi xách này?
- Tiền.
- Bao nhiêu?
- Mười bảy triệu đồng.

Phương lại hỏi:

- Anh mang theo nhiều tiền thế để làm gì?
- Tôi mang tiền về xuôi mua gạo cho đơn vị. Tôi đã nói các anh không được quyền kiểm tra vì tôi là cán bộ. Đừng ép tôi phải phản ứng.

Không nao núng, Phương yêu cầu đến phòng làm việc của nhà ga, gã đàn ông tiếp tục lớn tiếng, chống đối lại những yêu cầu của tổ cảnh sát cơ động. Bất ngờ gã cúi người xuống, tay phải thọc ra phía sau thắt lưng, nơi giấu khẩu K59 (trong có 8 viên đạn) và quyết định hành động...

Đôi mắt không rời bất cứ một động tĩnh nào của gã đàn ông, Phương đã nhanh hơn gã một động tác. Anh chộp mạnh cánh tay phải của gã, bẻ quặt ra sau và tước khẩu súng. Anh ra lệnh khống chế và còng tay gã đàn ông trước khi hắn bất ngờ khuỵu xuống.

Tại cơ quan điều tra, gã đàn ông khai tên Nguyễn Thanh Đạo (SN 1954, tại Thọ Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa) có vợ và hai con hiện đang cư trú tại Đà Nẵng. Gã chính là thủ phạm gây ra vụ giết người cướp tài sản trên đường đèo Hải Vân ngày 16-4-1992. Nạn nhân của gã gồm: anh Nguyễn Xuân Hòa - lái xe, Nguyễn Xuân Cường - em ruột anh Hòa, Nguyễn Thị Mai - chủ hàng, tất cả đều thường trú tại Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Định.

Vụ án diễn biến như sau: chiếc xe tải BS: 77H-2376 được bà Mai hợp đồng chở gạo từ Bình Định ra Thanh Hóa một tuần trước đó. Sau khi bán hết gạo, bà Mai mua lại 10 tấn xi-măng Bỉm Sơn. Số tiền còn lại là 14,5 triệu đồng. Xế trưa 15-4-1992, xe đi ngang qua sông Hiếu Giang để vào thị xã Đông Hà thì gặp tên Đạo vẫy xe xin quá giang về Đà Nẵng. Bà Mai nói với lái xe dừng lại cho gã đi nhờ kẻo tội. Xe đi qua Quảng Trị rồi TP. Huế, bà Mai đã nhiều lần mở túi xách đựng tiền ra lấy một ít tiêu vặt rồi cẩn thận cất lại. Bà không ngờ tất cả đã lọt vào mắt của kẻ cướp. Đến 19 giờ cùng ngày, xe đến thị trấn của huyện Phú Lộc thì bị hỏng. Đạo nhiều lần nói với bà Mai và tài xế là cố gắng lết về Lăng Cô để sửa xe và gã sẽ tìm chỗ cho bà Mai bán xi-măng với giá cao, vừa được lời vừa nhẹ xe để tiếp tục đoạn đường còn lại. Đêm đó, tất cả cùng ngủ lại huyện Phú Lộc. Sáng sớm hôm sau xe tiếp tục di chuyển đến Lăng Cô thì dừng lại ăn sáng. Vốn tính hào phóng, lại do gã giới thiệu là bộ đội về thăm nhà, bà Mai vui vẻ cho đi nhờ xe không lấy tiền còn bao ăn uống, mua cho gã một bao thuốc Jet. Khi chỉ còn cách đỉnh đèo Hải Vân 3km, chiếc xe gầm rú, bò chậm chạp lên dốc cao, gã ác tâm đã ra tay cuồng sát ân nhân của mình sau khi vừa ra lệnh cho xe ngừng lại vừa nhả đạn vào người lái xe. Bị trúng đạn, tài xế rũ tay lái, cố trườn người qua cửa xe để chạy thoát nhưng không còn kịp nữa, chiếc xe tấp vào vách núi. Bà Mai hoảng hốt mở cửa xe nhảy xuống chạy về phía chân đèo nhưng bước chân lính quính, bị hắn nã đạn từ phía sau xuyên ngực, bà chạy thêm được ít bước nữa thì gục chết dưới dốc. Em ruột của lái xe là Nguyễn Xuân Cường cố chạy thoát lên đỉnh đèo nhưng cũng bị hắn bắn hạ. Riêng anh phụ xế Nguyễn Văn Phùng do đã nhảy xuống gần bánh xe, đề phòng xe trượt dốc, thấy tên Đạo hạ thủ người của mình đã nhanh chân bỏ chạy ngược xuống chân đèo. Đạo có bắn theo nhưng anh đã may mắn thoát chết...

Nửa năm sau đó, ngày 14-10-1992 TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên tòa lưu động tuyên kẻ sát nhân Nguyễn Thanh Đạo án tử hình. Với bản tính lì lợm và biết chắc không còn đường khoan dung, gã viết đơn đề nghị sớm được chết để khỏi bị ám ảnh tội lỗi của mình. Thỉnh cầu của gã đã được đáp ứng, một năm sau đó gã bị mang ra pháp trường xử bắn.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2808
Số người truy cập:
9242509