Giá thuốc Poan 50 tại bệnh viện sau khi đã bị đẩy lên gấp bốn lần
Trong tờ khai hải quan, thuốc Maxazith Suspension 20ml (hoạt chất là Azithromycin), xuất xứ Bangladesh có giá đến cảng Việt Nam là 0,75 USD/hộp. Theo tỉ giá ngoại tệ hiện hành, tính ra tiền Việt Nam thuốc này có giá chưa đến 16.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, con đường lòng vòng của hộp thuốc đã đẩy giá lên cao làm chóng mặt người bệnh.
Chóng mặt vì giá
Theo hóa đơn giá trị gia tăng ngày... tháng 3-2011, 1.000 hộp thuốc Maxazith được Công ty cổ phần Dược phẩm PM, ở khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bán cho Công ty cổ phần dược phẩm TÂ ở Trần Khát Chân, Hà Nội với giá 32.000 đồng/hộp. Sau một hồi lòng vòng, 1.000 hộp Maxazith lại được Công ty cổ phần đầu tư phát triển HN, trụ sở ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, bán cho Công ty TNHH thương mại dược phẩm PV, trụ sở cũng ở khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhưng lúc này giá thuốc đã lên đến 71.238 đồng/hộp.
Dược sĩ Phạm Lương Sơn (trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - bảo hiểm xã hội VN): Nhà sản xuất thuốc nên trực tiếp bán thuốc Tình trạng mua bán thuốc lòng vòng chúng ta đã biết từ lâu nhưng chưa khắc phục được. Vấn đề ở hệ thống phân phối thuốc của mình, người sản xuất không bán thẳng cho người tiêu dùng, bệnh viện, mà phải thông qua một công ty khác cung ứng. Do đó phải có một phần hoa hồng cho công ty cung ứng, hoa hồng này lại tính vào giá thuốc. Về mặt lý thuyết, anh sản xuất ra thuốc là anh có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu và cung ứng thuốc trực tiếp. Một luật bất thành văn nữa là bán thuốc vào các bệnh viện địa phương, khi đấu thầu thì nhiều công ty tham gia, nhiều công ty trúng, nhưng khi bệnh viện lấy hàng thì khó mà qua được công ty dược địa phương. Về mặt cơ chế, hướng dẫn về đấu thầu, cung ứng thuốc phải chỉ ra được bất cập này. |
Kế tiếp, 104 hộp trong số này được Công ty TNHH thương mại dược phẩm PV bán cho nhà thuốc bệnh viện với giá 92.380 đồng/hộp. Và tại nhà thuốc bệnh viện, thuốc này được bán ra với giá 106.500 đồng/hộp, tăng gần bảy lần so với giá nhập khẩu!
Một sản phẩm khác, thuốc Babypain, ban đầu do Công ty PV bán cho Công ty TÂ giá 29.756 đồng/hộp. Vòng vèo một hồi, Công ty NY lại bán Babypain cho Công ty HN với giá 46.380 đồng/hộp, rồi Công ty HN lại bán cho Công ty PM, chỉ có điểm khác là lúc này giá thuốc đã lên đến 57.142 đồng/hộp. Từ Công ty PM, thuốc được bán vào bệnh viện với giá 71.428 đồng/hộp, gấp gần ba lần so với ban đầu.
Cũng bằng con đường lòng vòng này, thuốc Poan 50 của Ấn Độ đến cảng Hải Phòng, VN với giá 0,9 USD/chai 60ml (khoảng 20.000 đồng). Tại nhà thuốc bệnh viện, thuốc đàng hoàng có giá... 80.000 đồng/chai, gấp bốn lần so với giá nhập khẩu đến cảng (giá CIF). Cùng trong tờ khai hải quan này, thuốc Cexan có giá 0,7 USD/chai 60ml (khoảng 15.000 đồng), nhưng ở nhà thuốc bệnh viện, giá đã được đội lên... 78.000 đồng, tăng hơn năm lần so với ban đầu.
“Biện pháp nghiệp vụ”!
Chuyện mua bán lòng vòng nhiều tầng nấc được coi như một “biện pháp nghiệp vụ” của giới kinh doanh dược phẩm để đẩy giá lên cao.
Theo tính toán của Bộ Y tế, thặng số lãi trần từ giá CIF (tức mua hàng tại cảng đến, giá trị hợp đồng bao gồm cả chi phí vận chuyển) đến bán buôn khoảng 90% là đã đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nhưng tại cuộc gặp mới đây giữa Sở Y tế Hà Nội và các doanh nghiệp dược phẩm bàn về giá thuốc, một tổng giám đốc doanh nghiệp đã cho rằng mức thặng số lãi trần từ giá CIF đến bán buôn nên là 138% mới đảm bảo lợi nhuận 10%, do doanh nghiệp còn phải đương đầu với nhiều rủi ro. Nhưng bất chấp thặng số cho phép ở mức 90% hay 138% so với giá nhập khẩu, tình trạng mua bán thuốc lòng vòng như trên đã khiến thặng số lãi/giá thuốc lên đến 400-500%!
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc mua bán thuốc lòng vòng, đẩy giá lên quá cao đã được nói đến quá nhiều, từ năm 2003. Bộ Y tế có biết chuyện này hay không? Câu trả lời là biết quá rõ, vì chỉ bằng vài biện pháp nghiệp vụ đơn thuần - kiểm tra tờ khai hải quan, hóa đơn mua bán là rõ đường đi của thuốc. Nhưng đến năm 2011 tình trạng khó chịu này vẫn mới được bàn bạc giải quyết... trên giấy, bằng dự thảo thông tư sửa đổi về quản lý giá thuốc vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến sửa chữa.
Trong dự thảo thông tư sửa đổi về quản lý giá thuốc, Bộ Y tế cho biết sẽ có quy định thặng số lãi trần từ sản xuất/nhập khẩu đến bán buôn, nhằm mục đích “thu ngắn tầng nấc trung gian”. Nếu có quy định này, người mua thuốc 1 đồng, lợi nhuận và chi phí cho phép là 1 đồng, thì chỉ được bán với giá 2 đồng mà thôi, không thể có tình trạng mua 1, bán 4-5, thậm chí bán 7-8 như trên.
Tuy nhiên, trước đây Bộ Y tế đã hứa chậm nhất quý 4-2010 sẽ ban hành thông tư này, nhưng nay đã là quý 3-2011 thông tư vẫn chưa được ban hành và đưa ra thực hiện. Lý do được đưa ra là mức thặng số lãi trần từ sản xuất/nhập khẩu đến bán buôn rất khó xác định, còn nhiều điểm phải bàn bạc. Và cũng bởi mức thặng số chấp nhận được bao nhiêu còn phải bàn bạc, nên rất có thể chỉ thí điểm áp dụng thặng số lãi trần với 20 mặt hàng, trong khi thị trường dược phẩm có trên 20.000 mặt hàng. Và như vậy tình trạng mua bán lòng vòng vẫn chưa có lời giải.
Đường đi của giá thuốc
(Đơn vị: đồng)
Tên thuốc | Giá nhập cảng | Giá bán lần 1 | Giá bán lần 2 | Giá bán lần 3 | Giá bệnh viện |
Maxazith 20ml | Gần 16.000 | 32.000 | 71.238 | 92.380 | 106.500 |
Babypain | - | 29.756 | 46.380 | 57.142 | 71.428 |