Hành trình chế xe bọc thép cho Campuchia của nông dân Tây Ninh

 Cao lớn, giản dị và đậm chất nông dân nhưng trong các câu chuyện ông Trần Quốc Hải (ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) luôn nhắc về máy móc và những ý tưởng kỳ lạ. Hơn một tháng trước, ông cùng con trai được chính phủ Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân khi sửa chữa và đóng thành công 12 xe bọc thép.

ong-hai-1-3021-1415780269.jpg

Ông Trần Quốc Hải, nông dân vừa nhận được huân chương Đại tướng quân của Campuchia. Ảnh: Duy Trần

Giọng đặc sệt Nam Bộ, ông Hải kể, trong lần được mời sang Lữ đoàn 70 quân đội Campuchia giúp kỹ thuật sử dụng máy trồng mỳ, ông thấy nhiều xe bọc thép của họ hư hỏng, không khởi động được. Để di chuyển, cả chục người lính phải xúm lại đẩy đi. Sau khi xem qua đống máy móc, động cơ, ông đề xuất được sửa chữa. “Lúc tui nói vậy họ trố mắt nhìn", ông Hải cười nói.

Lãnh đạo lữ đoàn sau đó gọi ông Hải lên, nói rằng biết ông giỏi chế tạo máy móc nông nghiệp nhưng đây là máy móc quân sự với cấu tạo và nguyên lý phức tạp. Họ cho biết đã rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam sang sửa chữa cũng không được.

“Nghe đến đoạn này tui tức lắm. Ai sửa không được mặc kệ nhưng nghe nói người Việt Nam không làm được là tự ái dân tộc của tui nổi lên. Tui nói sẽ tự bỏ tiền ra làm, họ lại trố mắt nhìn", ông Hải bộc bạch.

Thông tin nhanh chóng đến Tư lệnh Lữ đoàn 70, ông này cũng không biết xử lý thế nào nên báo cáo lên Tổng tư lệnh quân đội Campuchia. Vị này chỉ thị để ông Hải thử sửa chữa vì dù sao mấy chiếc máy cũng đã hư hỏng. “Được phép rồi tui lại thấy lo lo. Nhưng thiệt ra máy móc nó có chung nguyên tắc hoạt động, thêm nữa người ta làm được mình cũng làm được”, ông Hải cho hay.

Sau khi xem qua các chi tiết của xe, ông Hải càng tự tin vào khả năng thành công. Theo đó, đầu năm 2013, ông bỏ ra 25.000 USD rồi cùng con trai Trần Quốc Thanh và vài người thợ bắt tay sửa chữa. Dòng xe bọc thép được sản xuất từ thời Liên Xô, chạy bằng xăng, được nhóm của ông Hải hì hục tháo lắp, cân chỉnh, thay bộ động cơ chạy dầu.... Sau một tháng, chiếc xe bọc thép hoàn thiện, chạy ro ro và chỉ tốn 25 lít dầu diesel cho 100 km thay vì phải mất 45 lít xăng như trước kia.

cha-con-7180-1415780269.jpg

Cha con ông Hải bên chiếc xe bọc thép họ chế tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giao chiếc xe cho Lữ đoàn 70 thử nghiệm, theo ông Hải, những người có chức trách tỏ ra rất sửng sốt khi xe vận hành như chưa từng hỏng hóc. Tư lệnh đơn vị này liền ký quyết định chi trả tiền công và giao thêm cho ông Hải 10 chiếc nữa để sửa chữa. Do đã có kinh nghiệm, chỉ trong thời gian ngắn, cha con ông Hải và đội thợ nhanh chóng hoàn thành. Dàn xe bỏ đi giờ như mới, nhiều cải tiến vượt trội giúp thêm uy lực trên chiến trường.

“Mỗi chiếc tui được trả công 25.000 USD, trừ chiếc đầu, tiền đều được trả trước hết để tui có kinh phí mua phụ tùng. Ngoài cái tự ái dân tộc ban đầu thì việc sửa xe cũng cho tui một nguồn thu đáng kể”, ông Hải thẳng thắn.

Chủng loại xe bọc thép phía Campuchia đang dùng vốn được thiết kế cho chiến trường Liên Xô có địa hình bằng phẳng, trong khi ở đây thường là đồi núi nên có một vài bất cập khi vận hành. Nhận ra điều này, cha con ông Hải nảy sinh ý tưởng sẽ làm một chiếc mới phù hợp hơn cho nước bạn.

Trong ngày bàn giao 11 xe vừa sửa xong cho Lữ đoàn 70, cha con ông Hải đề xuất ý tưởng sản xuất xe bọc thép mới, vị tướng tư lệnh lại ngớ người."Tui làm được thì đơn vị hãy trả công, còn lỡ thất bại coi như tui mất vốn", ông Hải đề nghị và được lãnh đạo Lữ đoàn 70 đồng ý ngay.

Nhờ hiểu biết ngọn ngành về xe bọc thép trong gần một năm sửa chữa hơn chục cái cho Campuchia nên cha con ông Hải khá thành thạo với những điểm mạnh, yếu của chiếc xe. Hai người đàn ông một già, một trẻ bắt tay vào thiết kế mẫu mã, các tính năng mới cho con chiến xa. Chi tiết lắp dàn súng trên xe khiến cha con ông Hải mất thời gian nhiều nhất bởi theo thiết kế cũ của Liên Xô súng chỉ bắn được khoảng cách trên 150 mét trong khi địa hình Campuchia đồi núi, nếu bị phục kích gần, súng coi như bỏ đi.

Mất gần 3 tháng tìm đọc tài liệu, nghiên cứu, 2 cha con nông dân mới thành công khi chế tạo được xe bọc thép “made by Trần Quốc Hải” với súng có thể bắn ở cự ly 7 mét. Ông cũng bố trí thêm 2 súng bên hông, tháp pháo quay tự động, máy nổ giòn. Thao tác chạy, chiến đấu trên chiến trường giả định coi như hoàn hảo. Tổng chi phí mua sắm thiết bị, trả tiền nhân công, ông Hải mất hết 200.000 USD.

Việc một nông dân Việt Nam chế tạo, cải tiến cả xe bọc thép được Thủ tướng Hunsen và quốc vương Campuchia ghi nhận. Ông Hải được quốc vương tặng bằng khen và gọi ông là nhà khoa học, còn Trần Quốc Thanh con trai ông được gọi là kỹ sư, nhà kỹ thuật. Trong lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Lữ đoàn 70 (13/10), cha con ông Hải được thủ tướng Hunsen trao tặng huân chương Đại tướng quân.

huan-chuong-3449-1415780269.jpg

Huân chương Đại tướng quân của cha con ông Hải. Ảnh: Duy Trần

Hiện, chính phủ Campuchia đang xây dựng phân xưởng để tiếp tục chế tạo xe bọc thép, thời gian tới, ông Hải sẽ qua làm việc. “Rất may tui được các bạn Campuchia tin tưởng", ông Hải chia sẻ.

Nông dân Trần Quốc Hải từng nổi danh cả nước khi chế tạo thành công chiếc máy bay phản lực, máy bay này sau đó được ông bán cho một bảo tàng dùng để triển lãm ở Mỹ. Ngoài ra, ông được mệnh danh là ông vua sáng chế máy nông nghiệp khi tạo ra máy trồng mỳ, lạc, phun thuốc trừ sâu cho vườn cao su.

Trao đổi với VnExpress, chủ tịch UBND huyện Tân Châu, Võ Đức Trong cho biết, ông Hải có niềm đam mê lớn dành cho máy móc, với sự sáng tạo, nông dân này đã chế tạo thành công nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp không chỉ ở Tây Ninh mà còn nhiều địa phương cả nước.

Ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết, bản thân ông và 5 thành viên khác trong Liên hiệp các Các tổ chức hữu nghị Việt Nam từng nhận huân chương Đại tướng quân cách đây ba tháng. "Đây là phần thưởng chính phủ Campuchia trao tặng cho những người có thành tích lớn trong xây dựng và phát triển đất nước", ông Mão nói.

>>> Video: Ông Hải kể chuyện chế xe bọc thép cho Campuchia

Duy Trần

Giày Đại Phát solution
Số người online:
21602
Số người truy cập:
9190763