Hậu nhân "cánh buồm đen"

Nhiều người trên đảo Hòn Tre, xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang khẳng định ở quần đảo Hải Tặc vẫn còn hậu nhân của cướp biển song không ai rõ là ai, ở đâu. Tình cờ, chúng tôi hỏi thăm đúng bà N.T.G, 84 tuổi, con gái một hải tặc khét tiếng cách đây 100 năm.
 
Bà N.T.G, hậu nhân của một thành viên băng cướp biển "cánh buồm đen",
hiện sống trên đảo Hòn Tre thuộc quần đảo Hải Tặc
 
Một thời ngang dọc
 
Bà G. là người sống lâu năm trên quần đảo Hải Tặc. Thoạt đầu, bà G. có vẻ dè dặt khi nói về cha mình nhưng dần dần đã trở nên cởi mở.
 
Cha bà G. là ông N.T.V, thành viên băng cướp "cánh buồm đen". Bà G. nhớ lại: "Khi còn nhỏ, tôi không hề biết cha mình là cướp biển. Rồi chị em tôi khôn lớn, cha tôi tuổi đã già nhưng vẫn ít khi nghe ông nhắc lại thời quá khứ. Có lần, khi kể về chuyện tình với mẹ, cha mới hé lộ những câu chuyện một thời trai trẻ ngang dọc của ông".
 
Bà G. cho biết khoảng 100 năm trước, nhiều tàu thuyền ngang qua vùng biển Tây rất nể sợ một băng cướp biển có biểu tượng cánh buồm đen.
 
Băng này có địa bàn hoạt động rất rộng, trải khắp vùng vịnh Thái Lan, chuyên cướp tài sản trên tàu thuyền của thương buôn qua lại.
 
Trong băng, ông V. là người trẻ tuổi nhất nhưng võ nghệ đầy mình. Ông đã từng cùng các "đồng nghiệp" khét tiếng như: S.M, B.L, N.B... đi đánh cướp các tàu buôn ở ngoài biển khơi cách xa căn cứ hàng trăm cây số.
 
Thời trai trẻ của ông V. là những tháng ngày ngang dọc, vẫy vùng, xem sóng nước, súng đao làm bạn, lấy hoang đảo làm nhà.
 
Những chuyến "làm ăn" của các thành viên "cánh buồm đen" có khi sang tận lãnh hải của Thái Lan và những vùng biển xa hơn. Cũng chính những ngày tháng ngang dọc ấy, ông V. đã đem lòng yêu thương một cô gái người Thái Lan rồi họ dắt nhau đi tìm vùng đất lành để xây tổ ấm.
 
"Có lẽ sức mạnh của tình yêu đã khiến cha tôi thức tỉnh. Ông quyết định lìa bỏ nghề cướp biển, đưa mẹ tôi tìm về một bãi biển hoang vắng ở đảo Phú Quốc cất nhà sinh sống. Khi chị em tôi sinh ra ở đó thì cha tôi đã chính thức giải nghệ" - bà G. hồi tưởng.
 
Theo bà G., mẹ bà từng kể lại rằng lúc mới về định cư trên đảo Phú Quốc, có lần ông V. phải giở lại món võ nghệ để đánh tan tác một nhóm côn đồ khi chúng định ức hiếp gia đình mình.
 
Từ đó, chẳng có tên nào dám bén mảng đến quấy rầy gia đình ông nữa. "Về già, cha tôi mới tìm về sống trên đảo Hải Tặc rồi trút hơi thở cuối cùng ngay trên đảo này" - bà G. nói.
 
Nhiều người trên đảo Hòn Tre khẳng định các thành viên của "cánh buồm đen" trước khi chết đều tìm trở lại quần đảo Hải Tặc sống những ngày tháng cuối đời.
 
Vì thế, quần đảo này là nơi yên nghỉ của nhiều thành viên đảng cướp. Song theo thời gian, các nấm mộ của hải tặc đều mất dấu và hậu nhân của họ cũng được ít người biết đến.
 
Để quá khứ ngủ yên
 
Chị em bà G. sinh ra và lớn lên tại đảo Phú Quốc. Khi đã dựng vợ gả chồng cho chị em bà, ông V. mới tìm về lại quần đảo Hải Tặc sống những ngày tháng cuối đời. "Đến khi ông chết đi cũng không có chị em tôi bên cạnh" – bà G.  cho biết.
 
Mãi đến năm 1956, vợ chồng bà G. mới dong thuyền từ Phú Quốc về sinh sống trên đảo Hòn Tre. Bà đã chọn bãi Bắc để cất nhà vì từ nơi đây có thể nhìn về quê hương Phú Quốc.
 
"Tôi đã biết đến đảo Hải Tặc từ trước, trong những lần từ Phú Quốc theo thuyền vào Hà Tiên mua sắm gạo muối, trên đường về gặp sóng to, gió lớn phải ghé vào đây trú tạm. Khi đó, nơi này vẫn còn là đảo hoang, chưa có bóng người. Khoảng năm 1955 - 1956, ở Phú Quốc bị quản thúc dữ quá nên vợ chồng tôi dắt thằng con lớn chạy vào đây lánh nạn. Khi ghe tôi cặp bờ thì trên bãi Bắc này chỉ có 2 căn nhà, còn cả đảo chưa đầy chục căn" - bà G. nhớ lại.
   
Những ngày đầu gia đình bà G. đến đảo Hải Tặc, khi nhiều người ở đây biết bà là hậu nhân của thành viên "cánh buồm đen" đã tỏ ra nghi ngờ.
 
"Họ ngờ vực chúng tôi tìm đến vùng đảo mà cha tôi từng vùng vẫy là có mục đích nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn một chốn yên bình để nương thân, sinh sống chứ không vì lý do nào cả. Gia đình tôi muốn để quá khứ ngủ yên và mong mọi người xem tôi như bao người dân khác trên quần đảo này" - bà G. khẳng định.
 
Bà G. kể hồi mới đến Hòn Tre, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, thiếu thốn. Bao nhiêu thứ nhu yếu phẩm đều phải vào Hà Tiên mua bán hoặc trao đổi.
 
"Vì nghèo khó và vì tình hình ở Phú Quốc khi đó căng quá, chúng tôi mới tìm đến đảo Hải Tặc, chứ ai chẳng muốn yên ổn? Ngày trước làm gì có ghe máy như bây giờ, muốn vào đất liền thì căng buồm đợi, khi có gió Nam mới rời bến. Chỉ cách nhau 18 km nhưng có khi đi cả tuần lễ chưa đến nơi" - bà G. hồi tưởng.
 
Bà G. có đến 8 con nhưng chỉ 2 người sống trên đảo Hòn Tre (một người đã chết), còn những người khác đều sống ở xa, có người ở lại Phú Quốc, người sống ở nước ngoài.
 
Hôm tôi ghé nhà bà G., ông H.Th, con trai lớn của bà, cũng vừa từ Phú Quốc vào Hòn Tre thăm mẹ. Các con bà G. giờ cũng có người khá giả, họ muốn đón bà về chung sống nhưng bà không chịu.
 
"Tôi chỉ muốn ở lại nơi này để mỗi ngày được hương khói, trông coi mồ mả cho cha, dù không phải không có điều tiếng vì là con gái của một hải tặc khét tiếng ngày nào" – bà G. bộc bạch.
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Giày Đại Phát solution
Số người online:
25436
Số người truy cập:
9300850