Tại hội thảo khoa học về công trình ngầm do Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần qua ở Sài Gòn, nhiều bài học từ sự cố và giải pháp phòng chống cho dự án ngầm hoặc có tầng hầm đã được gần 50 tham luận của nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực này mổ xẻ.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Văn Hiệp, các sự cố tầng hầm vừa qua đều bắt nguồn từ lỗi thi công sai và giám sát chưa đủ tầm hoặc chưa làm hết trách nhiệm. Chủ đầu tư ngại tốn kém, không phải người trong nghề, nên đã gây nên nhiều tai nạn đáng tiếc.
Ông Hiệp giải thích rằng, tầng hầm công trình Pacific (quận 1, TP HCM) làm sập Viện Khoa học xã hội bắt nguồn từ việc chủ đầu tư tự tiện thi công theo ý mình, làm liều, bất chấp pháp luật và vi phạm nhiều lỗi kỹ thuật trong công trình này.
"Sự cố sập Viện Khoa học xã hội đã được báo trước nhưng nhà thầu và đơn vị giám sát không đủ năng lực "đọc" các dấu hiệu này. Thành phố đang thiếu trầm trọng lực lượng tư vấn, quản lý dự án", ông Hiệp nói.
Trong khi đó, Giám đốc Liên hiệp địa chất công trình xây dựng và môi trường Đặng Hữu Diệp kết luận, các tai nạn tầng hầm là do đơn vị thi công chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của hố móng sâu, không đặc biệt quan tâm và thi công hố móng như một hạng mục riêng biệt, chỉ làm qua loa.
Ông Diệp khuyến cáo, Việt Nam còn thiếu những kỹ sư giỏi chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm, vì vậy các hạng mục đi sâu vào lòng đất phải được đầu tư chất lượng và nghiêm túc để đảm bảo an toàn.
Tiến sĩ Trịnh Việt Cường, đại diện Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng cho biết, đào đất thi công phần ngầm nhà cao tầng thường làm thay đổi và biến dạng điều kiện địa chất thủy văn trong đất, do đó dễ tác động đến khu vực xung quanh.
Theo ông Cường, sự cố xảy ra khi công trình gặp phải nền đất yếu hoặc nền cát dưới mực nước ngầm. Những hố đào sâu dùng cừ, cọc khoan nhồi tự tạo không đạt chuẩn khi va phải vùng có nước ngầm hoặc đất lấp chứa nhiều nước cũng dễ xảy ra sụt lún.
Chuyên gia này đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu phải chú trọng biện pháp thi công và tiến hành quan trắc kỹ lưỡng từng khâu như: địa kỹ thuật, thủy văn, mực nước ngầm, độ nghiêng các công trình lân cận, độ chuyển vị ngang trong đất, độ lún của nền đất...
Vụ trưởng Khoa học công nghệ và môi trường, ông Nguyễn Trung Hòa khẳng định, TP HCM đã có bản đồ địa chất từ thế kỷ trước để tham khảo. Bản thân mỗi công trình đều phải khảo sát thêm để nắm cụ thể địa chất từng nơi.
Ông Hòa lấy dẫn chứng các tòa nhà cao nhất thành phố như: Saigon Center, Metropolitan, Ocean Palace... đã được xây từ những năm 1990 và gặt hái thành công. Tất cả các nhà thầu, tư vấn, giám sát của những công trình này đều là tổ chức nước ngoài dày dặn kinh nghiệm và có giải pháp hợp lý.
"Vấn đề ở đây không phải là địa chất mà là giải pháp kỹ thuật như thế nào. Vì thế, cho rằng không có bản đồ địa chất dẫn đến xảy ra sự cố tầng hầm là thiếu cơ sở", ông Hòa phân tích.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang nhấn mạnh rằng, đối với các dự án cao tầng có hạng mục ngầm, bên cạnh quy định kỹ thuật, việc mua bảo hiểm đối với chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát, tư vấn là điều khoản bắt buộc, có quy định trong luật.
Ông Quang cho hay, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề xây dựng công trình ngầm, trong đó, có quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm.
"Ngay cả những lỗi vi phạm thông thường cũng sẽ bị phạt thấp nhất là 30 triệu đồng", ông tiết lộ.
Các sự cố xây dựng tại TP HCM gần đây: -Ngày 27/3: sụt nền chung cư 207 lô B Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM cạnh hố móng công trình cao ốc văn phòng cho thuê số 102 Cống Quỳnh - Ngày 1/11: Sập nền trường Lương Định Của, phường An Phú, quận 2 làm 800 học sinh nháo nhác. - Ngày 31/10: Nghiêng chung cư Cosaco tại số 5, Thi Sách, quận 1 làm hơn 100 người hoảng loạn cạnh công trình Residence. - Ngày 9/10: Sập Viện và lún nứt Sở Ngoại Vụ, phường Bến Nghé, quận 1. |