Hơn 300 thí sinh quay cóp môn Lịch sử

Tại Hội đồng thi THPT DL Đông Sơn và Đông Sơn 1 (Thanh Hóa), phao rải trắng phía sau khu vực thi. Khi Thứ trưởng Bành Tiến Long đi kiểm tra, phao được ném vèo vèo từ các phòng bên trên. Thậm chí, tại THPT Đông Sơn 1, khi thấy đoàn thanh tra, Phó chủ tịch Hội đồng thi và nhân viên phục vụ còn vội vàng đi nhặt "phao" do học sinh ném lại.

Còn tại Hội đồng thi THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình), trong phòng, phía sau khu vực thi, hành lang và cả bồn cây trước cửa phòng thi, đâu đâu cũng có "phao". Thứ trưởng Bành Tiến Long khi vào kiểm tra còn lôi từ ngăn bàn ra tập phao còn sót lại sau giờ Sinh học hôm qua...

Theo thống kê sơ bộ, chiều nay, cả nước có 312 thí sinh vi phạm quy chế, 49 em ốm, 7 em bị tai nạn và 4 em đi muộn. Sau hai ngày thi, có hơn 60 thí sinh bị tai nạn, gần 600 thí sinh vi phạm quy chế thi... Hải Phòng cũng phát hiện một trường hợp thi hộ đầu tiên trong mùa thi này.

Phao thi. Ảnh: Hoàng Hà.
Trong những môn học thuộc, phao thi vẫn được thí sinh sử dụng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại Hà Nội, 20 phút trước khi hết giờ thi môn Lịch sử chiều 29/5, nhiều thi sinh ở điểm thi THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã nộp bài ra về. Tuy nhiên, theo quy định, các thí sinh này phải ngồi trong khu vực thi đến cuối giờ làm bài.

Cổng trường vừa mở, Lan Hương, học sinh THPT Bán công Liễu Giai (Hà Nội) vội chạy ào đến chỗ người mẹ đang đứng chờ rồi mỉm cười: "Con làm được hết, còn ra sớm 15 phút".

Trong khi đó, nhận định đề bình thường, không dài nhưng Huy, học sinh THPT Nguyễn Trãi lại buồn bã cho biết không làm được bài. Lý do mà cậu học trò này đưa ra là do học "lệch tủ" và giám thị trông chặt nên không quay cóp được.

Giống như Huy, một nữ sinh THPT DL Đinh Tiên Hoàng cũng làm không hết bài do học lệch tủ. Học sinh này cho biết, phòng em có 2 bạn bị bắt khi đang dùng "phao" nhưng mải làm bài nên em không biết việc xử lý sau đó thể nào.

Tại quán nước cạnh THPT Nguyễn Trãi, sau khi yên vị, nhóm học sinh trường Phạm Hồng Thái đã thi nhau rút từ trong túi quần các bộ phao với đủ kích cỡ và thản nhiên vứt luôn xuống đất. Một nam sinh khác kín đáo gói phao vào tập giấy nháp rồi ném vào thùng rác bên đường.

Tại TP HCM, sau khi giờ thi môn Lịch sử kết thúc, thí sinh ùa ra cổng trường với gương mặt vui vẻ và những nụ cười rạng rỡ. "Với đề thi này, chỉ cần chịu khó học thuộc bài là làm được 8-9 điểm. Chỉ cần đọc xong câu hỏi là chúng em biết mình phải trả lời những ý nào và khoanh vùng kiến thức được ngay", Nguyễn Ngọc Thùy Uyên, THPT Lê Quý Đôn vui vẻ nói.

Nhưng theo Uyên, đề thi lịch sử nên có câu hỏi suy luận để thí sinh bộc lộ tư duy, đồng thời có thể phân loại được học sinh giỏi.

Ngay cả với cậu học sinh khối A Đoàn Minh Vương, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đề thi Lịch sử không quá khó. Nghe tin thi Lịch sử, Vương và hầu hết bạn bè đều căng thẳng nhưng khi đọc đề thi, không ít học sinh ban A ồ lên vui sướng.

"Không chỉ sát về nội dung, ngay cách đặt câu hỏi cũng không khác trong đề cương nên chúng em không phải suy nghĩ nhiều. Em tin mình sẽ được 9 điểm Lịch sử", nam sinh này tự tin nói.

Thí sinh Hà Nội làm bài thi. Ảnh: Hoàng Hà.
Thí sinh Hà Nội làm bài thi. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, tại hội đồng thi hệ bổ túc, thí sinh lại phàn nàn đề Lịch sử quá khác so với đề cương ôn tập.

Tô Ngọc Sơn, thí sinh tự do hệ bổ túc ở hội đồng thi THCS Colette (quận 3) cho biết: "Năm ngoái em trượt tốt nghiệp vì môn Sử, vậy mà đề thi Sử lần này còn khó hơn cả năm ngoái". Còn Tô Ngọc Thảo, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 8 phản ánh: "Câu hỏi trong đề Lịch sử trật lất so với hướng dẫn ôn tập của giáo viên".

Ghi nhận của VnExpress, ngày thi thứ hai tại TP HCM kết thúc khá suôn sẻ. Mặc dù, thí sinh thi 2 môn khá nhạy cảm là Vật lý và Lịch sử nhưng ở một số hội đồng cho thấy, không có cảnh phao thi bị vứt tràn lan như những năm trước.

Trao đổi với báo giới chiều nay, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Văn Ngai cho biết, hệ phổ thông có 31 thí sinh bỏ thi Lịch sử, tăng 9 em so với ngày đầu còn hệ bổ túc vắng 302 em.

Ở buổi thi Lịch sử, thành phố có 5 thí sinh hệ bổ túc tại hội đồng thi Chu Văn An, Lam Sơn, Trương Công Định, Võ Trường Toản và Lữ Gia bị đình chỉ, hủy kết quả thi do sử dụng tài liệu.

"Kết thúc ngày thi thứ 2, TP HCM không có giám thị vi phạm quy chế, không có sự cố nào về đề thi, điện, và điều kiện cơ sở vật chất khác", ông Ngai thông tin.

Đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử

Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề I:

A. Lịch sử Việt Nam (7 điểm)

Câu 1 (4 điểm): Tóm tắt hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1921 - 1927?

Câu 2 (3 điểm): Trình bày khái quát diễn biến và kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

B. Lịch sử Thế giới (3 điểm): Nêu những thành tự chủ yếu của kinh tế Mỹ trong hai thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đề II:

A. Lịch sử Việt Nam (7 điểm)

Câu 1 (4 điểm): Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950.

Câu 2 (3 điểm): Trình bày thành tựu trong những năm đầu (1986 - 1990) của sự nghiệp đổi mới đất nước và ý nghĩa của những thành tựu đó.

B. Lịch sử Thế giới (3 điểm): Nêu những thành tựu chủ yếu của kinh tế Mỹ trong hai thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Theo VnExpress

Giày Đại Phát solution
Số người online:
5483
Số người truy cập:
9246877