Hàng trăm học sinh xã Sơn Hải ngày ngày chèo thuyền cả chục cây số trên lòng hồ Cấm Sơn để đến trường
Sơn Hải là xã miền núi thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang, nằm gọn trong lòng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn. Trường THCS Sơn Hải nằm gần bến thuyền, nơi hằng ngày vẫn có hàng trăm học sinh chen nhau vào giờ đến và tan trường. Song, để đến được trường, các em học sinh phải trải qua lắm gian nan, nguy hiểm.
Đường sao dài quá...
Xã Sơn Hải có 5 thôn (Đấp, Tam Chẽ, Đồng Mậm, Cầu Sắt và Cổ Vải) với gần 3.800 nhân khẩu, trong đó 85% là người dân tộc Nùng. Hiện cả xã Sơn Hải có trên 400 học sinh tiểu học và THCS phải đi thuyền đến trường. Thầy Nguyễn Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải, người đã có thâm niên 19 năm bám trường lớp ở đây, bộc bạch: “Nhìn các em ngày ngày đến trường bằng con thuyền gỗ mỏng tang, tôi và các thầy cô lo lắm, nhưng chỉ biết mong các em vững tay chèo”.
Để đến được trường, Lục Văn Mười, cậu học sinh lớp 8 có vóc dáng còi cọc như học sinh lớp 5, cùng đám bạn học ở thôn Cổ Vải phải vượt qua những quả đồi trên đảo và chèo thuyền trên đoạn sông nước dài 12 km. Để có mặt ở trường vào đầu giờ chiều, các em đã phải rời nhà từ 9 giờ sáng, đi bộ tập hợp tại một bến, lập thành từng tốp cho đầy thuyền rồi thay nhau chèo. Cổ Vải là thôn xa nhất ở Sơn Hải. Ở các thôn khác, học sinh cũng phải chèo thuyền và đi bộ từ 30 phút đến 1-2 giờ mới tới được trường. Tính ra, để có được tấm bằng tốt nghiệp THCS, mỗi học sinh Sơn Hải phải đi qua đoạn sông nước hàng ngàn km bằng những chiếc thuyền gỗ mỏng manh trong suốt tuổi học trò.
Trường THCS Sơn Hải có 175 học sinh phải đến trường bằng thuyền. Nhờ có chương trình 135 xây nhà tạm trú nên từ năm 2006 đến nay, một số ít học sinh ở quá xa đã có thể học bán trú ở trường, cuối tuần mới về nhà. Học sinh THCS đã vậy, 240 học sinh Trường Tiểu học Sơn Hải của xã ngày ngày phải đến trường luôn đối mặt với hiểm nguy sông nước rình rập. Đeo chiếc cặp có gắn phao cứu sinh vào lưng hai cô con gái Lý Thị Ổn và Lý Thị Nhung (học sinh lớp 2 và lớp 3), chị Lục Thị Phương, nhà ở thôn Tam Chẽ, tâm sự: “Mình chỉ thật sự hết lo lắng khi con rời trường về đến nhà”. Người cầm lái con thuyền mong manh đưa hai cô con gái chị Phương đến trường mỗi ngày cũng chỉ là cậu học trò lớp 5, là con trai của Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải Dương Công Quyền.
Cô giáo Nông Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Hải, cũng ngày 4 bận đi về bằng thuyền. Nhìn những học trò nhỏ xíu của mình chơi vơi trên sông nước hằng ngày, cô Thúy tâm sự: “Đường đến trường sao dài quá...”.
Chuyện buồn đã đến khi cách nay khoảng 10 năm, ở Sơn Hải có một người thầy ra đi mãi mãi trong một lần băng hồ đến thăm học trò. Còn chuyện học sinh sẩy chân rơi xuống nước thì xảy ra như cơm bữa, may mà vẫn chưa có em nào gặp mệnh hệ gì.
Mơ một con thuyền máy
Hết tiết học thứ 5 buổi sáng, con thuyền chở nhóm học sinh về thôn Cầu Sắt. Con thuyền chênh vênh, chở nặng, mép dán sát vào mặt hồ. Một cơn gió chưa đủ mạnh cũng làm con thuyền tròng trành. Chèo thuyền một cách thuần thục, em Hoàng Thị Bẩy, học sinh lớp 9, nhà ở thôn Đấp, cho biết: “Chúng cháu biết bơi, mưa gió vẫn không bao giờ nghỉ học”. Cùng đồng hành trên chiếc thuyền, thầy Dương Công Quyền lo lắng: “Các em quyết tâm đến lớp nên lớn tiếng vậy, chứ thực tình biết bơi cũng rất nguy hiểm vì con thuyền nhỏ bé rất dễ lật mỗi khi gió lớn, hồ lại rộng. Vào mùa rét, nếu lật thuyền, các em không chết đuối cũng chết cóng”.
Nhìn mặt hồ nước mênh mang hút tầm mắt, thầy Quyền thổ lộ chỉ mong được cơ quan chức năng đầu tư hay các nhà hảo tâm tài trợ một con thuyền sắt lớn gắn máy để chạy một vòng đón học sinh đến trường hằng ngày. “Một con thuyền mang bình an đến mọi gia đình và bảo vệ các em cho tương lai chỉ khoảng 50 triệu đồng, song đến nay vẫn chỉ là mơ ước của người dân và thầy trò Sơn Hải” - thầy Quyền buồn bã. Thêm nữa, theo thầy Quyền, hiện ở Sơn Hải vẫn còn 185 học sinh tiểu học và 70 học sinh THCS chưa có áo phao đến trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, ông Vi Văn Sáo, cho biết: “Sơn Hải là xã nghèo, thu nhập chính của người dân chỉ có làm ruộng, vườn, song phải chờ sự “xót thương” của trời đất. Người dân cấy lúa luôn trong tình trạng phấp phỏng, mưa có nước đến đâu thì cấy đến đó”. Dựa lưng vào rừng, ngoảnh mặt ra mặt nước mênh mông, kinh tế của người dân Sơn Hải chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Hồ Cấm Sơn mang hàng trăm ngàn m3 nước tưới cho các xã, huyện vùng thấp, nhưng người dân ở đây lại lo ngay ngáy khi nước lớn ngập lòng hồ tràn ra ngoài sẽ chẳng có đất để cày cấy. Lòng hồ cạn vào mùa khô, bà con tranh thủ cấy, song cũng mỏi mòn chờ đến ngày để vội vàng gặt, kẻo chỉ mưa một đêm là bao công sức đổ sông đổ biển. “Khó khăn vậy, nên chuyện một chiếc thuyền máy lâu nay vẫn là ước mơ xa vời, thậm chí đến thuyền gỗ chẳng bao nhiêu tiền mà các gia đình cũng phải sắm chung để cho các cháu đến trường”- ông Sáo cho biết. Khó khăn là vậy, gian nan là vậy, song tỉ lệ học sinh học đúng độ tuổi ở Sơn Hải vẫn đạt 98%; 5 năm nay không một học sinh nào bỏ học giữa chừng.
Tiếng mái chèo ì oạp khua mặt nước hồ Cấm Sơn vẫn ngày ngày vang lên, đưa hàng trăm học sinh đến trường. Nghèo khó, song khát vọng được học, được có kiến thức vẫn luôn dâng trào trong mỗi thế hệ con em Sơn Hải như mạch nước lòng hồ Cấm Sơn không bao giờ cạn kiệt.
( theo NLĐ)