Tờ Tân Hoa Xã đưa tin, theo cảnh sát địa phương và người thân của các phụ nữ bị mất tích, họ từng sống tại những ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Sau khi những phụ nữ này bị mất tích, một số ông chồng đã nhận được những cuộc điện thoại đòi trả tiền chuộc hoặc người ta sẽ bán lại vợ của họ cho người khác.
Hiện vẫn chưa rõ họ mất tích từ khi nào và cảnh sát địa phương cũng chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về cuộc điều tra trên mặc dù phóng viên của tờ AFP đã đặt câu hỏi vào hôm qua (21-8).
Hu Jianhe, người từng trả 36.388 Nhân dân tệ (tương đương với khoảng 5.700 USD) cho cô vợ người Việt của mình vào năm 2008 cho hay, sau hai tháng kể từ ngày mất tích, vợ anh có gọi về cho anh: “Cô ấy khóc nức nở, nói với tôi rằng cô ấy bị bắt cóc và sẽ bị bán tới một ngôi làng hẻo lánh khác. Muốn chuộc cô ấy, tôi phải có 20.000 Nhân dân tệ”.
Số lượng cô dâu người Việt bị mất tích tại đây có thể cao hơn con số 100
Trên thực tế, số lượng cô dâu người Việt bị mất tích tại đây có thể cao hơn con số 100, bởi chỉ có một số ông chồng miễn cưỡng khai báo thành thật rằng vợ mình bị mất tích, còn đa số không dám nói sự thật do lo sợ bị cáo buộc buôn người.
Sự chênh lệch quá lớn về giới tính ở Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng của nạn buôn bán các cô dâu và tệ nạn mại dâm ở đất nước đông dân nhất thế giới; khởi nguồn từ chính sách một con khắc nghiệt, trong khi hầu hết người Trung Quốc đều thích có con trai bởi chịu ảnh hưởng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Theo thống kê, trong vòng 10 năm qua, tại Trung Quốc, cứ khoảng 118 bé trai sinh ra thì chỉ có khoảng 100 bé gái ra đời. Và theo như kết quả từ một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái, vào năm 2020 tới, tại đất nước này, hơn 24 triệu đàn ông ở độ tuổi kết hôn có thể sẽ không lấy được vợ do thiếu cô dâu trầm trọng.