Huyền thoại về những giang hồ Sài Gòn

Lần ngược thời gian trong chừng nửa thế kỷ trở về đây, có thể thấy, những kẻ giang hồ luôn cho thấy sự manh động và luôn tìm cách để đội lốt hảo hán, quân tử.

Theo dòng thời cuộc, bên cạnh những nhân tố quyết định làm thay đổi diện mạo xã hội theo hướng tích cực, cũng tồn tại một loại người khác hẳn. Đó là thế giới ngầm, mà quốc gia nào, thời nào cũng có-ít hoặc nhiều, tùy theo tình hình và tùy theo diễn tiến của thời cuộc. Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi xin bắt đầu lược lại những nhân vật được dân trong giới gọi là "ông trùm". Tất nhiên, đây không phải là những ông trùm như trong phim xã hội đen, mà chỉ là những kẻ giang hồ "có số có má" với đàn em mà thôi.

Sự xuất hiện của cái gọi là trùm giang hồ…

Ở miền Nam, từ thời Pháp thuộc với Tư Mắt và Paul Ngọ, nắm trong tay toàn bộ những hoạt động phi pháp, nhưng chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ vì không đủ thế lực cạnh tranh với người Pháp thực dân và người Hoa theo hệ thống bang hội; cho đếnthời Bình Xuyên, như cách nghĩ của 108 hảo hán Lương Sơn Bạc. Ba Dương -một tay võ công tuyệt luân và tính tình hào hiệp trượng nghĩa đã thâu tóm những thế lực manh mún của giới giang hồ để hình thành một thế giới đạo tặc.

Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn đã thừa hưởng, cộng thêm sự hỗ trợ để lợi dụng của phòng nhì Pháp, đã có trong tay những Kim Chung, Đại Thế Giới, Bình Khang… Và thậm chí, giang hồ thời ấy còn nắm được cả lực lượng cảnh sát trong tay để sử dụng như một công cụ hỗ trợ! Sau khi Mỹ hất cẳng Pháp, Bảy Viễn cũng bị đào thải và sống những ngày cuối đời bên mẫu quốc, thế giới ngầm trở nên vô chủ và những cuộc cạnh tranh lại bắt đầu để có được một thủ lĩnh.

Tứ đại thiên vương: Đại (Nguyễn Văn Đại) Tỳ (Huỳnh Tỳ-Nguyễn Thuận Lai) Cái (Ngô Văn Cái-Woòng Cái) Thế Ba Thế-Thế Aristo) bằng những cuộc thanh toán đẫm máu với băng đảng người Hoa do Mã Thầu Dậu(Tín Mã Nàm) chỉ huy và hàng loạt băng đảng khác, đã xem như "thủ lĩnh đích thực" của giang hồ miền Nam. Trương Văn Cam - sinh năm 1947, cùng độ tuổi với Woòng Cái, xuất thân từ một vùng đất hoang sơ ở quận 4, vào tù từ lúc 15 tuổi, đã nung nấu trong lòng ước mơ trở là một ông trùm của thế giới ngầm. Tất nhiên, không đơn giản chút nào khi các vị trí chóp bu của nhiều lĩnh vực và lãnh địa đã có chủ.

Năm Cam, từ một tay gác sòng bạc cho anh rể Bảy Xi đã học được nhiều điều từng bước ngoi lên. Mãi đến những năm 80, Năm Cam vẫn cứ là anh chàng bán sơn ở cầu Calmette và thu nhập còn thua một tay tổ chức sòng bạc cấp thấp. Thế rồi một cơ hội bằng vàng đã đến với Năm Cam qua Sáu Dauphine…

Mối quan hệ với một vài nhân vật quyền lực nhưng hời hợt về quan điểm, đã giúp cho Năm Cam triệt tiêu các đối thủ. Đến thập niên 90, Năm Cam đã gần như hoàn tất việc chinh phạt và thu tóm thế giới ngầm vào tay. Và hệt như bất kỳ truyện cổ tích ở đời nay, trục trặc của hệ thống bắt đầu xảy ra… Đầu năm 1995, bởi một con nợ bị xiết nhà, Năm Cam lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Năm Cam lo đến "bạc trắng mái đầu" nhưng vẫn lọt vào lưới của cảnh sát.

Cùng Nhật cùi (Đào Bá Ngọc) ông trùm bị đưa ra Bắc… Thế lực bao che vẫn còn đó và phát huy hết công xuất để "giải cứu cho ông trùm". Tháng 10 năm 1997, Năm Cam trở về sau gần 3 năm, tạm rời khỏi vị trí số 1 của thế giới ngầm. Hào quang của một ông trùm bất khả xâm phạm đã làm Năm Cam nhanh chóng trở thành hoàng đế không ngai của toàn bộ giang hồ lưu manh trên toàn quốc.

Những cuộc thanh toán nổ ra liên tục khi vị trí bị dòm ngó đã khiến Năm Cam mất đi sự cảnh giác vốn có. Vũ Hoàng Dung-tức Dung Hà, đổ bộ từ Hải Phòng vào cùng một loạt tay chân dữ dằn hơn bất kỳ tên thuộc hạ nào Năm Cam có dưới trướng đã đe doạ trực tiếp đến bầu sữa nuôi sống đế chế Năm Cam. Và như thế, đồng thời với việc Dung Hà đã tự ký tên vào bản án tử hình giành cho mình.

Năm Cam quyết định xuất chiêu! Hải Bánh-một giang hồ Hà Nội vào theo đoàn quân viễn chinh của Dung Hà đã nhận ra việc có lợi nếu "vì anh Năm " hơn là "vì chị Dung". Hắn thông qua một vụ tranh chấp với đàn chị đã đưa hai sát thủ từ Hà Nội vào là Long Tây và Hưng Mi nhon để "bắn vào đầu Dung Hà".

Vụ án như giọt nước tràn ly…

Khởi đầu là Trịnh Xuân Hoàng-tức Hoàng Lựu đạn, được mệnh danh là con hùm xám miền Đông, xộ khám…

Bộ mặt của ông trùm tối cao lộ dần…

Năm Cam bị bắt vào một buổi sáng đẹp trời vừa khi ở nhà một trong hàng tá nhân tình bước ra quán…cơm tấm! Năm Cam không hề đơn giản, kể từ khi Hải Bánh vừa bị bắt, bằng tiền của và những quan hệ chằng chịt với một vài quan chức "bán mình cho quỷ", một cuộc đấu trí ngược với ban chuyên án được "tập đoàn tội phạm" Năm Cam tiến hành. Thực ra, từ vụ án giết hại chiến sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn, tập đoàn tội phạm này đã từng thành công một phần nào trong việc chạy án. Năm Cam hoàn toàn tin tưởng với vụ án Dung Hà cũng không ngoài quy luật: nén bạc đâm toạc tờ giấy…

Tất nhiên, để đối phó với ban chuyên án trong đó có cả việc chuẩn bị cho một vụ ám sát ba mục tiêu quan trọng, đã được Năm Cam vạch ra. Nhưng người tính không bằng trời tính, ông trùm bị bắt trước khi thực hiện, chỉ vài ngày.

Với Năm Cam, chỉ có bản thân và gia đình được xem là Người, còn lại-tất cả đều là đối tượng, hoặc để bòn rút, bóc lột, hoặc để mua chuộc, khuynh đảo…thậm chí, đối thủ cần phải triệt tiêu hoặc hoá giải.

Giang hồ "Lưu linh miễn Tử"…

Người đầu tiên được xem là "giang hồ hảo hán" của miền Nam thời Pháp thực dân lại là con của một tên Việt gian khét tiếng: Huỳnh Tấn- tức lãnh binh Tấn.

Khi Pháp đánh thành Gia Định lần đầu năm 1859, Huỳnh Tấn chỉ là một đội chỉ huy vài trăm quân đồn điền dưới trướng anh hùng Trương Định. Do bất hòa với chủ tướng về phương pháp đánh Tây, cộng thêm một số lỗi lầm Tấn gây ra trong vùng đóng quân với dân chúng, Huỳnh Tấn bỏ về đầu Tây và vạch kế hoạch bán chủ.

Anh hùng Trương Định tuẫn tiết và sau đó Huỳnh Tấn được thăng chức lãnh binh, trở thành nhân vật hết sức thế lực vùng Gò Công-thuộc huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định (nay thuộc Tiền Giang). Do vậy, chữ Công được thêm vào họ tên cho oách…Tên Huỳnh Công Tấn ra đời. Tấn chết sớm nên con trai là Huỳnh Công Miêng không hưởng phụ ấm là bao. Tuy vậy, khi một sĩ quan Pháp đánh đập dân phu đang đào trường đua ngựa tại Gò Công, Huỳnh Công Miêng ra tay đánh ngã viên sĩ quan này.

Vốn là con thứ tư của lãnh binh Tấn, Huỳnh Công Miêng được dân chúng xưng tụng là Cậu Tư Miêng. Bài vè Cậu Tư Miêng đươc truyền khẩu khắp lục tỉnh Nam Kỳ chính là để tán dương nhân vật này. Khá giỏi võ và tính tình ương ngạnh khó bảo, Tư Miêng hay can thiệp chuyện giữa đàng theo đúng tinh thần "kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng".

Nhanh chóng tiêu tán sản nghiệp (cũng chưa tích góp được nhiều) của cha là Huỳnh Tấn, Tư Miêng bỏ đi ngao du khắp nơi, tất nhiên là trong vùng Tây làm chủ. Đi đến đâu, Tư Miêng gây ra chuyện đến đó, đặc biệt là anh ta chuyên cà khịa với lính Tây hoặc các quan chức địa phương đã ra làm việc với tân trào. Tiền xài như phá gia chi tử, cộng thêm tánh khí hảo hớn, Tư Miêng luôn thiếu tiền lận lưng.

Trong thời gian cộng tác với thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, Huỳnh Tấn khá nhiều chiến hữu là Tây mũi lõ mắt xanh chính cống. Tư Miêng tìm đến những lị sở do bạn cha mình đang quản xòe tay xin ít tiền tiêu vặt. Tất nhiên không nhiều lắm, cộng thêm việc hàng tháng Tư Miêng ghé kho bạc lãnh tiền trợ cấp Bắc Đẩu Bội Tinh của cha, đủ để tạo thành huyền thoại: Tư Miêng có kim bài miễn tử và xài bao nhiêu cứ vào kho bạc mà lấy…

Cuộc đời của Tư Miêng cứ lăng quăng như thế cho đến một ngày nọ đột ngột chấm dứt. Nguyên nhân rất khôi hài: Tư Miêng đánh bài thín-cẩu với bọn giang hồ Kèo Vàng (người Hoa) ở bến Bình Đông. Sau khi thua khá nhiều, Tư Miêng vỗ bàn đứng dậy đòi tiền lại. Một cuộc "tả lùi thùi"(đả lôi đài) không công bằng xảy ra để giải-quyết-tranh-chấp.

Kết quả là Cậu Tư Miêng, với huyền thoại có kim bài miễn tử đã bị sáu, bảy tên giang hồ lưu lạc tận bên Tàu sang, nện một trận đến bất thành nhân dạng. Bị ném ra đường, Tư Miêng bị thêm một trận thứ hai của bọn trạo phu (phu chèo ghe) vốn bực mình gã hảo hán không biết kiềng mặt ai, và quy thiên! Thế là chấm hết một huyền thoại, cách chấm hết gây ngỡ ngàng cho tác giả bài vè Cậu Tư Miêng…

Huyền thoại thần cước sáu cường...

Nhiều truyền thuyết về xuất thân của giang hồ đứng bến đầu tiên của miền Nam này, nhưng đáng tin nhứt có lẽ là việc Sáu Cường xuất thân từ Bạc Liêu và có học võ với một ông Lục bên Miên. Thuở ấy, mọi đầu mối giao thông đều tập trung ở bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM bây giờ).

Xe còn chạy bằng than đá và lửa bắn tung tóe ra đường khi chở khách nhưng đã bắt đầu trở thành phương tiện đi lại chủ yếu thay cho tàu thuyền chậm và thiếu an toàn. Chính vì vậy, khi về bến xe An Đông trong một thời gian ngắn, Sáu Cường đã gây ra hàng trăm vụ đụng độ trước khi thâu tóm toàn bộ bến xe này vào tay.

Nên nhớ, lúc bấy giờ giang hồ và giang hồ đụng đầu nhau phải giữ được cách chơi "đúng luật" nếu không muốn bị xem thường, thậm chí lên án. Từ "điệu nghệ" chính là do chữ "đạo-nghĩa" đọc trại mà thành.. Thường thì phải trải qua thủ tục đưa thư hoặc bắn tin khiêu chiến. Sau đó chọn địa điểm và phương cách giao đấu. Tất nhiên là chỉ 2 kẻ đứng đầu xử nhau công khai, mọi đàn em chỉ đứng ngoài chờ xổ số kết quả.

Một ngày nọ, sau khi không còn ai thách thức ngọn liên hoàn cước nổi danh của mình, Sáu Cường nhận được một lá thư ngắn của băng cướp Bình Xuyên. Nội dung thư hết sức nhã nhặn, chỉ xin ít lương nuôi quân và được ký tên là Ba Dương, một trong những thủ lĩnh Bình Xuyên. Sáu Cường nhận lời hội kiến để xem mặt mũi thủ lĩnh Bình Xuyên đã nghe tiếng từ lâu. Ngồi đợi ở quán cà phê Hải Nam ngay góc ngã 3 Vĩnh Viễn, Sáu Cường nhìn thấy một chiếc xe kéo bánh cao su đặc đậu lại. Người bước xuống thoạt nhìn làm Sáu Cường hết sức thất vọng

Đó là một thanh niên mặc bộ bà ba lụa lèo trắng, tay phe phẩy quạt giấy. Vầy mà là Ba Dương, thủ lĩnh Bình Xuyên đây sao? Sáu Cường tự hỏi và không khỏi coi thường. Ba Dương chưa kịp mào đầu câu chuyện xin lương nuôi quân, Sáu Cường đã tuyên bố thẳng: Chịu nổi thần cước của Sáu Cường thì hẵng nói chuyện…còn không thì Bình Xuyên cứ tung hoành ở đất của mình, chừa đất cho anh em An Đông sống, chớ mà có héo lánh, mất hòa khí!

Ba Dương lẳng lặng gật đầu. Bàn ghế được dẹp gọn. Sáu Cường tung cước, những ngọn cước tuyệt kỹ đã giúp Sáu Cường thành danh. Ba Dương tay vẫn còn cầm quạt lòn xuống thấp tránh. Sau một loạt cú đá chết người, Sáu Cường hốt nhiên tái mặt ngừng tấn công và đồng ý góp tiền bạc công sức nuôi quân Bình Xuyên. Khi Ba Dương đã lên xe đi mất, đám đàn em nhao nhao hỏi Sáu Cường về quyết định chịu lép của đại ca. Sáu Cường xua tay không trả lời.

Nhưng về sau, chuyện cũng đã không còn bí ẩn: Khi Sáu Cường tấn công, Ba Dương chỉ lòn xuống hạ bàn để tránh, nhưng mỗi lần tránh Ba Dương đều dùng quạt chạm nhẹ vào hạ bộ Sáu Cường. Kết quả đã rõ, để lấy mạng Sáu Cường, vị thủ lĩnh huyền thoại của Bình Xuyên có quá nhiều cơ hội nhưng ông ta vẫn không ra tay dể giữ thể diện cho giang hồ bến xe An Đông.

Thảo nào Sáu Cường lại đồng ý nuôi quân Bình Xuyên ngay tắp lự…Đến đầu thập niên 40, khi đã khá trọng tuổi, Sáu Cường vẫn ngang tàng hảo hớn như xưa và trong một dịp đánh nhau với lính Tây vào Bình Khang quậy phá, Sáu Cường chưa kịp tung cú đá thần kỳ nào đã lăn ra đất chết bởi một viên đạn súng sáu bắn trúng giữa ngực!


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24605
Số người truy cập:
9252633